Thoải mái đăng ký vào đại học, GS Ngô Bảo Châu ra mắt tạp chí PI

(Dân trí) - Năm 2017, lần đầu tiên có kỳ tuyển sinh mà thí sinh được thoải mái đăng ký vào trường đại học, thoải mái đăng ký ngành không giới hạn; Bộ GD&ĐT sẽ rà soát toàn bộ lại hệ thống ngoài công lập; GS Ngô Bảo Châu dành tiền thưởng giải thưởng Fields tài trợ cho tạp chí toán học PI... là những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với TƯ Hội Khuyến học

Ngày 22/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng, để các hội nói chung, trong đó có Hội Khuyến học hoạt động hiệu quả, các bộ ngành phải chủ động phối hợp chặt chẽ, coi các hội vừa là đối tác, vừa là người đồng hành trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của mình.

PTT Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo Hội Khuyến học
PTT Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo Hội Khuyến học

“Tới đây, Bộ GD&ĐT cần rà soát toàn, bộ, đánh giá thực chất, phân loại toàn bộ các trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra một số trung tâm để tập trung làm với một số chương trình phổ biến kiến thức, khoa học, công nghệ cho người dân”, Phó Thủ tướng đề nghị.

GS Ngô Bảo Châu ra mắt tạp chí Toán học PI

Luôn mong muốn học sinh, sinh viên yêu Toán ở Việt Nam có một tờ báo Toán học hữu ích, GS Ngô Bảo Châu đã khởi xướng Tạp chí PI. Ông cho biết, cơ chế tài chính của tạp chí Pi là tự chủ chứ không dựa vào ngân sách của cơ quan chủ quản là Hội toán học Việt Nam.

Trong thời gian đầu, ban biên tập sẽ làm việc hoàn toàn trên cơ sở thiện nguyện, các chi phí của tạp chí sẽ được trang trải nhờ vào sự tài trợ của một số cá nhân với khởi đầu là 15.000 USD khoản tiền thưởng đi kèm huy chương Fields mà GS Ngô Bảo Châu được nhận năm 2010. GS Ngô Bảo Châu và ban biên tập tạp chí hi vọng, Pi sẽ đạt đến sự cân bằng về tài chính sau 2 năm.


GS Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu

GS Hà Huy Khoái (Tổng biên tập Tạp chí PI) cho hay, đây là tạp chí hướng đến mọi thành phần học sinh, sinh viên, các giáo viên, giảng viên đại học hay bất cứ ai quan tâm đến Toán học và cả những người tạm thời chưa thích Toán.

Tạp chí có những chuyên mục chính mới mẻ, thiết thực như: Từ cổ điển đến hiện đại, Cùng bạn giải Toán, Thách thức Toán học, Toán học và đời sống, Quán Toán Violympic, Toán của Bi, Lịch sử Toán học, Đấu trường Toán học, Đối thoại Toán học…

Ban biên tập của Tạp chí PI bao gồm các nhà Toán học, nhà giáo dục đang làm việc trong và ngoài nước, đã quen thuộc với cộng đồng Toán học Việt Nam như: Ngô Bảo Châu, Trần Văn Nhung, Hà Huy Khoái, Trần Nam Dũng, Nguyễn Tiến Dũng, Phạm Huy Điển, Nguyễn Thị Lê Hương, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Duy Thái Sơn, Chu Cẩm Thơ, Vũ Hà Văn, Lê Anh Vinh, Nguyễn Ái Việt….

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiêm túc nhìn lại năm 2016

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2016, ngành giáo dục có nhiều kết quả nổi bật như ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016.

Năm 2016, ngành Giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi vẫn giữ được tinh thần nhân văn của Thông tư 30...

Năm 2016, ngành Giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi.
Năm 2016, ngành Giáo dục đã mạnh dạn nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.

Năm 2016, có 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học chúng ta phải chờ đợi 15 năm qua. Những ngày cuối cùng của năm 2016, kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

111 tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (lần 2), trong đó quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường đại học, với một số điểm mới.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016 (Guide to AUN-QA Assessment At Institutional Level (ver 2.0)) gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, được chia thành 04 nhóm:

Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (08 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (04 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (09 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (04 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học hiện hành (ban hành theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; sửa đổi tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn. Triết lý chung cho đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act).

Năm 2017: Thả cửa vào ĐH

Năm 2017, lần đầu tiên có một kỳ tuyển sinh mà thí sinh được thả cửa vào đại học, được thoải mái đăng ký trường, thoải mái đăng ký vào ngành không giới hạn. Còn các trường đại học cũng thoải mái lựa chọn thí sinh. Tuy nhiên, thương hiệu của các trường sẽ chịu sự đánh giá của xã hội.

Một số chuyên gia cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh mới rất thông thoáng, có lợi cho cả các trường và thí sinh. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng, số trường, số ngành không giới hạn. Đây là chính sách mở đầu vào, thắt đầu ra đại học, Bộ sẽ tăng cường giám sát suốt quá trình học và đặc biệt là chuẩn đầu ra.

Thoải mái đăng ký vào đại học, GS Ngô Bảo Châu ra mắt tạp chí PI - 4

Bên cạnh đó, việc bỏ điểm sàn có lợi cho các trường nhất là các trường tốp dưới vì các trường tốp trên thường không bị ảnh hưởng gì bởi trước đây điểm sàn riêng của các trường thường đã cao hơn điểm sàn của Bộ. Tuy nhiên, các trường sẽ khó khăn trong tuyển sinh vì các trường đại học tốp dưới sẽ tuyển nhiều hơn.

Việc bỏ điểm sàn, các trường sẽ tự chủ tuyển thí sinh dựa vào điểm của một hoặc một số môn thi nào đó phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo. Cách làm này sẽ giúp cho tất cả các môn học ở bậc phổ thông đều được chú trọng.

Khảo sát đánh giá lại toàn bộ khối trường đại học ngoài công lập

Tại hội thảo các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH,CĐ ngoài công lập ngày 22/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết,

để hoàn thiện hệ thống văn bản sắp tới, Bộ GD&ĐT hiện nay đang thành lập tổ công tác, tổ công tác này sẽ khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường ngoài công lập trong 9 vấn đề là: Cơ chế chính sách: phù hợp/bất cập/đề xuất thay đổi; Đội ngũ GV; Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên; Cơ cấu tổ chức và chinh sách phát triển trường; Đất đai, khả năng tài chính; Đầu tư cơ sở vật chất: giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm...; Tình hình tuyển sinh; Quy mô đào tạo, tốt nghiệp; Nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở đánh giá như vậy, tổ công tác sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ về những điều chỉnh cần thiết để xây dựng lại hệ thống các quy định liên quan đến các trường ĐH ngoài công lập về phát triển lâu dài.

Xác minh lại nguyên nhân học sinh gãy chân trong sân trường

Nghi ngờ con va phải ô tô trong sân trường khiến xương đùi bị gãy, một phụ huynh có con đang học lớp 2 tại Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) vừa có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ sự việc.

Một học sinh tiểu học ở Hà Nội bị ngã gãy chân trong sân trường
Một học sinh tiểu học ở Hà Nội bị ngã gãy chân trong sân trường

Theo đơn kiến nghị, gia đình nghi ngờ con mình bị một ô tô Huyn đai màu xanh nước biển (theo lời cháu kể, trên xe có chở hiệu trưởng nhà trường) đâm phải khi cháu đang chơi ở sân sau của trường. Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường mình không ai có xe ô tô màu xanh nước biển. Bản thân cô không tự đi xe mà mỗi buổi sáng, chồng cô lái xe đưa cô đến cổng trường rồi quay về. Xe của cô là ô tô màu ghi bạc.

Tại bản khảo sát nguyên nhân tai nạn do nhà trường thực hiện, bảo vệ Nguyễn Quang Trung, người trực tiếp bế cháu bé khi bị tai nạn, khẳng định: Trong thời gian mình làm nhiệm vụ, không có bất cứ xe máy hay ô tô nào từ bên ngoài vào trường.

Chiều 21/12, gia đình và BGH nhà trường đã làm việc với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy. Theo đó, BGH nhà trường xin gia hạn đến thứ 6 tuần sau, nhà trường sẽ xác minh lại để tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm