Bệnh lậu không chữa được lan tràn ở Trung Quốc

(Dân trí) - Theo thống kê của WHO từ 77 quốc gia, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 78 triệu người mắc bệnh lậu.


Lậu cầu Neisseria gonorrhoeae, thủ phạm gây ra bệnh lậu. Ảnh: NIAID / Flickr.

Lậu cầu Neisseria gonorrhoeae, thủ phạm gây ra bệnh lậu. Ảnh: NIAID / Flickr.

Lậu - căn bệnh lây truyền qua đường tình dục - đang đề kháng với hai loại thuốc duy nhất có thể điều trị nó, và tình trạng này đang lan rộng ở Trung Quốc theo một nghiên cứu gần đây.

Bệnh lậu hiện đang được điều trị bằng cách sử dụng một hỗn hợp gồm hai loại thuốc, azithromycin và ceftriaxone, nhưng các kháng sinh này đang mất hiệu quả. Tại Trung Quốc, gần 19% trường hợp lậu kháng azithromycin và gần 11% trường hợp kháng ceftriaxone, theo một nghiên cứu công bố hôm 5/2 vừa qua trên Tạp chí y học Plos Medicine . Theo Vanessa Allen, trưởng ban vi sinh vật học tại cơ quan Y tế Công cộng Ontario, số liệu mới này đáng để quan tâm. “Ceftriaxone là loại thuốc cuối cùng mà chúng ta có để điều trị bệnh lậu,” Allen trả lời phỏng vấn tờ The Verge. "Hiện nay không có thuốc nào thay được ceftriaxone cả".

Bệnh lậu là một trong những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên toàn thế giới, với khoảng 78 triệu trường hợp mỗi năm . Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh lậu có thể gây ra các vấn đề vĩnh viễn về sức khỏe như vô sinh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh lậu có thể truyền cho con mình trong quá trình sinh nở, gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như nhiễm trùng mắt. Trường hợp các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào máu hoặc khớp có thể dẫn đến tử vong.

Trong nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học đã phân tích hơn 3.000 mẫu bệnh lậu lấy từ các bệnh nhân trên khắp Trung Quốc trong 3 năm (2013 - 2016). Tỷ lệ lậu cầu Neisseria gonorrhoeae kháng cả azithromycin và ceftriaxone đã tăng lên 3,3 % trong năm 2016, trong khi năm 2013 chỉ có 1,9%. Tỷ lệ tăng này có thể không phải cao, nhưng đáng lo ngại vì nó cho thấy việc kháng thuốc đang tăng lên. Và nếu hai loại thuốc duy nhất có thể điều trị bệnh lậu lại không hiệu quả thì vấn đề đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng.

"Nó đang biến đổi nhanh hơn khả năng phát triển thuốc mới của chúng ta.", Allen cho biết.

Theo ông, hai loại kháng sinh hiện nay có thể được sử dụng thay thế. Thứ nhất là gentamicin, nhưng tác dụng phụ là làm suy giảm chức năng thận và thính giác. Loại thứ hai là meropenem, nhưng cùng loại thuốc như ceftriaxone, và nếu lậu cầu đã đề kháng được với ceftriaxone, nó cũng có khả năng kháng luôn meropenem. Do đó, hàng rào phòng vệ quan trọng nhất trước khi có kháng sinh mới là cố gắng tránh mắc căn bệnh này ngay từ đầu.

Bệnh lậu kháng thuốc không chỉ là vấn đề ở Trung Quốc. Tại Mỹ vào năm 2016 đã có gần 469.000 trường hợp mắc lậu . Và các trường hợp kháng thuốc đang ngày một tăng trên phạm vi toàn thế giới.

Tùng Anh

Theo Theverge

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm