Ấn Độ chuẩn bị cho nhiệm vụ lần thứ 2 lên Mặt Trăng

(Dân trí) - Cơ quan vũ trụ của Ấn Độ, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), đang chuẩn bị cho nhiệm vụ lần thứ hai lên mặt trăng, dự kiến sẽ diễn ra vào khoảng tháng 4 năm 2018.


Mục tiêu của cuộc thám hiểm là khám phá Cực Nam Mặt Trăng.

Mục tiêu của cuộc thám hiểm là khám phá Cực Nam Mặt Trăng.

Với tên gọi Chandrayaan-2, tàu vũ trụ này dự kiến ​​sẽ mất khoảng một đến hai tháng để đạt tới quỹ đạo mặt trăng. Một khi nó vào vị trí, thiết bị đổ bộ sau đó sẽ tự tách ra và điều hướng tới mặt trăng của Trái đất. Sau khi chạm vào bề mặt đá, một chiếc xe tự hành sẽ dời khỏi tàu hạ cánh và bắt đầu khám phá khu vực phía nam.

K. Sivan, chủ tịch ISRO, nói với tờ Times of India: "Chandrayaan-2 là một nhiệm vụ đầy thách thức khi lần đầu tiên chúng tôi mang theo một trạm quỹ đạo, một thiết bị hạ cánh và một chiếc xe tự hành tới mặt trăng. Xe tự hành đã được thiết kế để có đủ năng lượng trải qua 1 ngày mặt trăng hoặc 14 ngày Trái Đất trên bề mặt của mặt trăng và đi tới 150-200 m. Nó sẽ thực hiện một số thí nghiệm và phân tích hóa học tại chỗ bề mặt."

"Xe tự hành này sẽ gửi dữ liệu và hình ảnh của bề mặt mặt trăng quay trở lại Trái đất qua vệ tinh trong vòng 15 phút."

Sau khi dùng hết năng lượng dự trữ cho 14 ngày, chiếc xe tự hành này sẽ ở chế độ “ngủ” cho đến khi nó có thể thu đủ ánh sáng mặt trời và tự sạc lại. Ông Sivan cho biết “Chúng tôi hy vọng chiếc xe tự hành sẽ hoạt động trở lại bất cứ khi nào một phần của mặt trăng nhận ánh sáng mặt trời và nạp lại các tế bào năng lượng mặt trời. Ngoài xe tự hành này, trạm quỹ đạo cũng sẽ chụp ảnh mặt trăng trong khi quay quanh nó."

Khi được hỏi về ngày ra mắt cụ thể hơn, Sivan cho biết nó phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau. "Tất cả ba thành phần của module mặt trăng gần như đã sẵn sàng. Hiện tại, hoạt động gắn kết của chúng đang diễn ra. Một khi module đã sẵn sàng, nó sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt. Ngày ra mắt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí tương đối của mặt trăng đối với trái đất".

Tàu vũ trụ này, sẽ được phóng lên bằng tên lửa đẩy Make II phóng Vệ tinh Geostationary, được thiết lập để cất cánh từ Trung tâm không gian Satish Dhawan ở Sriharikota, thuộc bang Andhra Pradesh, Đông nam Ấn Độ.

Trước Chandrayaan-2, cơ quan này đã phóng tàu Chandrayaan-1 vào tháng 10 năm 2008. Mặc dù nhiệm vụ được dự kiến ​​kéo dài trong hai năm, nó chỉ kéo dài khoảng 10 tháng sau khi tàu vũ trụ ngừng liên lạc với trạm vào tháng 8 năm 2009.

Đào Hiền (Theo Sputnik)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm