1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chủ tịch Quốc hội: Tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn khiêm tốn!

(Dân trí) - “Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội chưa phát huy được hiệu quả thế mạnh của mình, tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn khiêm tốn, xã hội vẫn chưa được biết và giữ gìn về các thành tựu của khoa học xã hội, các cơ quan hoạch định chính sách vẫn chưa nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội”


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khi tham dự Lễ kỷ niệm Ngày khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào sáng nay (17/5). Cùng tham dự sự kiện này còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, đại diện của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, …


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm khu trưng bày sách ở Viện Hàn lâm KHXHVN trước khi tham dự buổi lễ kỷ niệm. (Ảnh: Anh Tuấn).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm khu trưng bày sách ở Viện Hàn lâm KHXHVN trước khi tham dự buổi lễ kỷ niệm. (Ảnh: Anh Tuấn).

Tại lễ kỷ niệm này, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết: “Trong năm 2017, bằng nỗ lực của mình, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) đã vừa triển khai các nghiên cứu cơ bản theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nắm bắt các vấn đề mới đặt ra trong nghiên cứu khoa học của thế giới và của đất nước nhằm thực hiện tốt 3 chức năng nghiên cứu cơ bản, đào tạo tư vấn chính sách của Viện cũng như nhằm giải quyết tốt nhất các đòi hỏi của cuộc sống đặt ra”.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho hay, để thực hiện tốt 3 chức năng của mình, ngoài các nghiên cứu thường xuyên được thực hiện ở các đơn vị, được sự tin tưởng giao phó của Chính phủ và bằng nỗ lực của các nhà khoa học, trong năm 2017, Viện Hàn lâm đã đồng loạt triển khai các chương trình và các Dự án trọng điểm cấp Quốc gia. Đặc biết, kết quả của Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” do các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm thực hiện là một trong những công trình thu hút được nhiều sự quan tâm của giới học thuật và dư luận.

Hàng trăm đầu sách (trong tổng số khoảng 5.000 đầu sách) được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội; hàng chục bộ sách và sách đạt các giải thưởng sách hay, sách đẹp quốc gia trong 3 năm 2015-2017; 45 ấn phẩm khoa học định kỳ trong đó có 33 ấn phẩm tiếng Việt, 12 ấn phẩm tiếng Anh đã công bố hàng ngàn bài nghiên cứu khác nhau của 34 Tạp chí của Viện Hàn lâm; hàng trăm bài tạp chí quốc tế, trong đó có nhiều bài công bố trên các tạp chí có chỉ số ISI và Scopus…

Kiến nghị cơ chế đặc thù cho các nhà khoa học

Mặc dù trong những năm vừa qua được Đảng và Nhà nước quan tâm và Bộ KH&CN luôn đồng hành, tạo điều kiện để Viện Hàn lâm làm tốt nhiệm vụ nhưng người đứng đầu Viện Hàn lâm KHXHVN cũng thẳng thắn đưa ra hàng loạt kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


GS.TS Nguyễn Quang Thuấn phát biểu tại lễ kỷ niệm.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn phát biểu tại lễ kỷ niệm.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn kiến nghị cần có cơ chế đặc thù đối với các nhà khoa học để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong công tác bổ nhiệm cán bộ khoa học, Đảng và Nhà nước cần chú trọng các đặc thù của cơ quan kho học, của sự khó khăn, nhọc nhằn trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành, từ đó có cơ chế ưu tiên đặc biệt, đặc tiêu chí trình độ chuyên môn lên hàng đầu để bổ nhiệm cán bộ khoa học. Tránh việc gò ép các tiêu chí hành chính làm bỏ lỡ cơ hội thu hút các nhân tài.

Cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan để rà soát, đổi mới mạnh mẽ các quy định, thủ tục, nhất là các thủ tục về tài chính, hành chính không phù hợp với hoạt động khoa học, đảm bảo nhà khoa học có thể tập trung toàn bộ trí lực cho niềm say mê nghiên cứ, sáng tạo, giảm thiểu thời gian, công sức của nhà khoa học để thực hiện những việc hành chính và tài chính.

Cần làm rõ vị trí, đặc thù của Viện Hàn lâm KHXHVN trong hệ thống cơ quan thuộc Chính phủ và hệ thống chính trị quốc gia, có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ủy Ban nhân dân Thành phố Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh nhanh đề án sắp xếp lại trụ sở của Viện Hàn lâm theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về việc quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để hoàn thành mục tiêu “Phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trở thành cơ quan quốc gia hàng đầu về nghiên cứu cơ bản đạt trình độ tiên tiến ở khu vực và quốc tế” mà Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm KHXHVN.

Chủ tịch Quốc hội: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chưa phát huy được hiệu quả

Trong nghiên cứu khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Hàn lâm KHXHVN tiếp tục có những đóng góp làm rõ lịch sự hình thành, phát triển của dân tộc, khẳng định độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, làm giàu các giá trị, bản sắc văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXHVN đã và đang góp phần khẳng định văn hóa, là nền tảng tinh thần của sở hữu. Xác định con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Việc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm được các tổ chức quốc tế xếp hạng cao, là điểm đến hàng đầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế hay là các sự kiện khảo cổ phát hiện di tích thời kỳ đá cũ ở Đan Khê (Gia Lai) cũng như dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”… đã làm nổi bật vị trí, vai trò quan trọng của khoa học nhân văn trong nền khoa học và công nghệ nước nhà.

Chủ tịch Quốc hội: Tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn khiêm tốn! - 4

Mặc dù đành giá cao Viện Hàn lâm KHXHVN nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn đưa ra những yếu kém của đơn vị này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Viện Hàn lâm KHXHVN chưa phát huy được hiệu quả thế mạnh của mình, tiếng nói của giới khoa học xã hội vẫn còn khiêm tốn, xã hội vẫn chưa được biết và giữ gìn về các thành tựu của khoa học xã hội, các cơ quan hoạch định chính sách vẫn chưa nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN.

“Đúng là hiện nay sự đánh giá, sự nhìn nhận chưa thực sự cân đối giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Khi lãnh đạo của Bộ KH&CN từ trước đến nay gần như là từ khoa học tự nhiên đi lên, thiếu những nhà khoa học làm lãnh đạo mà sâu sắc về khoa học xã hội. Ở đây không phải là quan điểm phân biệt mà nó thể hiện một cái gì đó không quen khi mà người ta nghĩ đến Bộ trưởng Bộ KH&CN hay đề bạt lên Thứ trưởng Bộ KHC&CN thì phải là những người trưởng thành từ ĐH Bách khoa, từ các ngành khoa học kỹ thuật… mà chưa nghĩ đến những nhà khoa học lão luyện, hàng đầu, tâm huyết và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, việc nói câu chuyện này ở Viện Hàn lâm KHXNVN ngày hôm nay thì Chủ tịch sẽ có trách nhiệm nói với cơ quan có trách nhiệm làm công tác cán bộ.

Tại buổi lễ này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Viện Hàn lâm KHXHVN tập trung một số công việc cấp bách. Cụ thể, phát huy thế mạnh nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm, tiếp tục tập trung nghiên cứu và kiến giải những vấn đề lý luận và thực tiễn, đẩy mạnh vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Bên cạnh đó, cần chủ động và kịp thời hơn trong nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Các chuyên gia của Viện Hàn lâm cũng cần tích cực tham gia tham vấn các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…

“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho Viện Hàn lâm KHXH một số thẻ để các đồng chí dự khán các kì họp Quốc hội để nghe những vấn đề mà mình quan tâm. Có thể về Nhà nước và pháp luật, kinh tế, xã hội…Vì các đồng chí là nghiên cứu nên rất cần những thực tiễn mà thực tiễn ở đó thường diễn ra ở các kì họp quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thuộc các thành phần các ngành từ trung ương đến cơ sở, người ta phản ánh đời sống, hơi thở của cuộc sống, hơi thở của người dân, ý nguyện, tâm nguyện của người dân…” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Viện Hàn lâm cần chủ động đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu có thể lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, từ đó giúp họ nhận thức rõ và trân trọng các giá trị lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tiến tới xây dựng xã hội dân trí cao, xã hội tri thức. Mặt khác, việc làm này sẽ giúp xã hội nhận thức, đánh giá đúng hơn các đóng góp của các nhà khoa học xã hội vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ.

Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chủ động xây dựng mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tích cực tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực; tăng cường công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Viện Hàn lâm thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo về khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học quốc tế có uy tín trong khu vực.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Viện cần tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học, tạo môi trường, động lực cho các nhà khoa học cống hiến, sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát lại các khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt là cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng, trọng dụng, bồi dưỡng, giữ nhân tài, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện, sửa đổi cho phù hợp và tạo lập môi trường tốt nhất để nhà khoa học toàn tâm, toàn ý đóng góp cho nền khoa học nước nhà.

“Sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới đòi hỏi Viện Hàn lâm phải tiếp tục đổi mới toàn diện và cơ bản về hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt chức năng tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Nguyễn Hùng