Tiến sĩ Mỹ gốc Việt: “Vì thế hệ sau, giáo sư nước ngoài không… niệm tình ai”

(Dân trí) - “Giáo sư nước ngoài bảo vệ uy tín, cơ hội cho thế hệ sau như chính danh dự bản thân. Thư giới thiệu của họ vì thế rất nghiêm chỉnh khi đánh giá”, GS. TS người Mỹ gốc Việt Trương Nguyện Thành chia sẻ, nhân câu chuyện ĐHQG TP HCM áp dụng mô hình tuyển sinh “như Tây”.

Sinh năm 1961, GS.TS Trương Nguyện Thành tốt nghiệp trường Đại học North Dakota (Mỹ). Năm 1990, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý.

Năm 2002, ông được cấp bằng GS Cao cấp (cấp cao nhất trong 3 cấp GS ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Từ 1992 đến nay, GS Trương Nguyện Thành đã có gần 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Hiện ông đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Utah (Mỹ), đồng thời là Viện trưởng Khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, TP HCM.

Năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình tuyển sinh “kiểu Tây” khi dành 10% xét tuyển thẳng thí sinh vào các trường thành viên. Điều kiện học sinh phải thuộc 82 trường THPT chuyên và năng khiếu, ứng viên phải có bài luận và thư giới thiệu của giáo viên. Đây là cách làm mới, hướng theo chuẩn chung của các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.

Xoay quanh việc tiên phong áp dụng mô hình tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận như các trường đại học Mỹ, Anh, Singapore… của trường ĐH Quốc gia TP HCM, PV Dân trí có cuộc trao đổi với GS.TS Trương Nguyện Thành (Giáo sư trường Đại học Utah - Mỹ).

Phương án mới trên lý thuyết là một giải pháp tốt

Thưa GS, hình thức xét tuyển bằng thư giới thiệu, bài luận đã có lịch sử hàng trăm năm trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về việc áp dụng mô hình tuyển sinh này của trường ĐH Quốc gia TPHCM?

GS.TS Trương Nguyện Thành: Hồ sơ tuyển sinh Đại học/ sau Đại học ở Mỹ và đa số các nước tiên tiến đều có bài tự luận và thư giới thiệu của giáo viên, giáo sư (GV/GS). Hai tiêu chí này giúp Hội đồng tuyển sinh có thêm thông tin bao quát hơn về độ trưởng thành cũng như đánh giá từ những người hiểu rõ trình độ của thí sinh (ngoài điểm thi, học bạ…).

Mang mô hình tuyển sinh “kiểu Tây” về áp dụng tại Việt Nam là một bước đáng khích lệ.

Dư luận đang quan tâm đến mức độ hiệu quả của mô hình tuyển sinh mới khi mang về áp dụng tại Việt Nam, GS quan điểm thế nào?

Như tôi đã nói, bài luận và thư giới thiệu là 2 tiêu chí. Tuy nhiên 2 tiêu chí này dựa trên nguyên tắc bài tự luận phải do chính bản thân của thí sinh viết và thư giới thiệu phản ảnh thật chất đánh giá của GV/GS cho thí sinh đó.

Phương án mới trên lý thuyết là một giải pháp tốt. Nhưng muốn biết nó có hiệu quả trong thực tế hay không cần phải đánh giá liệu 2 nguyên tắc trên có thể ứng dụng trong xã hội Việt Nam:

1. Tự luận có phải do chính thí sinh viết hay không? Lấy gì đảm bảo? Nếu tự luận có thể mua từ dịch vụ thì bài tự luận không còn có giá trị.

2. Thư giới thiệu từ GV/GS có thật sự phản ảnh đánh giá thí sinh hay không? Lấy gì đảm bảo? Nếu như việc bồi dưỡng Thầy/Cô để có thư giới thiệu tốt thì những lá thư này cũng không có giá trị. Một khó khăn khác là làm sao chuẩn hóa những lá thư giới thiệu vì sự đánh giá của mỗi GV/GS khác nhau. Tôi nghĩ ban đầu nên dùng mẫu đánh giá tiềm năng và khả năng thì hay hơn.


GS.TS Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Utah (Mỹ)

GS.TS Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Utah (Mỹ)

Bài tự luận thật ra chỉ là một thông tin trong hồ sơ!

Việc xin thư giới thiệu của giáo viên ở Việt Nam được lo ngại sẽ rủi ro tiêu cực. Thưa GS, tại sao ở các trường đại học Mỹ, thư giới thiệu thường phản ánh khá sát năng lực của thí sinh?

Các GV/GS nước ngoài bảo vệ uy tín và bảo vệ cơ hội cho những thế hệ đi sau. Thư giới thiệu của họ vì thế rất nghiêm chỉnh không vì “lịch sự” hay yếu tố khác mà… niệm tình khi đánh giá một thí sinh nào. Bảo vệ quyền lợi cho thế hệ sau quan trọng như và thậm chí hơn cả danh dự và uy tín của bản thân GV/GS nước ngoài.

Không phải vì thí sinh này là học trò do mình giảng dạy, đào tạo mà họ sẽ “hết lời ca ngợi”. Nếu sự thật học lực của thí sinh ấy kém thì đánh giá của mình sẽ không còn giá trị cho các học trò của mình ở những thế hệ sau.

Vì Việt Nam xưa nay chưa sử dụng thư giới thiệu nên GV/GS sẽ rất bỡ ngỡ khi viết thư giới thiệu. Trường ĐH cần đưa ra những tiêu chí đánh giá rõ ràng kể cả việc có bản đánh giá mẫu để GV/GS điền vào. Như thế việc chuẩn hóa có thể dễ dàng hơn. Thường Hội đồng tuyển sinh sẽ lấy thêm thông tin về kỹ năng mềm của thí sinh trong thư giới thiệu/đánh giá GV/GS. Học lực có thể biểu hiện qua điểm thi/học bạ.

Thêm nữa, đại học cần xây dựng kho dữ liệu liên kết thư giới thiệu của GV/GS trong hồ sơ tuyển sinh với học bạ của sinh viên để trong những kỳ tuyển sinh sau có thể loại bỏ những thư giới thiệu có tính tiêu cực.

Còn bài luận sẽ đóng vai trò thế nào trong tuyển sinh với yêu cầu “lý giải lý do chọn ngành” mà ĐH Quốc gia TP HCM đưa ra?

Thật sự bài tự luận nói lên tư duy và sự trưởng thành trong suy nghĩ của thí sinh nên nó giúp phản ảnh cái nhìn toàn diện về thí sinh. Ngoài ra nó cũng giúp loại bỏ hồ sơ không hợp lý. Ví dụ nếu hồ sơ thường mà bài tự luận quá hay thì có điều không ổn.

Như thế bài tự luận và thư giới thiệu/ bản đánh giá của GV/GS nên sử dụng như thế nào cho hiệu quả?

Theo tôi nghĩ Hội đồng tuyển bao gồm đại diện của tất cả các khoa nên sàng lọc hồ sơ theo nhiều tầng:

Tầng sơ kết: Sử dụng điểm thi/học bạ như hiện tại. Nên rộng rãi hơn ở tầng sơ kết.

Tầng bán kết: Điểm hóa bài tự luận và thư giới thiệu/bản đánh giá của GV/GS để sàng lọc tầng này.

Tầng chung kết: Nên có một phỏng vấn ngắn để xác minh độ tin cậy của các thông tin trong hồ sơ và lọc những thí sinh ưu tú nhất.

Thí dụ: Nếu ĐH Quốc gia TP HCM cần tuyển 500 sinh viên, thì vòng sơ kết có thể là 1000 thí sinh hội đủ tiêu chí về điểm thi hoặc có thể thấp hơn một chút. Ở vòng bán kết thì điểm bài tự luận và thư giới thiệu/ bản đánh giá là quan trọng và nó giúp lọc lại toàn bộ 1000 thí sinh để chọn ra 700 thí sinh trúng tuyển bán kết. Sẽ có trường hợp thí sinh điểm thấp nhưng vì có bài tư luận và bản đánh giá của GV/GS tốt nên có thể lọt qua vòng bán kết. Vòng chung kết là để loại bỏ tất cả hồ sơ có dấu hiệu tiêu cực hoặc đáng nghi ngờ khi phỏng vấn thí sinh trực tiếp.

Với hình thức tuyển sinh này, Hội đồng tuyển sinh sẽ có khả năng đánh giá toàn diện thí sinh trong môi trường giáo dục và xã hội Việt Nam.

Để sự cạnh tranh thị trường điều phối chất lượng tuyển sinh

Ngoài xét tuyển với thư giới thiệu và bài luận, theo GS, trường Đại học ở Việt Nam có thể làm cách gì để việc tuyển sinh thêm phần chính xác khi áp dụng mô hình tuyển sinh quốc tế?

Đây là một bài toán khó nhưng không phải là không có giải pháp. Phương án sử dụng thư giới thiệu/ bản đánh giá và bài tự luận như tôi nên trên tuy tốn thêm thời gian nhưng nó sẽ tạo nên thương hiệu của trường nếu làm nghiêm chỉnh.

Tuy nhiên, giáo dục ở Việt Nam còn bị chi phối quá nhiều bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu Đại học có nhiều quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm hơn thì họ sẽ làm tốt hơn. Để cho sự cạnh tranh thị trường về đào tạo quyết định chất lượng của mỗi trường Đại học. Từ đó trường Đại học vì phải bảo vệ danh tiếng cũng như thương hiệu của mình mà sẽ tuyển sinh kỹ lưỡng.

Nếu làm nghiêm chỉnh thì việc tuyển sinh sẽ tốt thôi. Và điều mà các trường ĐH nên lưu ý: Sinh viên giỏi sẽ làm động lực buộc GS phải giỏi và từ đó nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu của trường.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Lệ Thu (ghi)