Kiên Giang:

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn”

(Dân trí) - "Khung trường bằng gỗ tạp, mái và vách bằng tôn nên vào mùa nắng, các phòng học ở đây nóng như lò than. Đến mùa mưa, thầy trò “ngồi chơi”… nghe tiếng mưa rơi, ngay ngáy lo trường sập" - Giáo viên Đoàn Hoàng Đức – dạy nhạc tại điểm lẻ trường THCS Giồng Kè, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Lớp học như cái “hộp tôn”…

Điểm lẻ trường THCS Giồng Kè, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Trong chuyến công tác về xã Bình Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) tìm hiểu về tình trạng hạn, mặn đang diễn ra gay gắt ở mảnh đất này, chúng tôi theo chân anh Danh Hậu – Trưởng ấp Giồng Kè đến khảo sát nhiều cánh đồng lúa bị cháy khô vì hạn mặn trên bờ kênh Bình Giang 1. Nhiều nông dân nơi đây than khóc vì phút chốc rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần vì hai chữ thiên tai...

Bờ kênh Bình Giang 1 là một bờ kênh rộng, nhưng không bóng cây, lưa thưa vài căn nhà. Từ cống ngăn mặn Bình Giang 1 chạy ngược hướng biển khoảng 500m, giữa bờ kênh trống trơ đầy nắng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bắt gặp một ngôi trường liêu xiêu “mọc lên” bằng những khúc gỗ tạp, tấm tôn chắp vá với nhau như những căn chòi giã chiến của dân du mục…

Nhưng sự thật ngôi trường này là điểm lẻ trường THCS Giồng Kè được bà con trong ấp và chính quyền địa phương xây dựng nên hơn 10 năm qua. Nói là trường THCS nhưng chỉ có một lớp 7, các lớp còn lại từ lớp 1 đến lớp 5. Mặc dù là điểm trường dạy từ cấp 1 đến cấp 2 nhưng theo quan sát của PV Dân trí, mỗi lớp học từ 8 – 12 em nên tổng số khoảng 50 học sinh.

Điểm lẻ trường THCS Giồng Kè nằm trơ vơ trên bờ kênh Bình Giang 1 đầy nắng gió
Điểm lẻ trường THCS Giồng Kè nằm trơ vơ trên bờ kênh Bình Giang 1 đầy nắng gió

Thầy giáo trẻ Đoàn Hoàng Đức – Giáo viên dạy môn nhạc cho biết: “Do mái và vách trường được làm bằng tôn nên những ngày nắng gay gắt thế này chỉ cần vào tiết học từ 10 -15 phút, thầy trò mồ hôi nhễ nhại. Nhưng đến khi mùa mưa, mạnh thầy thầy nói, mạnh trò trò nói, vì chẳng ai nghe ai… chỉ nghe tiếng mưa đổ ầm ầm xuống mái tôn. Nhưng thầy cô và học sinh ở đây lo nhất khi trời giông bão, chẳng vật gì che chắn trường mà chỉ biết trông chờ vào những sợi dây chì căng tứ phía. Mỗi khi gặp mưa bão, thầy trò chúng tôi lo trường sập lắm, vì trường đã xuống cấp lâu rồi”.

Cô Kha Mỹ Ngọc – giáo viên dạy môn Tiếng Anh cho lớp 7 (lớp học chưa được 10 HS) chia sẻ: “Cơ sở vật chất ở đây khó khăn vô cùng; hoàn cảnh các em học sinh và phụ huynh ở đây chẳng khá hơn ngôi trường này… Và các thầy cô giáo đang công tác ở đây cũng đang hưởng chế độ như những giáo viên thị thành mặc dù hàng ngày chúng tôi phải vượt hàng chục kilomet mới đến cơ sở này. Có nhiều đoạn đường đất nên những hôm trời mưa thì thật khó khăn vô cùng!”

Những ngày nắng nóng gay gắt như thế này 3 phòng học ở đây nóng như cái lò than, nhưng đến mùa mưa thì các em học sinh chẳng nghe được tiếng thầy cô giảng bài.
Những ngày nắng nóng gay gắt như thế này 3 phòng học ở đây nóng như cái lò than, nhưng đến mùa mưa thì các em học sinh chẳng nghe được tiếng thầy cô giảng bài.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, điểm lẻ trường tiểu học Giồng Kè (ấp Giồng Kè, xã Bình Giang) hiện có 3 phòng học và một phòng giáo viên. Phần khung trường học được làm toàn bộ bằng gỗ tạp, phần mái trường, vách trường 4 phía đều làm bằng tôn; nền phòng học và sân trường được tráng xi măng. Điều đáng nói, phần cột kèo vừa nhỏ, vừa bị mối xông gây hư hỏng nặng, trở thành những khúc củi mục treo lơ lửng trên đầu các em học sinh. Riêng phần tôn nhiều chỗ bị thủng, dễ bung ra và trở thành những thanh sắc như dao, sẵn sàng gây thương tích cho các em học sinh mỗi khi va chạm vào.

Điều làm chúng tôi không khỏi xốn xang hơn khi những chiếc bàn học ở đây được đóng chẳng theo tiêu chuẩn nào. Mỗi phòng học có 2 dãy bàn, mỗi dãy từ 2 - 4 cái. Lứa tuổi, chiều cao các em học sinh ở đây khác nhau nhưng qui cách, kích thước của những chiếc bàn ở đây chỉ có một kích thước. Vì thế với các học sinh lớp 1,2 khi viết bài các em phải đứng; còn các em học sinh lớp 5, lớp 7 thì cúi gập người mới viết bài được.

Mỏi mòn chờ trường mới...

Ông Trưởng ấp Giồng Kè Danh Hậu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên thấu hiểu cảnh cơ cực của các em học sinh trong chuyện học hành. Trước đây điểm lẻ này nằm ở nhiều vị trí nhưng trường dời về đây cả chục năm. Điểm trường được người dân và chính quyền địa phương góp sức xây dựng nhưng chỉ bằng gỗ tạp, mái tôn… theo kiểu tạm bợ, vừa đủ che nắng, che mưa cho các cháu “bám” con chữ. Qua thời gian, nhiều hạng mục của ngôi trường này đã xuống cấp dù đã mấy lần sửa chữa nhưng các phụ huynh ở đây lo lắng chẳng biết trường có cầm cự nỗi qua mùa mưa này không”.

Em Danh Kha lớp 7 cho biết: “Hồi cấp 1 em và các bạn trong lớp đã học ngôi trường này. Qua bao nhiêu năm trường em đã xuống cấp nhiều lắm, nhưng khổ nhất là mỗi khi trời mưa, phòng học bị dột và không nghe được tiếng thầy cô giảng bài. Còn đến mùa nắng thì nắng nóng kinh khủng. Còn đến giờ ra chơi, các em chỉ ra hành lang, chẳng đứa nào ra sân chơi đùa vì sân trường còn nắng dữ dội hơn”.

Chiếc bàn quá cao so với em Thị Thúy Ngân nên mỗi khi viết bài, em phải đứng lên thế này
Chiếc bàn quá cao so với em Thị Thúy Ngân nên mỗi khi viết bài, em phải đứng lên thế này

Em Thị Thúy Ngân – đang học lớp 2 thơ ngây chia sẻ: “Tụi con ở đây mong có trường mới nhiều lắm. Vì trường mới sẽ không lo bị sập, trường mới sẽ điện, có quạt gió và sẽ có khoảng sân sạch…Nhất là có cái bàn học vừa với con để không phải đứng dậy mỗi khi viết bài”.

Thầy Bùi Tấn Lợi – Giáo viên chủ nhiệm lớp 2 bày tỏ: “Đến thời điểm này, ngôi trường vẫn chưa có điện, vì thế trong việc dạy và học của thầy trò chúng tôi ở đây gặp rất nhiều khó khăn và các em chịu nhiều thiệt thòi. Thầy cô, phụ huynh và học sinh ở đây rất mong muốn có ngôi trường mới kiên cố cả chục năm qua nhưng ước mơ đó đến nay vẫn chỉ là mơ ước.”

Chủ tịch UBND xã Bình Giang Trần Văn Út cho biết: “Trên địa bàn xã hiện còn nhiều điểm lẻ như thế. Nguyên nhân có các điểm lẻ vì có nhiều em học sinh sống trên tuyến đê biển, kênh Bình Giang 1… từ đây các em ra điểm chính rất xa, đường đi lại khó vì có nhiều đoạn còn đường đất. Từ nhiều năm qua, địa phương luôn có những kiến nghị để xây dựng trường mới, kiên cố cho các cháu học, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên đến nay các cháu vẫn còn học trường cũ. Còn vận động từ nguồn xã hội hóa thì đa số bà con nơi đây sống bằng nghề trồng lúa nên cuộc sống của họ chỉ vừa đủ ăn, tiền bạc chỉ đủ trang trải cho gia đình”.

Cô Kha Mỹ Ngọc cho biết, mỗi khi các học sinh của mình viết bài phải cúi gập người mới viết bài được. Lâu dài các em dễ mắc các chứng bệnh về cột sống
Cô Kha Mỹ Ngọc cho biết, mỗi khi các học sinh của mình viết bài phải cúi gập người mới viết bài được. Lâu dài các em dễ mắc các chứng bệnh về cột sống

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng trường THCS Giồng Kè chia sẻ: “Trường THCS Giồng Kè thuộc diện khó khăn nhất huyện. Hiện tại, ngoài điểm chính, trường có 2 điểm phụ và điểm phụ nằm trên kênh Bình Giang 1 là èo uột và xuống cấp nhất. Bởi vậy, mỗi khi đến mùa mưa chúng tôi lo lắm, vì trường nằm gần biển, trường lại được làm bằng gỗ tạp nên qua gần 10 năm phục vụ đến nay nhiều cột, kèo bị mối xông hư hỏng nặng”.

Cô Hà thông tin thêm, điểm lẻ trường THCS Giồng Kè (kênh Bình Giang 1) đã 2 lần bị sập, nhưng rất may trong những lần sập đó vào mùa hè, không có học sinh đến trường. Và sau mỗi lần trường sập, trường báo với Phòng Giáo dục huyện cho ít kinh phí rồi phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục dựng lại trường bằng gỗ tạp và tôn cho các em học sinh có chỗ che nắng che mưa học chữ.

Nhìn từ xa điểm lẻ trường THCS Giồng Kè chẳng khác như một cái “hộp tôn” được ai đó đặt trơ vơ giữa bờ kênh Bình Giang 1 đầy nắng gió. Và chỉ khi tiếng ê a của hàng chục em học sinh lớp 2, lớp 3 cất lên, chúng tôi mới thôi miên man về cái “hộp tôn” kỳ diệu này. Không kỳ diệu sao được, khi cả chục năm qua “hộp tôn” đã có khả năng “nhốt” được hàng trăm em học sinh nghèo vì tội mãi mê con chữ! Và ai sẽ cho các em cái trường học đàng hoàng thay cho cái “hộp tôn” này?

Một số hình ảnh về điểm lẻ trường THCS Giồng Kè:


ônNhìn từ xa, điểm lẻ trường THCS Giồng Kè như một cái hộp tôn

ônNhìn từ xa, điểm lẻ trường THCS Giồng Kè như một cái hộp tôn

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 6

Mái trường và 4 vách đều làm bằng tôn


Khung trường được làm bằng các lại gỗ tạp ở địa phương

Khung trường được làm bằng các lại gỗ tạp ở địa phương

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 8

Một số cột, kèo... bị mối xông hư hỏng như thế này

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 9

Thầy Đoàn Hoàng Đức chỉ những vách tol bị thủng, chìa ra thành những vũ khí sắc bén... sẵn sàng gây thương tích cho các em học sinh

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 10

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 11

Lỗ thông gió cho lớp học...

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 12

Những chậu kiểng lá... không xua nổi cái nóng như lò than ở 3 phòng học này.

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 13

Bàn ghế chỉ đóng tạm bợ và bắt đầu hư hỏng thế này

Xót xa nhìn học sinh rèn chữ trong “hộp tôn” - 14

Những em học sinh lớp 7 khổ sở mỗi khi ngồi viết bài vì chiếc bàn quá thấp

Nguyễn Hành