Bạn đọc viết:
Vụ nữ sinh tát bạn 52 cái đến bật máu: Trăn trở tìm hình thức kỉ luật tích cực
(Dân trí) - Xem đoạn clip dài khoảng 1 phút mà tim tôi đập liên hồi theo từng cái tát giáng xuống mặt cô bé trong bộ đồng phục trắng - xanh và giận điên người nhìn sự thờ ơ đến lạnh lùng khi cổ vũ bạo lực của nhóm học sinh xung quanh.
Chắc hẳn bất kì người nào xem clip cũng đều mang tâm trạng phẫn nộ đến tột cùng và muốn trừng trị ngay những đứa trẻ vô cảm: kẻ đánh, người bị đánh và cả những ai tham gia cổ vũ đó.
Nhiều hình thức xử phạt chúng ta dễ dàng đề ra trong cơn tức giận như: đuổi học, cải tạo bằng lao động, đẩy vào trường giáo dưỡng, xử lí hình sự,… và có cả ý kiến đánh đúng 52 cái vào mặt cô bé đã ra tay tàn nhẫn ấy. Nhưng đâu sẽ là hình thức kỉ luật tích cực vừa giúp các em nhận ra cái sai, có ý thức sửa sai vừa có sức răn đe, ngăn chặn mầm mống bạo lực học đường?
Kỉ luật bằng khiển trách, cảnh cáo xem ra có phần nhẹ nhàng so với những gì đã xảy ra. Một cô bé lớp 8 có thể ra tay tát bạn lên đến con số 52 cái tới mức bật máu mũi, tươm máu miệng thì quả thật quá tàn độc. Một cô bé lớp 8 nói xấu bạn trên mạng xã hội và trơ lì, nghênh mặt nhận 52 cái tát mà không hề có sự phản kháng, không rơi nước mắt quả thật đã làm chúng ta phải ngỡ ngàng, thảng thốt. Một nhóm học sinh mang danh nghĩa “tình bạn” lại thản nhiên nhìn bạn mình đánh, bị đánh rồi tung hô, cổ vũ, thậm chí là thản nhiên đếm số cái tát thì còn hơn cả sự vô cảm. Sau khiển trách và cảnh cáo, các con có nhận ra đúng - sai, tốt - xấu để biết điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của chính mình? Đó là một hi vọng quá mong manh.
Kỉ luật bằng hình thức buộc thôi học trong một khoảng thời gian đang là hình thức kỉ luật cao nhất đối với học sinh. Nhưng hệ lụy nó kéo theo sẽ không hề nhỏ. Đình chỉ học, buộc thôi học lắm lúc sẽ tiếp tay cho thói biếng học, thích la cà của một số học sinh. Học sinh không đến lớp nhưng mấy khi nhận được sự quản thúc, uốn nắn, định hướng từ gia đình hay sẽ là một sự buông lỏng quản lí để các em sa ngã nhiều hơn. Đó là còn chưa kể nó dễ đẩy các em vào bước đường cùng, một lần bị đuổi học, còn đường quay trở lại lớp học sẽ gian nan vô cùng bởi sự mặc cảm, tự ti trước bạn bè, thầy cô. Và khi cách li các em với môi trường học đường để bảo đảm sự bình yên cho những học sinh còn lại, các em càng dễ hư hỏng hơn, quay lại rủ rê, kéo bè kéo cánh và trở thành những thành phần bất hảo trong xã hội.
Đến thời điểm này, theo thông tin từ báo Dân trí, hai em học sinh đều đã nhận lỗi và muốn hòa giải. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu (Sơn La) cho biết sẽ thành lập hội đồng kỉ luật với các cá nhân liên quan đến vụ việc. Hội đồng kỉ luật là điều cần thiết nhưng để xử lí dứt điểm, triệt để mọi mầm mống bạo lực thì rất cần chọn một hình thức kỉ luật tích cực nhất, mang tính giáo dục cao. Bản thân tôi thiết nghĩ cần phải chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các em, có sự tham gia của gia đình và nhà trường, phân tích thấu đáo mọi nguyên nhân, hậu quả để các em nhận ra cái lỗi, cái sai, cùng tìm một giải pháp thấu tình đạt lí.
Thứ hai, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cần phải ngăn chặn mầm mống bạo lực từ gốc rễ của nó. Mặt trái của mạng xã hội với sự đua chen, lối sống ảo, xích mích, mâu thuẫn đã được báo động nhiều. Nhưng mọi sự định hướng cần thiết khi tiếp xúc với thế giới ảo vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Thứ ba, cải cách giáo dục phải tính đến cải cách con người. Thay vì chú trọng đào tạo con người giỏi về trí tuệ, hãy quan tâm nhiều hơn đến đào tạo con người giàu có về tâm hồn, nhân cách. Vị trí của các môn học đạo đức, giáo dục công dân cần được nâng cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ tư, tăng cường giáo dục kĩ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề, hội thảo, các buổi tư vấn… Và nhanh chóng tính đến các phương án xây dựng phòng tư vấn tâm lí cùng giáo viên chuyên môn trong các trường phổ thông.
Thứ năm, sự phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh cần được thắt chặt hơn nữa. Bố mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, làm bạn với con, cùng con tháo gỡ mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ bạn bè, giới tính. Nhà trường giáo dục bằng tình yêu thương là một điều thật sự khó trong giai đoạn hiện nay nhưng không có nghĩa là chúng ta không cố gắng đem lại những gì tốt nhất cho các em.
Thanh Ny