“Ươm mầm” trên đảo Sinh Tồn

Bình minh lên trên đảo Sinh Tồn, các thầy giáo dậy sớm dọn dẹp lớp học, rồi đến từng hộ dân đón học sinh ra lớp. Trong lớp, tiếng thầy dạy, học trò đọc bài vang át cả tiếng sóng và gió biển.

Đảo Sinh Tồn có 7 học sinh được chia làm hai lớp và chỉ có hai thầy giáo. Lớp mẫu giáo có 4 cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau, còn lại là tiểu học. Do lớp học ghép nên cả thầy lẫn trò luôn phải cố gắng khắc phục khó khăn. Cả hai cấp học đều học ngày hai buổi, sáng học chính khóa, trưa phụ huynh đón các con về nhà, chiều lên lớp ôn tập bài. Sau khi kết thúc tiểu học, các em được đưa về đất liền để học tiếp THCS.

Nơi đảo xa đầy nắng gió, các em nhỏ như những mầm xanh luôn được nâng niu.
Nơi đảo xa đầy nắng gió, các em nhỏ như những mầm xanh luôn được nâng niu.

Thầy Nguyễn Ngọc Hạ, 27 tuổi, quê ở Đại Lãnh (Khánh Hòa) chia sẻ: “Dù biết được là sẽ khó khăn, thiếu thốn, nhưng tôi vẫn quyết tâm tình nguyện ra đảo dạy học. Công tác tại đảo, tôi tự hào và thấy nghề dạy học ý nghĩa. Thầy và trò sống như một gia đình. Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, học trò vẽ tranh hình thầy giáo làm quà tặng. Nhận bức tranh chúc mừng của các em, trong lòng tôi trào dâng niềm hạnh phúc”.

Với các chiến sĩ hải quân, các cháu trên đảo như con, em trong gia đình mình.
Với các chiến sĩ hải quân, các cháu trên đảo như con, em trong gia đình mình.

Quê ở Khánh Hòa, thầy Lê Anh Đức, 29 tuổi sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiểu học, ra đảo Sinh Tồn lại dạy mầm non, nhưng vẫn vui vẻ nhận nhiệm vụ và tiếp tục học hỏi để đáp ứng yêu cầu thực tế. Thầy Đức tâm sự: “Mới nhận nhiệm vụ, tôi thấy lo lắng. Ra đảo, tôi mang theo sách chuyên ngành mầm non để học, giờ cũng đã quen”. Thầy Đức cho biết, 3 năm ở đảo chưa về đất liền, nhưng có học sinh, người dân và các chiến sĩ hải quân quan tâm, chia sẻ nên vơi đi nỗi nhớ nhà. Trên đảo, mỗi chuyến tàu từ đất liền ra thăm đảo mang theo những món quà là nguồn động viên, khích lệ cho các thầy giáo công tác nơi đảo xa.

Thầy Đức hướng dẫn học sinh mầm non đánh vần chữ cái.
Thầy Đức hướng dẫn học sinh mầm non đánh vần chữ cái.

“Giáo viên công tác tại đảo như chúng tôi không được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên, vì vậy mỗi lần tàu ra phải nhờ bạn bè mua sách để tự nghiên cứu nâng cao kiến thức truyền dạy cho học sinh. Mong muốn của giáo viên là chất lượng học tập của các em được ngày một nâng cao”, thầy Đức cho biết.

Nhiều tiết mục văn nghệ trên đảo, luôn có cả “thầy” và trò cùng tham gia.
Nhiều tiết mục văn nghệ trên đảo, luôn có cả “thầy” và trò cùng tham gia.

Giờ ra chơi, cả thầy và trò xếp thành vòng tròn, cùng đọc bài đồng giao “Hoàng Sa - Trường Sa”: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước biển mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Nu na nu nống/ Trường Sa, Hoàng Sa”.

Lớp chỉ vẻn vẹn 3 học sinh nhưng vẫn luôn quy củ, khang trang.
Lớp chỉ vẻn vẹn 3 học sinh nhưng vẫn luôn quy củ, khang trang.

Các em học sinh hồn nhiên vui đùa trong giờ ra chơi.
Các em học sinh hồn nhiên vui đùa trong giờ ra chơi.

Theo Hoàng Việt

Baotintuc.vn

http://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/uom-mam-tren-dao-sinh-ton-20160427224337020.htm