Thót tim theo 52 cái tát của nữ sinh

(Dân trí) - Bạo lực học đường bùng lên trong nữ sinh không còn là chuyện mới mẻ hiện nay. Điều đáng nói là ngày càng nhiều vụ bạo lực bị đưa ra ánh sáng mà mức độ tàn nhẫn thì càng đáng báo động. Không còn đơn thuần là tát, túm tóc, đấm đá túi bụi, nó đã “nâng cấp” thành những hành động vô nhân tính.

Chẳng hạn clip bắt bạn quỳ gối xin lỗi, bốc cát ăn ở TPHCM vừa qua đã khiến ta phải giật mình về sự vô cảm của giới trẻ.

Giờ đây, xem clip nữ sinh tát bạn 52 cái, tôi bỗng thấy rùng mình và thon thót tim theo từng cái tát ấy. Bao câu hỏi cứ luẩn quẩn, xoắn lấy tâm trí tôi.

Sao em nữ sinh ấy có thể ra tay đánh bạn một cách tàn nhẫn như thế? Bạn bè xích mích, hờn giận là chuyện bình thường. Thay vì trước đây chỉ là hờn mát, xụ mặt, giận dỗi, tẩy chay nhau hay to tiếng cãi vả, bây giờ các em dễ dàng dùng đến vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. “Nữ tính”, “dịu dàng”, “nhân hậu” bỗng biến thành những từ ngữ quá xa xỉ với phe tóc dài, liễu yếu đào tơ. Không phải là 1, 2 cái tát vào mặt bạn mà đến 52 cái giáng tay thẳng xuống vào má bạn, tát đến chảy cả máu mũi và miệng. Thật không còn từ ngữ nào để bình luận về sự lạnh lùng của tình bạn. Trước mặt cô bé hành hung ấy không phải là một người bạn cùng trang lứa, cùng giới tính mà là một kẻ thù và phải trừng trị thẳng tay ư?

Sao cô bé nạn nhân lại hứng chịu chừng ấy cái tát với vẻ mặt trơ lì cảm xúc đến thế? Bị đánh, phải chống trả; bị đánh đau, phải khóc lóc; bị bạo hành, phải lên tiếng… đó là phản ứng tâm lí bình thường của một con người. Nhưng cô bé ấy đưa mặt lên đầy thách thức để bạn tát mình, chịu chừng ấy cái tát đến bật cả máu mũi và miệng vẫn không hề có một sự phản kháng nào, không hề có một giọt nước mắt rơi. Thật đáng sợ! Trong suy nghĩ, các con nghĩ rằng hành động đánh bạn là bình thường, bị đánh cũng là chuyện bình thường ư? Phải đánh bạn, phải đương đầu với những cú đòn như thế mới chứng tỏ được bản lĩnh ư? Câu nói “Mày tát cho chán đi” của một cô bé lớp 8 cùng với khuôn mặt trơ lì cảm xúc của con làm tôi ám ảnh mãi.

Bạn bè đánh nhau, đám bạn xung quanh nên làm gì? Không hề có sự can ngăn. Có chăng chỉ là lời tung hê, cổ vũ cho “trận chiến” kịch liệt hơn. Có chăng chỉ là những cô cậu học trò thản nhiên chơi điện thoại, quay clip và hả hê cười. Có chăng chỉ là tiếng đếm số cái tát vang lên tàn nhẫn. Sự vô cảm đã nhen nhóm và bùng lên dữ dội trong con tim của những con trẻ đang khoác trên mình bộ đồng phục học sinh ư? Giữa các con vẫn đang tồn tại một tình bạn thiêng liêng. Và cao hơn tình bạn là tình người. Người với người đánh nhau như thế đâu thể là trò vui, trò hề để các con chiêm ngưỡng, tán thưởng? Đối với bạn bè mà các con còn vô cảm như thế, sao có thể hi vọng các con biết thương đời, thương người?

Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ của người lớn đâu rồi? Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con trẻ đã toàn tâm toàn ý nuôi dạy con bằng tình yêu thương chưa? Có những ông bố bà mẹ mải mê kiếm tiền mà quên mất con mình đang bước vào tuổi dậy thì. Có những ông bố bà mẹ tiêm nhiễm cho con bản tính ngông nghênh, bạo lực bằng chính lối sống của mình. Có những ông bố bà mẹ lại nuông chiều con quá mức để con trẻ tự huyễn hoặc mình và luôn muốn thể hiện bản thân. Và có cả những ông bố bà mẹ phó mặc trách nhiệm giáo dục con cho nhà trường và thản nhiên gửi gắm: “Trăm sự nhờ thầy cô”… Đó là những mầm mống đầu tiên đẩy con trẻ rơi vào cô đơn, tìm thú vui bên ngoài gia đình, cập nhật những thông tin tiêu cực từ mạng xã hội, kéo bè kéo cánh, xích mích, mâu thuẫn và dùng bạo lực để giải quyết.

Nhà trường đã làm tròn trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ? Chương trình còn nặng tính lí thuyết, hàn lâm, chưa chú trọng giáo dục kĩ năng sống, chưa tổ chức được các phong trào, hoạt động sôi nổi thu hút học sinh tham gia một cách tích cực, lành mạnh. Thêm vào đó là nhu cầu được tư vấn tâm lí, gỡ rối các vấn đề về tình bạn, tình yêu của học sinh chưa đáp ứng bởi những khó khăn trong đào tạo giáo viên tâm lí học đường…

Quả thật chúng ta đã bàn mãi, nói mãi, đề xuất mãi những giải pháp, những “liều thuốc” chữa căn bệnh vô cảm nhưng thật sự thuốc chỉ mới nằm trên đơn, chưa hề được nhận được sự quan tâm, chú trọng ứng dụng. Và bạo lực học đường vẫn diễn ra nhan nhản là điều tất yếu.

Thùy Mai