Trẻ học được gì từ các cuộc thi “nhập khẩu”?

(Dân trí) - Việt Nam hiện có gần 70 cuộc thi “nhập khẩu” và phụ huynh đua nhau cho con tham gia các cuộc thi này. Theo GS Ngô Bảo Châu, "không lẽ chúng ta cạn kiệt đến mức phải đi nhập khẩu các cuộc thi từ nước ngoài nhiều đến vậy?”.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?”, với sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu cùng nhiều nhà khoa học hàng đầu hiện nay về toán học.

Các cuộc thi toán bị “thương mại hóa”

Theo ông Ngô Văn Minh, giáo viên Toán, Trường THCS Archimedes Academy (Hà Nội), hiện chúng ta nhập khẩu quá nhiều kỳ thi của nước ngoài, dù không biết rõ có nguồn gốc từ đâu, như thế nào.

Các kỳ thi Toán học bị thương mại hóa theo chiều thiếu tích cực, sức tàn phá của nó rất khủng khiếp. Bởi vậy, các nhà Toán học và khoa học khác cần có phản biện chuyên môn để tránh những ảnh hưởng tiêu cực trong giáo dục.

GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Khi ở Pháp, Mỹ, Australia, tôi thấy mỗi nước đều có một kỳ thi riêng, chỉ Việt Nam có tất cả kỳ thi của cả ba nước đó. Không lẽ chúng ta cạn kiệt đến mức phải đi nhập khẩu các cuộc thi từ nước ngoài nhiều đến vậy”?

Lý giải về điều này, TS Chu Cẩm Thơ (phó chủ nhiệm bộ môn Phương pháp dạy học, khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ riêng với chúng tôi: “Việc phụ huynh quá kì vọng vào con cái nên đổ tiền vào hết trung tâm này đến trung tâm khác là thực trạng đang diễn ra không chỉ ở thành thị mà cả vùng nông thôn”.

phụ huynh quá kì vọng vào con cái nên đổ tiền vào hết trung tâm này đến trung tâm khác là thực trạng đang diễn ra ở thành thị và nông thôn (ảnh minh họa)
phụ huynh quá kì vọng vào con cái nên đổ tiền vào hết trung tâm này đến trung tâm khác là thực trạng đang diễn ra ở thành thị và nông thôn (ảnh minh họa)

Theo TS Thơ, hiện nay việc dạy - học đang thiếu hụt nghiêm trọng các kĩ năng, việc gia đình đổ tiền vào các trung tâm nhằm bổ sung những thiếu hụt về cách dạy trong nhà trường để thay đổi là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, trong khi sự đồng bộ giữa nhà trường và các trung tâm bên ngoài còn đang “vênh” nhau thì phải làm sao?

“Theo tính toán, hiện nay chúng ta có gần 70 cuộc thi “nhập khẩu” và phụ huynh đang đua nhau cho con thi. Nếu các gia đình chọn cách tiếp cận không đúng ở các trung tâm, sẽ khiến học sinh hoang mang. Vì vậy, cha mẹ hoặc người học nên chủ động lựa chọn, nếu việc học tập, thi cử ở trường là quan trọng thì nên để các cuộc thi đó sang một bên. Còn nếu vì mục đích cuối cùng như việc để vào một trường nào đó tốp đầu, hoặc để đạt một học bổng nào đó thì phải đầu tư nhiều hơn là đúng đắn”, TS Thơ nói.

TS Trần Nam Dũng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM cũng nhận xét, các cuộc thi không chỉ để kiểm tra, đánh giá, mà còn tạo không khí học tập cho học sinh, là gốc của sự học. Ngoài ra, các cuộc thi còn là những sân chơi tạo nên sự thi đua, hứng khởi và động lực cho học sinh. Tuy nhiên, các cuộc thi cũng ẩn chứa những mặt trái, bất cập khiến các nhà giáo dục suy nghĩ, trăn trở.

PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục (Hà Nội) chia sẻ: Hiện, các kỳ thi phần lớn cho học sinh giỏi. Để đạt thành tích, học sinh giỏi phải vượt qua nhiều cuộc thi ở nhiều cấp bậc khiến việc đi thi của các em rất nặng nề. Việc này do cách tổ chức thi trước đây từ cấp cơ sở đến trung ương còn nhiều bất cập.

Việc tổ chức các cuộc thi còn bỏ ngỏ

Theo ông Vinh, nếu đặt ở góc nhìn khác, mọi thứ sẽ đơn giản hơn. Chẳng hạn thay vì chỉ có học sinh giỏi được tham dự, hãy để mọi học sinh có nguyện vọng được đi thi. Dù không làm bài tốt như học sinh giỏi, các em vẫn vui vì được tham dự kỳ thi như mọi người.

Cùng trải nghiệm học toán tại Ngày hội toán học mở (ản: BTC)
Cùng trải nghiệm học toán tại Ngày hội toán học mở (ản: BTC)

TS Toán học Lê Thống Nhất cũng cho rằng, việc nhập khẩu các cuộc thi không phải xấu. Điều đáng tiếc là cách tuyên truyền thổi phồng và các giải thưởng thí sinh đạt được. “Nhiều cuộc thi chỉ ở tầm cỡ khu vực, độ khó của đề không cao, gần như 100% thí sinh đi thi có giải, nhưng khi trở về lại tôn thành tích ngang tầm quốc tế, khiến nhiều người hiểu nhầm, thí sinh và gia đình ảo tưởng”, ông chia sẻ.

Theo TS Trần Nam Dũng, hiện việc tự tổ chức các cuộc thi bỏ ngỏ hoàn toàn nên các cuộc thi mới dễ dàng vào nước ta. Nếu muốn tổ chức các cuộc thi 'made in Việt Nam, trừ kỳ thi học sinh giỏi các cấp, chúng ta cần nâng tầm ảnh hưởng của nền giáo dục trở nên rộng và lớn mạnh hơn. Khi đó, những cuộc thi quốc tế tầm cỡ mới vào được.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cho rằng: “Các kỳ thi hấp dẫn trẻ con, được chúng rất yêu thích. Quan trọng là người lớn phải tổ chức như thế nào cho hiệu quả, làm sao để các em có nhiều cơ hội thành công. Các kỳ thi nên chuyển giao cho nhà khoa học, chuyên môn để chất lượng tốt hơn”.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)