Xôn xao "học kích não": Thay vì bịt mắt, chi bằng cho trẻ trải nghiệm
(Dân trí) - Xung quanh xôn xao về việc "bịt mắt, kích não", PV Dân trí đã ghi lại những chia sẻ của giảng viên Chu Cẩm Thơ (Trường ĐHSP Hà Nội)- một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu cải tiến chương trình và phương pháp giáo dục hiệu quả, về phương pháp phát triển trí tuệ cho trẻ em.
Tôi sợ sự cưỡng bức trong giáo dục
Tôi biết rằng cũng như tôi, các phụ huynh đều rất quan tâm đến việc học của con mình. Chúng ta không tiếc tiền và công sức đầu tư cho con mình. Vì với chúng ta, con cái là tình yêu, là tương lai của chính chúng ta.
Nhưng hãy xem chúng ta đã đầu tư cho con mình thế nào? Những thứ đang diễn ra khiến tôi nghĩ đến nền giáo dục cưỡng bức. Tôi liên tưởng đến người nghệ nhân làm cây cảnh trong làng đã biến một cây non thành cây cảnh có hình dạng xù xì cho đáng giá thế nào. Người ta khía vỏ cây, lâu dần nó sùi nhựa lên như là cây trăm tuổi. Người ta chặt bớt những cành để ép nó nở hoa sớm. Người ta uốn nó để hình dạng được như ý nhưng người ta quên mất nó không phải là cây tự nhiên nữa. Vì thế, nó đã không còn là chính nó, với tên họ và những phẩm chất mà nó được tự nhiên ban cho. Việc bịt mắt để kích não nói riêng hay cưỡng bức giáo dục với trẻ em nói chung cũng như “uốn ghép, tỉa cành” cây cảnh.
Tại sao trong giáo dục, trẻ nhỏ lại cần trải nghiệm hơn cưỡng bức?
Trải nghiệm chính là dựa vào nguyên lí: từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và học đi đôi với hành. Một thời gian dài, vì muốn trẻ biết nhanh và biết nhiều nên người ta đã dạy bằng các kênh thụ động. Dẫn đến trẻ biết nhiều mà không bền vững. Trẻ biết thứ kiến thức vay mượn. Nên trẻ biết nhưng không tự tin. Chẳng hạn, chúng có thể tính nhanh siêu tốc như máy tính nhưng chịu không biết luật và ý nghĩa của phép tính. Trẻ có thể đặt câu đúng cú pháp (theo mẫu) nhưng không có chút thực tiễn nào. Thế nên trẻ mới viết: “Buổi sáng em trèo lên tàu lá chuối và ngắm bình minh rực tỡ phía chân trời.”. Trẻ mới đặt đề bài cho phép tính “4x5”: “Nhà em có 4 dòng gà, mỗi dòng có 5 con gà. Hỏi nhà em có mấy con gà?”.
Trải nghiệm chính là gia tăng tri thức bằng kinh nghiệm thông qua môi trường và tương tác. Với trẻ nhỏ, đó còn là lúc trẻ phát triển toàn diện các cơ quan hỗ trợ tư duy như: các giác quan và hoạt động trí tuệ như phân tích, tổng hợp, dự đoán, tưởng tượng, …
Trải nghiệm từ những trường hợp cụ thể từ đó khái quát nhưng không phải chủ nghĩa kinh nghiệm. Mà ở đó là trẻ nhỏ được khám phá thế giới để từ đó khám phá ra bản, làm chủ bản thân, chung sống với mọi người, với thiên nhiên.
Giai đoạn từ 2 đến 7 tuổi, theo các nghiên cứu J. Piaget (cha đẻ của thuyết kiến tạo) và các cộng sự sau này, trẻ phát triển mạnh khả năng bắt chước và cũng học cả cách diễn đạt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khả năng ngôn ngữ, nắm bắt các quy luật xã hội (đặc biệt là quy tắc cư xử và đạo đức), trẻ cũng tiếp nhận rất nhanh các tri thức toán học trong đó có hình học và số học. Chúng có khả năng tự khám phá và tiếp nhận các tri thức về số (đếm, sự tương ứng của số với số lượng các phần tử của tập hợp, giá trị của số, so sánh, quy luật dãy số tự nhiên,….
Về hình học, trẻ có thể tiếp nhận được ý niệm và nhận biết thông qua hình biểu diễn của một số hình cơ bản cả hai chiều và ba chiều. Nhiều trẻ đã có thể biểu diễn được hình và phân biệt các dấu hiệu nhận biết giữa các hình đơn giản như: tam giác (có 3 cạnh), tứ giác (có 4 cạnh), hình vuông (các cạnh bằng nhau), hình chữ nhật (giống cánh cửa),… John Dewey, cũng đề cao triết lí “learn by doing”, trong đó khẳng định trẻ em cần được học tập, tương tác thông qua thực hành, thực làm, khám phá.
Trong khi nghiên cứu hiệu quả của các phương pháp dạy học, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ đại học Postdam (Cộng hòa Liên bang Đức) đã chỉ ra, việc “nghe”, “nhìn”, “bắt chước” không có nhiều giá trị cho việc học, nhất là phát triển trí tuệ. Cũng chưa có một nghiên cứu nào khẳng định rằng “kích não” thì sẽ làm não hoạt động để chủ của nó trở thành thiên tài. Việc học qua thảo luận, thực hành, giảng giải lại cho người khác mới thực sự hữu ích.
Nên tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ như thế nào?
Giai đoạn tiểu học, hệ thần kinh của trẻ dần được hoàn thiện về mặt chức năng, do vậy tư duy của các em chuyển từ trực quan hành động sang tư duy hình tượng, trừu tượng. Ở đầu cấp tiểu học, tri giác và các hoạt động tư duy thường mang tính đại thể, ít đi vào chi tiết. Đến cuối cấp tiểu học, khả năng khái quát hóa được phát triển dần, hoạt động có tính chủ định. Cùng với sự phát triển của ngôn ngữ, tình cảm, vốn sống, các em có nhu cầu cao về nhận thức, muốn khám phá thế giới và dần khẳng định sự làm chủ của mình. Do đó, giáo dục cần có những tác động hợp lí nhất là phương pháp để hướng tới giúp các em có được những năng lực cần thiết, chẳng hạn năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, mô hình hóa, ….
Trong phát triển ngôn ngữ, có thể dùng phương pháp đóng vai, phóng tác tiếp các câu chuyện mà trẻ được nghe, được đọc. Có thể dùng các hoạt động toán học như: khám phá các hình thông qua dựng, ghép, tưởng tượng, tìm đoán các thuật toán thông qua các trò chơi, giảng giải cho mọi người, mô tả lại bằng ngôn ngữ khác nhau. Trong việc phát triển các kĩ năng mềm, nên cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng, các môi trường khác nhau, và nhất là trao cơ hội cho trẻ thực hành kể cả có sai sót. Trong trải nghiệm trẻ không chỉ tìm ra kiến thức mà trẻ còn phát triển cảm xúc, đa dạng các trí khôn.
Mỹ Hà (ghi)