Tổng kết giáo dục mầm non:

Vẫn "khát" giáo viên mầm non

(Dân trí) - Trong khi số lượng giáo viên cấp 2, cấp 3 có xu hướng giảm do dôi dư thì tỉ lệ giáo viên mầm non tăng vọt về số lượng. Theo số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), hiện cả nước có gần 345.000 giáo viên mầm non - tăng hơn 26.000 người so với năm học trước.

Tăng mạnh nhưng vẫn thiếu!

Cùng với sự gia tăng tỉ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường và sự phát triển mạnh nhanh các khu dân cư, khu đô thị lớn ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn là thực trạng thiếu giáo viên bậc mầm non. Số lượng trường tư thục và số lượng giáo viên mầm non gia tăng mạnh mẽ là hai xu hướng chính trong bức tranh giáo dục mầm non cả nước năm qua.

Theo Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 của giáo dục mầm non của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) số lượng giáo viên nói riêng và cả cán bộ quản lý, nhân viên bậc giáo dục mầm non tăng nhanh so với năm học trước.

Toàn ngành hiện có có 500.327 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tăng 36.374 người). Trong đó, có 38.382 cán bộ quản lý (tăng 1.021 người); 344.994 giáo viên (tăng 26.661 người); 116.951 nhân viên (tăng 8.692 người). Tỷ lệ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên trong biên chế 55,5%, giảm 2,2% so với năm trước; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,8 (tăng 0,04%).


Số lượng giáo viên mầm non năm học 2016-2017 tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non trầm trọng (Ảnh minh họa)

Số lượng giáo viên mầm non năm học 2016-2017 tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non trầm trọng (Ảnh minh họa)

Trong đó, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 99,8% (tăng 0,3%), trong đó, trên chuẩn 93,1% (tăng 1,0%); giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 98,7% (tăng 0,4%), trên chuẩn đạt 64,7%, (tăng 2,5%) so với năm học trước.

Như vậy, riêng trong năm học 2016-2017, cả nước tăng đến hơn 26 nghìn giáo viên mầm non. Số lượng giáo viên tăng nhanh và mạnh nhưng đến hiện tại tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu (An Giang: 1,28, Sơn La: 1,31, Hà Giang 1,32, Lai Châu: 1,34, Hưng Yên: 1,35, Gia Lai 1,38 ….).

Trường tư thục phát triển nhanh

Nguyên nhân lượng giáo viên mầm non tăng mạnh là do quy mô trường lớp mầm non tăng. Năm học 2016-2017 cả nước tăng 354 trường và 11.318 nhóm, lớp; trong đó tăng nhiều là nhóm trường mầm non ngoài công lập (277/354 trường).

Các trường mầm non tư thục đang phát triển nhanh để giảm áp lực cho các trường công lập. Theo thống kê, tốp 5 địa phương có tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập cao nhất là: Đà Nẵng (64,8%, tăng 0,3%), Bình Dương (63,0%, tăng 0,15%), Thành phố Hồ Chí Minh (60,8%, tăng 0,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (30,5%, tăng 0,1%) và Hà Nội (28,8%, tăng 0,3%).

Mặc dù mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường cả về số lượng và chất lượng như vậy, nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Một số khu đô thị, khu công nghiệp vẫn thiếu trường lớp, chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động; vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; vẫn còn tình trạng tùy tiện sát nhập trường mầm non với trường phổ thông. Đến nay, còn 90 đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non.

Vẫn "khát" giáo viên mầm non - 2

Về những thực trạng trên, Vụ Giáo dục Mầm non cho biết nguyên nhân là do các địa phương thiếu quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp mầm non, một số nơi chưa giành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là các khu công nghiệp.

Thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Đồng thời, chưa có giải pháp triệt để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong bối cảnh trẻ đến lớp ngày càng tăng, chỉ tiêu biên chế khó tăng vì Chính phủ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế; chưa chủ động trong quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng giáo viên.

Vì thế, một trong những nhiệm vụ trong tâm của giáo dục mầm non trong năm học 2017-2018 được Vụ Giáo dục Mầm non xác định là quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp và giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Vụ này cũng cho biết, sẽ rà soát, đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục mầm non để thu hút hơn nữa giáo viên mầm non tham gia làm nghề.

“Đau đầu” bài toán “vừa thừa, vừa thiếu”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 1.1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Tính đến tháng 1/2017, cả nước thừa 26.750 giáo viên công lập các cấp (nhiều nhất là cấp THCS dư tới 21.005 người) nhưng lại thiếu lên đến hơn 45.000 giáo viên, trong đó cấp mầm non thiếu trầm trọng nhất, hơn 32.000 giáo viên.

Một số tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như Sơn La, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, TP HCM. Ở cấp tiểu học, các tỉnh thiếu giáo viên đáng kể là TP Hà Nội (2.690), Sơn La (1.130), Gia Lai (1.190).

Một thống kê khác từ lãnh đạo TP.HCM, địa phương này đang thiếu đến 11.014 giáo viên mầm non, riêng giáo viên công lập thiếu 3.319 người. Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 giáo viên mầm non. Tuy vậy, mỗi năm có trên 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống mầm non, ở nhiều trường học/ cơ sở giáo dục mầm non giáo viên phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ vẫn chưa hết việc...

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm