Các nhà khoa học tìm ra cách sản xuất bao bì từ… “cua”?

(Dân trí) - Có lẽ dù là những người có trí tưởng tượng phong phú nhất, cũng khó có thể nghĩ rằng, một trong những giải pháp tối ưu nhất để thay thế các loại bao bì, chai lọ bằng nhựa lại chính là…cua!

Các nhà khoa học đã tìm ra một loại chất liệu mới, được cho là có tiềm năng rất lớn trong mục tiêu thay thế bao bì bằng nhựa, vốn đang là mối nguy hại cực kỳ lớn cho môi trường.

Được biết loại chất liệu này được sản xuất từ 2 thành phần chính đều có nguồn gốc từ thiên nhiên là Chitin và Cellulose. Cụ thể, Chitin chính là loại chất cấu thành nên lớp vỏ cứng của các loài giáp xác như cua, tôm hay côn trùng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy Chitin trong nấm. Trong khi đó, Cellulose là thành phần có trong thực vật.

Các nhà khoa học tìm ra cách sản xuất bao bì từ… “cua”? - 1

Để có thể biến các thành phần hữu cơ trên trở thành “nhựa”, các nhà khoa học sẽ sử dụng chúng dưới dạng hạt nano. Trong đó, hạt Chitin được tích điện dương còn Cellulose tích điện âm. Vì mang điện tích trái dấu, nên khi hòa hỗn hợp hạt này trong nước, chúng sẽ dễ dàng liên kết chặt chẽ với nhau.

Tiếp theo, thứ dung dịch này sẽ được phun thành nhiều lớp chồng lên nhau trên một bế mặt. Sau khi khô, nó sẽ tạo thành một kết cấu dạng tinh thể bền chắc và có độ dẻo. Tính chất này khá tương đồng với Polyethylene Terephthalate ( PET) – Một loại nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ thường được sử dụng để sản xuất bao bì, chai lọ. Ngoài ra, loại “nhựa hữu cơ” này còn sở hữu một vài đặc tính ưu việt hơn cả PET. Cụ thể, với kết cấu tinh thể, “nhựa hữu cơ” khiến các chất độc khó lòng lọt qua hơn so với kết cấu bán tinh thể của PET.

Vì vậy, nếu sử dụng chất liệu này làm màng bọc thực phẩm, đồ ăn của bạn sẽ giữ được độ tươi ngon lâu hơn. Cùng với đó, nhựa làm từ vỏ cua còn rất thân thiện với môi trường, với khả năng tự hủy sau một thời gian.

Cùng khám phá thêm về loại chất liệu mới này trong video dưới đây:

Các nhà khoa học tìm ra cách sản xuất bao bì từ… “cua”?

Thảo Vy

Theo Seeker