Trường Đại học Lâm nghiệp: Dành 50% ngân sách cho nghiên cứu khoa học

(Dân trí) - “Dành 50% ngân sách của trường Lâm nghiệp cho các công trình nghiên cứu khoa học; đồng thời, tất cả cán bộ, giảng viên và sinh viên cũng sẽ dành 50% thời gian hoạt động tại trường để nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ”.

Đây chính là mục tiêu và định hướng phát triển của trường Đại học Lâm nghiệpViệt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2025, được GS.TS TrầnVăn Chứ, Hiệu trưởng Nhà trường đưa ra tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ năm 2018 trong ngày 12/5.

“Đặt hàng” các công trình nghiên cứu của sinh viên

“Thờ ơ” hoặc tham gia mang tính “hình thức” là thực trạng của sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp trước các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Theo GS.TS Trần Văn Chứ, số lượng tham gia nghiên cứu toàn trường mỗi năm chỉ đạt khoảng 300 sinh viên/năm, chiếm 7,7% trên tổng số sinh viên. Đây là một con số vô cùng nhỏ, làm lãng phí thời gian so với khối kiến thức và sự tích lũy kinh nghiệm của sinh viên ngay trên giảng đường.


GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp

Khi tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy có nhiều ý tưởng rất hay, nhưng vẫn đắn đo khi đăng kí nghiên cứu, một phần vì không tự tin vào chính ý tưởng của mình, phần khác thì lại đổ lỗi tại không có thời gian, không có kinh phí nhiều…Nhiều khi Nhà trường rất muốn hỗ trợ, muốn “ sốc” sinh viên năng nổ, mạnh dạn hơn nhưng chính bản thân sinh viên quá ì, bỏ qua nhiều cơ hội” - GS.TS Trần Văn Chứ chia sẻ

Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cũng khẳng định, từ các năm tới, Nhà trường sẽ xem xét tất cả các đề tài sinh viên đăng kí, nếu đề tài nào hay, tính khả thi cao thì sẽ sẵn sàng cung cấp tối đa về mặt kinh phí và nhiều nguồn lực khác theo hướng “đặt hàng” chính các sinh viên có ý tưởng mới trong khoa học – công nghệ Lâm nghiệp.

Vì đâu nhiều đề tài bị “đóng băng”?

Sinh viên Nguyễn Thị Loan, đại diện nhóm công trình “nghiên cứu sử dụng gỗ Quế sau khai thác vỏ để làm thiết bị dạy học”, giải Nhì sinh viên NCKH Quốc gia nhân hội nghị cũng đã chỉ ra nguyên nhân khiến sinh viên thờ ơ, né tránh tham gia nghiên cứu khoa học.

Từ thực tế bản thân và quá trình thực hiện đề tài khoa học của mình, Loan cho rằng, để khơi dậy được ý tưởng của sinh viên Lâm nghiệp không khó vì đây là ngành mới phát triển chuyên sâu nên “đất dụng võ” cho các nhà nghiên cứu còn rất rộng. Khó khăn nhất khi sinh viên muốn tham gia nghiên cứu chính là kinh phí và cơ hội tiếp cận với điều tra thị trường”.

Minh chứng là, một đề tài có thể thực hiện được ra sản phẩm lâm nghiệp hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều quy trình; từ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đến gia công, nhà xưởng, thành phẩm… đều cần đến kinh phí lớn. Một vài triệu thì sinh viên có thể cố gắng được nhưng khi lên đến con số hàng chục là điều không thể; nên đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều đề tài đi vào tình trạng “đóng băng” nằm đắp chiếu.

Nguyễn Loan cũng mạnh dạn đề xuất, nếu Nhà trường giải quyết được bài toán nguồn kinh phí, sẽ thu hút được rất nhiều ý tưởng hay từ các bạn sinh viên. Sinh viên được thỏa thích đề xuất ý tưởng và kêu gọi vốn đầu tư, yên tâm tập trung vào nghiên cứu thay vì vừa học, vừa nghiên cứu, vừa lo cân đối tài chính.


Sinh viên Lâm nghiệp tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm năm 2018

Sinh viên Lâm nghiệp tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp tại Ngày hội việc làm năm 2018

Năm học 2017-2018, Trường Đại học Lâm nghiệp có 107/133 đề tài nghiên cứu được sinh viên thực hiện. Trong đó, 5 giải thưởng của sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia; 5 giải Olympic cơ học toàn quốc; 9 sinh viên được cấp chứng chỉ MOSWC ( tin học văn phòng) cấp quốc gia.

Ngoài ra, trường cũng đạt được vị trí 17/146 đội thi Lái xe sinh thái tiết kiệm nhiên liệu và 2 sinh viên được tham gia cuộc thi viết quốc tế về Lâm nghiệp tại Liên Bang Nga cùng hàng chục các giải thưởng ở các cuộc thi khác.

Hà Cường