Bạn đọc viết?
Tiếc gì một lời xin lỗi?
(Dân trí) - Có lỗi phải nhận, phạm lỗi nên xin tha thứ. Những tưởng bài học ấy đã thấm nhuần trong mỗi chúng ta từ tấm bé. Nhưng mỗi ngày chúng ta bắt gặp nhiều hơn những hành động trái tai gai mắt và trăn trở mãi với câu hỏi: Lời xin lỗi dường như là một “của hiếm” trong xã hội hiện đại?
Tôi từng bắt gặp một người mẹ trẻ ngoài 20 tuổi dắt con nhỏ đi lại nghênh ngang ngoài đường suýt va vào xe của tôi. Tôi bèn dừng lại nhắc nhở: “Dắt cháu đi đứng cẩn thận em ơi”. Theo lẽ thường, tôi sẽ nhận được lời xin lỗi và cảm ơn vì đã nhắc nhở. Nhưng không, “đáp lễ” là một khuôn mặt cau có, ánh mắt dữ tợn và mồm năm miệng mười mắng té tát người phụ nữ đáng tuổi cô dì như tôi. Thật lắc đầu ngao ngán cho người trẻ và tôi luôn tự hỏi, đứa trẻ ấy sẽ học được gì từ một người mẹ như thế?
Đó không phải là trường hợp cá biệt về những con người trưởng thành không biết lỗi, cố ý làm ngơ trước lỗi lầm của chính mình. Hành xử của người lớn lẽ ra là một tấm gương cho trẻ soi vào, tiếc thay lại không hiếm những tấm gương mờ. Lắm lúc ta bỗng giật mình thảng thốt cho thực trạng văn hóa xin lỗi đang dần mai một trong giới trẻ.
Hẳn là mọi người vẫn còn nhớ một lời xin lỗi dễ thương rộn ràng trên mạng xã hội thời gian qua. Vô tình làm vỡ gương xe, đợi chủ xe để xin lỗi không được, cậu học trò Nguyễn Thế Tùng ở Hải Phòng bèn dán lời xin lỗi bên ngoài cửa kính. Đằng sau những câu chữ viết vội ấy là một thái độ sống có trách nhiệm và lòng tự trọng cao. Câu chuyện được chia sẻ rần rần, thái độ sống của cậu bé lớp 11 được ngợi ca không ngớt. Một lời xin lỗi bình thường lại dễ dàng trở thành “hiện tượng” trên mạng xã hội. Hóa ra hành động nhỏ bé ấy dường như lạ lẫm với khối người ư?
Đi tìm căn nguyên của vấn đề, nhiều người vội quy chụp trách nhiệm cho nhà trường không dạy dỗ trẻ đến nơi đến chốn. Nhưng cái nôi giáo dục trẻ đầu tiên vẫn là gia đình. Cùng với đó là sự tác động của môi trường xã hội với những biểu hiện trái chiều.
Trẻ con tinh khôi như tờ giấy trắng, mỗi ngày đón nhận những nét vẽ thẳng băng và cả nguệch ngoạc từ chính cách hành xử của người lớn chúng ta. Vì vậy, người lớn phải làm gương sáng để trẻ soi vào. Gương sáng ấy phải kiên trì, đồng thuận từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Muốn dạy trẻ biết nhận lỗi, người lớn phải biết xin lỗi, đôi khi phải “cúi mình” (trong lời nói) trước bọn trẻ. Vô tình va làm trẻ ngã, đổ cốc nước ướt áo trẻ, làm hư mô hình lắp ráp của trẻ,… vô số tình huống mà lỗi thuộc về người lớn. Tiếc gì một lời xin lỗi ở bờ môi để ươm lên hạt mầm tử tế trong con cháu chúng ta?
Lắm lúc trẻ làm sai mà lơ đãng hoặc cố tình quên mất lời xin lỗi, đừng dễ dàng cho qua vì lối suy nghĩ đấy là chuyện trẻ con hoặc tự nhủ lớn lên từ từ sẽ dạy. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở “Con đánh rơi chữ xin lỗi ở đâu rồi à?” kèm một nụ cười bao dung! Trẻ sẽ học được lời xin lỗi từ chính sự kiên trì của chúng ta.
Muốn dạy trẻ lòng biết ơn, chúng ta phải thường xuyên nói lời cảm ơn. Muốn dạy trẻ lễ phép, chúng ta phải thực hiện “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Muốn dạy trẻ biết xếp hàng, chúng ta phải tập tính kiên nhẫn xếp hàng. Muốn dạy trẻ bỏ rác đúng nơi quy định, chúng ta phải nói không với vứt rác bừa bãi. Muốn dạy trẻ tuân thủ luật giao thông, chúng ta phải là một công dân gương mẫu khi lưu thông trên đường…
Rèn một thói quen tốt rất khó nhưng nhiễm một thói xấu thì rất dễ. Chính vì vậy, để nối dài những nét đẹp ứng xử trong con trẻ, cần một sự đổi thay tích cực từ chính chúng ta!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!