Không cần thiết chặt phá rừng để sản xuất thêm lương thực
(Dân trí) - Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ), sự hợp tác giữa lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp có thể giúp cải thiện các kết quả về kinh tế và xã hội bao gồm cả an ninh lương thực.
Báo cáo về hiện trạng rừng của thế giới (SOFO) được xuất bản hai năm một lần của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) nhằm cung cấp dữ liệu giúp thông báo cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia. Theo báo cáo mới nhất, yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy sự tương tác hơn nữa giữa quản lý rừng và canh tác nông nghiệp để tạo ra các hệ thống nông nghiệp bền vững hơn, nhờ đó sẽ đảm bảo an ninh lương thực.
Nguyên nhân chính của việc phá rừng chính là nông nghiệp. Báo cáo chỉ ra lỗ ròng lớn nhất từ năm 2000 đến năm 2010 của rừng ở các nước có thu nhập thấp với dân số ở nông thôn ngày càng tăng. Ở các vùng nhiệt đới, nông nghiệp thương mại chịu trách nhiệm 40% từ việc chuyển đổi đất rừng, nông nghiệp tự cung tự cấp chiếm 33%, còn lại 27% do phát triển đô thị, mở rộng cơ sở hạ tầng và khai thác mỏ.
Tuy nhiên, tỷ lệ này khác nhau giữa các khu vực. Ở Mỹ Latinh, nông nghiệp thương mại quy mô lớn chiếm 70% từ nạn phá rừng, trong khi ở châu Phi chỉ có 1/3 nông nghiệp quy mô nhỏ là nguyên nhân chính của việc phá rừng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, các cánh rừng phục vụ chức năng sinh thái quan trọng, mang lại lợi ích cho nông nghiệp bền vững, và ngành công nghiệp sản xuất lương thực. Chúng giúp ổn định đất và khí hậu, điều tiết dòng chảy, và mang lại bóng râm, cung cấp nơi ở và môi trường sống cho các loài côn trùng thụ phấn và các loài thiên địch tự nhiên có ích nhằm chống lại những loài gây hại cho nông nghiệp. José Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO cho biết, trong phần giới thiệu của báo cáo cho rằng: "Khi tích hợp khôn ngoan giữa lĩnh vực nông nghiệp với lâm nghiệp và rừng có thể làm tăng năng suất nông nghiệp".
Báo cáo tiếp tục giải thích rằng "việc lập kế hoạch sử dụng đất tích hợp mang lại khung chiến lược cần thiết để cân bằng sử dụng đất. Quan trọng hơn, quy trình lập kế hoạch này phải có sự cùng tham gia - vì những nông dân và những người dân mà cuối cùng đưa các kế hoạch vào thực tiễn, sẽ chỉ thực hiện kế hoạch nếu chúng đáp ứng những nhu cầu và lợi ích của họ".
Theo SOFO, kể từ năm 1990, 20 quốc gia bao gồm Chile, Costa Rica, Tunisia và Việt Nam đã thành công trong việc nâng cao mức độ về an ninh lương thực quốc gia, đồng thời vẫn duy trì hoặc tăng diện tích che phủ rừng. Thành công này được dựa trên quyền sử dụng đất, những khuôn khổ pháp lý rõ ràng, trách nhiệm quản lý đất rõ ràng của cả chính phủ và các cộng đồng địa phương và những ưu đãi chính sách nhằm khuyến khích lâm nghiệp và nông nghiệp bền vững.
Eva Müller, Giám đốc Bộ phận chính sách và Tài nguyên rừng của FAO tại Ủy Ban Lâm nghiệp ở Rome cho biết: "An ninh lương thực có thể đạt được thông qua việc thâm canh nông nghiệp và các biện pháp khác như bảo vệ xã hội, chứ không phải thông qua việc mở rộng lĩnh vực nông nghiệp mà phải chịu tổn thất về rừng".
Theo Graziano da Silva, những phát hiện của báo cáo là kết luận: “Thông điệp chính từ SOFO rõ ràng là: không cần thiết phá rừng để sản xuất lương thực”
N.M.P-NASATI (Theo iflscience)