Tuyển sinh 2018: Thí sinh phải cạnh tranh nhau từ 1% điểm lẻ trong bài thi

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, điểm xét tuyển năm nay được làm tròn tới 2 chữ số thập phân, như vậy các thí sinh rất chú ý để giành từng 1% điểm lẻ trong bài thi vì cuộc cạnh tranh trong tuyển sinh rất cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT: Thí sinh phải cạnh tranh nhau từ 1% điểm lẻ trong bài thi

Thời gian đăng ký xét tuyển từ 1 – 20/4/2018

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh năm nay không nhiều vẫn giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, có một số điều chỉnh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, điểm ưu tiên khu vực được giảm đi 50% so với mức 2017 trở về trước. Độ chênh lệch giữa các vùng miền không còn cao nữa thì mức điểm này sẽ hạ xuống để phù hợp với mức độ phát triển của các vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn.

Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 thay vì 1,5 như quy định hiện hành. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn là 1 điểm.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng trừ với ngành đào tạo giáo viên. Quyền này được trao cho các trường, các trường được tự chủ, xác định ngưỡng đầu vào cho nó hợp với chính sách tuyển sinh, chính sách chất lượng của từng trường.

Thứ ba, điểm xét tuyển năm nay được làm tròn tới 2 chữ số thập phân, như vậy các thí sinh rất chú ý để giành từng 1% điểm lẻ trong bài thi vì cuộc cạnh tranh trong tuyển sinh rất cao.

Ví dụ một thí sinh đạt 19,98 điểm. Nếu theo quy định hiện hành, điểm của thí sinh này sẽ được làm tròn thành 20 điểm. Còn theo quy định mới, điểm vẫn được giữ nguyên là 19,98.

Thứ tư, các trường phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của 2 năm trước. Đó là thông thông hữu ích cho các thí sinh biết rằng ngành nào, trường nào có chất lượng. Tất nhiên các thí sinh có thể kiểm chứng lại những thông tin trường này để có độ tin cậy cao.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, thời gian đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ 2018 dự kiến từ ngày 1-20/4. Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, dự kiến là từ ngày 18-26/7 sau khi có đầy đủ thông tin về điểm thi về tương quan điểm thi thì các em sẽ được điều chỉnh nguyện vọng.


Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT

Thí sinh nên lựa chọn từ 3 – 5 nguyện vọng

Về đăng ký nguyện vọng, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cho biết, vẫn như năm trước, các thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề không nằm ở việc đăng ký nguyện vọng bao nhiêu mà quan trọng là các em có được những thông tin thiết thực, có ý nghĩa trực tiếp với nguyện vọng mình hay không?

Ví dụ như các em có hiểu ngành học các em đăng ký không, có hiểu năng lực, nguyện vọng, sở trường mình hay không để chọn những ngành học phù hợp với năng lực.

“Được làm việc trong ngành nghề mình yêu thích thì công việc là niềm vui và không có áp lực, năng xuất hiệu quả công việc sẽ tốt hơn thì đó là vấn đề quan trọng nên các thí sinh hết sức cân nhắc” – bà Phụng nhấn mạnh.

Chia sẻ với các thí sinh, bà Phụng cho biết, các thí sinh nên chọn trong khoảng từ 3-5 nguyện vọng. Có những nguyện vọng nên thấp hơn năng lực của bản thân các em, có những nguyện vọng thì đúng với năng lực các em để tăng tỷ lệ trúng tuyển, có những nguyện vọng cao hơn một chút để các em định hướng phấn đấu.

Như vậy nếu có 3 tầm nguyện vọng đó thì tôi tin thí sinh có thể xác định được khả năng trúng tuyển cao. Thực tế trong những năm qua thì mức trung bình thì 50-70% các em đăng ký trong khoảng 3-5 nguyện vọng.

Thí sinh vào ngành sư phạm sẽ ít

Dư luận đang băn khoăn về thông tư sửa đổi năm nay là:“Những học sinh giỏi mới được đăng ký ngành học sư phạm”, nhiều lãnh đạo trường sư phạm lo lắng ngành sư phạm sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh. Vậy Bộ lý giải như thế nào?

Thật ra đó cũng là một trong những quy định để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của ngành sư phạm. Có thể số lượng trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển sẽ ít đi nhưng mà chúng tôi không sợ thiếu nhân lực vì trong thời gian vừa qua nhân lực đào tạo đã khá dồi dào.

Tuy nhiên trong qua trình tham khảo ý kiến các trường, chúng tôi cũng nhận thấy là các trường thiên về năng khiếu như sư phạm nghệ thuật, sư phạm mỹ thuật, sư phạm thể dục thể thao thì có thể đảm bảo chất lượng các môn văn hóa được lui xuống một bậc.

Đầu vào chúng ta đảm bảo phải cao mà đầu ra chúng ta vẫn chưa đảm bảo được gì, vậy dường như có điều gì đó không ổn đối với chính người học.


Số lượng thí sinh sư phạm sẽ ít vì chỉ học sinh giỏi mới dược đăng ký vào sư phạm

Số lượng thí sinh sư phạm sẽ ít vì chỉ học sinh giỏi mới dược đăng ký vào sư phạm

Việc giảm đột ngột chỉ tiêu của các trường sư phạm, Bộ có tính đến đội ngũ giáo viên đang giảng dạy sẽ “mất việc” không?

Năm nay chúng tôi sẽ cân đối chỉ tiêu trong ngành sư phạm trên cơ sở sử dụng giáo viên ở các địa phương trong những năm tới. Nếu như có sự lo lắng về đầu ra của ngành sư phạm thì chúng ta hiểu rằng đầu ra là những chính sách, chế độ, sự tuyển dụng. Vấn đề này, nằm ngoài tầm kiểm soát của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cùng các Bộ ban ngành sẽ có những rà soát chính sách để luật Giáo dục sửa đổi lần này sẽ hợp lý nhất cho giáo viên.

Khi chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên đã dựa vào nhu cầu sử dụng lao động thì tỷ lệ việc làm sau đại học sẽ được đảm bảo hơn. Đó là yếu tố thu hút các em học sinh giỏi vào trường sư phạm.

Tương lai sẽ thừa đội ngũ giảng viên lẫn giáo viên do sức hút của sư phạm không còn cao và đầu vào lại khó khăn hơn thì Bộ giải quyết bài toán này như thế nào?

Chúng tôi cho rằng với các yêu cầu mà các trường phải khảo sát thị trường để có những định hướng phát triển, các ngành sư phạm của trường mình.

Chúng tôi đang cùng các trường sư phạm, các ngành sư phạm khảo sát thông tin để quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Rồi sẽ dự tính về quy mô đào tạo trong những năm tới trên cơ sở dân số, nhu cầu học tập. Trên cơ sở những quy hoạch có tính dài hơi hơn thì các trường cũng có những kế hoạch chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp với lực lượng của mình.

Chúng tôi cho rằng không chỉ một mình Bộ GD&ĐT lo mà tất cả các hiệu trưởng, các giáo viên đều phải lo về ngưỡng đảo bảo chất lượng đầu vào cho trường mình để xây dựng chính sách chất lượng, xây dựng thương hiệu trường mình.

Vì vậy trao quyền đảm bảo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường thì chúng tôi yên tâm. Bởi vì đa số các trường đều hiểu rằng nếu không đi lên từ chất lượng thì trường sẽ tự hủy hoại mình.

Hồng Hạnh