Thi giáo viên giỏi: “Tự nguyện” kiểu… ép

(Dân trí) - Mặc dù không ép nhưng lãnh đạo trường tôi gợi ý, nếu không đi thi thì trừ thi đua cuối năm. Thế nên chúng tôi không dám từ chối”, một giáo viên chia sẻ về việc “tự nguyện” thi giáo viên giỏi.

Mệt và tốn kém

Thực hiện Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, các sở GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhằm cung cấp thông tin cho các Sở nắm tình hình về năng lực đội ngũ.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức hội thi của một số đơn vị, địa phương đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực, gây bức xúc cho một bộ phận giáo viên và các nhà trường.

Để đảm bảo hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu quả, thiết thực, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản lưu ý, việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức.

Mặc dù trên lý thuyết là như vậy, tuy nhiên theo một số giáo viên, lãnh đạo nhà trường chả dại gì đi ép giáo viên dự thi. Thay vào đó, lãnh đạo gợi ý, nếu không đi thi thì trừ vào thi đua cuối năm. Vậy nên chả ai dám bỏ.

“Từ ngày vào ngành đến nay, tôi thấy hội thi chỉ là buổi biểu diễn văn nghệ, các cô trò đều là diễn viên. Tôi nghĩ nên có cách làm khác đi, nếu không các cuộc thi rất hình thức, mất thời gian và có nhiều tiêu cực”, một giáo viên cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, một giáo viên xin giấu tên cho hay, nếu không có sáng kiến, không dự thi thì không được giáo viên giỏi, không được danh hiệu chiến sĩ thi đua. Trong khi đó, cả năm phấn đấu chẳng nhẽ mất trắng. Thế nên giáo viên lại phải nghiến răng bỏ tiền mua dụng cụ rất tốn tiền, rồi bỏ thời gian dự thi. Từ việc viết sáng kiến kinh nghiệm, học thuộc các công văn, thông tư, những phương pháp, kỹ thuật dạy học, soạn thảo giáo án bằng máy tính… nhiều khi rất mỏi mệt.

Thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non ở Nghệ An
Thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non ở Nghệ An

“Lại cái kiểu “tự nguyện” thi như “tự nguyện” đóng tiền ở các trường học hiện nay. Bộ GD&ĐT quy định, không được dạy trước, không dạy mẫu, không được chuẩn bị trước hoặc không “gà” bài... Nhưng các trường sử dụng nhiều cách “tế nhị” hơn nhiều. Con tôi đi học về, cháu buồn rầu bảo, cô giáo chỉ cho một số bạn mặc áo dài để dự thi cùng cô thôi. Con thuộc bài, có giơ tay nhưng cô không gọi, chỉ gọi mấy bạn ấy”, phụ huynh Lê Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Ép thi để “giữ” chuẩn?

Theo quy chế, giáo viên đạt chuẩn là một trong những quy định để trường đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, ngoài việc có đủ giáo viên các bộ môn đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, trường đó phải có ít nhất 30% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên, có 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học.

Vì vậy, nhiều trường phấn đấu đạt chuẩn hoặc giữ chuẩn đều phải “ép” giáo viên tự nguyện đi thi để đạt đủ số lượng này.

Cô H., một giáo viên tiểu học ở Hà Tĩnh cho biết, hầu hết các giáo viên đều thấy bất cập trong việc thi giáo viên dạy giỏi và nộp sáng kiến bởi mất thời gian, tốn tiền và không thiết thực.

Chẳng hạn việc thi giáo viên dạy giỏi, nhiều người phải tự bỏ tiền mua và chở cả xe đồ dùng đến để thi rất tốn kém. Trong khi đó, ngày dạy bình thường, nhà trường thiếu đồ dùng dạy học.

Thứ hai là việc yêu cầu nộp sáng kiến, năm nào giáo viên cũng nộp nhưng cứ nộp vậy thôi vì áp dụng không được bao nhiêu.

“ Không phải chỉ địa phương chúng tôi mà tôi nghĩ giáo viên cả nước, mỗi khi thi, một tiết dạy như thế phải tập đi tập lại rất nhiều lần. Giáo viên phải “khoanh vùng” trước cho học sinh để tránh “cháy giáo án”… Phần lớn của việc “ép” giáo viên tự nguyện thi là vì thành tích của nhà trường nên không ai dám thoái thác”, cô H. cho biết.

Thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non ở Ninh Bình
Thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non ở Ninh Bình

Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cũng cho hay, ở một góc độ nào đó, việc thi giáo viên giỏi đúng có nhiều điều rất khó nói. Bản thân cô cũng nghe nhiều đồng nghiệp chia sẻ nhức nhối về những bất cập này.

Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu, có 30 năm hoạt động giáo dục, cô cũng phải động viên anh chị em cố gắng tham gia và nỗ lực hết sức mặc dù biết anh em rất thiệt thòi và vất vả.

“Trường tôi không ép giáo viên đi thi vì "chuẩn" trường quốc gia. Giáo viên ở đây có nhiều người đi thi cũng khá hào hứng. Và thật may, phần nhiều họ cố gắng vì niềm đam mê chứ không quan trọng đoạt giải gì. Tuy nhiên, về mặt ghi nhận, tôi thấy có nhiều giáo viên dạy giỏi nhưng do họ không ở ngôi trường lâu năm nên khá thiệt thòi.

Vì vậy, tôi mong việc tổ chức thi và công nhận giáo viên những năm tiếp theo sẽ công bằng, không nên cố hữu chỉ ưu tiên cho những trường lâu năm hoặc có bề dày”, cô Ngọc chia sẻ.

Còn theo cô H., nhiều người rất muốn bỏ nhưng không ai dám không thi. Nếu tiếp tục thi thế này, cô mong Bộ GD&ĐT quản lý được những bất cập trên để việc thi giáo viên giỏi thực sự mang ý nghĩa mục đích mà ban đầu đưa ra

Mỹ Hà

(Email: myha@dantri.com.vn)