Bạn đọc viết:

Tranh cãi quanh việc học sinh đâm thầy giáo trọng thương được tha thứ

(Dân trí) - Suốt nửa tháng nay, việc một nam sinh lớp 12 ở Quảng Bình đâm thầy giáo chủ nhiệm trọng thương khiến dư luận phẫn nộ. Một học trò là lớp trưởng, học khá mà chỉ vì lời nhắc nhở của thầy mà dám cầm dao bấm đâm lại thầy thì thật đáng sợ. Đây là hành động côn đồ, khó có thể tha thứ, bao dung.

Báo chí đưa tin, vào ngày 5/4/2018 thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lên lớp thì thấy học sinh Ngô Văn Công - lớp trưởng lớp thầy Tiến làm chủ nhiệm có vết xăm trổ ở cổ. Sau đó, thầy Tiến đã nhắc nhở học sinh này xóa hình xăm. Tuy nhiên, Công lại hậm hực. Khi đến giờ tan trường, Công đã chặn thầy giáo của mình tại cổng trường và dùng dao bấm dài 10cm đâm ngay vào bụng khiến thầy Tiến trọng thương và phải đi bệnh viện cấp cứu.

Sau khi nghe thông tin em Công đã đến bệnh viện xin lỗi thầy giáo vào ngày 17/4/2018 và được thầy chấp thuận thì một số giáo viên trường tôi tỏ vẻ không bằng lòng. Nhiều thầy cô không đồng tình với cách giải quyết như thầy giáo Tiến. Các cô cho rằng thầy Tiến làm thế khác nào học sinh ngày càng lộng hành, xem thường pháp luật. Học sinh cứ đánh thầy rồi lại được tha thứ thì các em đâu còn sợ thầy cô nữa. Cứ truy tố và cho đi tù mấy năm để làm gương cho các học sinh khác. Rằng học sinh mà dám đâm thầy giáo thì sau này không biết sẽ làm gì nếu ai đụng chạm đến em đó. Nói chung là trong trường hợp này, không nên xử lí bằng tính nhân văn.

Tuy nhiên phần đông giáo viên lại đồng tình với việc bỏ qua lỗi lầm cho em như thầy giáo Tiến. Thầy là một người có tấm lòng vị tha, nhân hậu. Tha thứ cho em cũng là giúp em có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Việc làm của thầy Tiến được đa số thầy cô ủng hộ. Dẫu sao các em cũng là những học trò, còn trẻ người non dại. Nếu bây giờ thầy giáo làm căng thì tương lai của em sẽ đi đâu, về đâu. Mỗi chúng ta cần rộng lượng tha thứ để cảm hóa, giáo dục để em trở thành người tốt.

Bản thân là giáo viên, tôi cũng đồng tình với quan điểm tha thứ và cho em một cơ hội sửa chữa. Có thể rất nhiều người cũng không đồng tình quan điểm này. Thế nhưng, nghề giáo vốn có đặc thù riêng. Khi học trò sai chúng ta cần cảm hóa, uốn nắn, giáo dục để các em trở thành người tốt. Ở lứa tuổi này, đôi khi các em suy nghĩ còn rất bồng bột. Nếu ta không bao dung tha thứ thì các em sẽ rẽ ngang sang con đường khác. Khi ấy, tương lai của các em sẽ ra sao? Chính vì vậy mà thầy cô bao giờ cũng rộng lượng đối với những học trò mắc lỗi lầm. Người ta thường bảo, đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại. Khi các em biết sai thì chúng ta cũng nên tạo cho các em một cơ hội để sửa sai.

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, trường tôi cũng gặp một học trò cá biệt lớp 9. Em thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường. Rồi một lần em đã đánh bạn gây thương tích. Khi ấy, các phụ huynh đã phản ứng rất mạnh mẽ. Rằng nhất định phải đuổi học em và cho em đi trại giáo dưỡng. Thế rồi, sau rất nhiều buổi họp xét kỉ luật của nhà trường. Thầy cô cân lên, đo xuống cuối cùng vẫn là tính nhân văn nhất dành cho em. Cả hội đồng liên tịch ngồi phân tích, nói cho em biết cái sai của mình. Thầy hiệu trưởng là người động viên em nhiều nhất. Khi biết tin nhà trường vẫn đồng ý cho em trở lại lớp thì em đã khóc rất nhiều. Em tự hứa sẽ cố gắng để không phụ lòng thầy cô và gia đình. Từ đó em chăm ngoan và chịu khó học tập hẳn.

Bây giờ thì em đã ra trường và đi làm. Mỗi khi gặp lại em vẫn cám ơn các thầy cô vì đã giúp em nhận ra điều sai trái. Em bảo rằng mình được như ngày hôm nay phần lớn nhờ lòng bao dung của các thầy cô giáo. Chính vì vậy, em phải sống tốt hơn, sống có ích để không phụ lòng thầy cô đã tin tưởng. Quan trọng hơn là em luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Em hứa sẽ cô gắng nhiều hơn nữa để trở thành người tốt.

Thế mới thấy, trường học luôn cần thầy cô bao dung, tha thứ. Khi các em phạm lỗi, chúng ta cần tìm hiểu để có hướng giải quyết phù hợp. Nếu các em đã biết hối lỗi, hãy cho các em một cơ hội để sửa sai. Cuộc đời các em, tương lai các em còn rất dài ở phía trước. Chúng ta không nên khép chặt mọi cánh cửa đối với các em. Khi chúng ta tha thứ, nhất định em sẽ nhớ mãi sai lầm ấy và cố gắng sửa sai.

Loát Trần

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!