Câu chuyện giáo dục:
Thầy giáo và lời gợi ý cho trò đi học thêm
(Dân trí) - Trong buổi nói chuyện với thầy giáo đang dạy con mình, ông bố đã nghe lời “gợi ý” một cách thẳng thừng: “Hè này anh nên cho cháu đi học thêm, tôi dạy. Không thì phí lắm!”...
Đó là lời gợi ý, đề nghị của thầy giáo đang dạy con trai anh Phạm Phúc Thịnh, một phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM vào mùa hè 2015. Khi đó anh Thịnh cũng đành ậm ừ, dạ thưa và để về hỏi ý kiến con.
Rồi thấy con ngày hè chủ yếu chơi rồi ngủ, ông bố thấy cũng phí thật nên động viên con đến lớp của thầy học thêm.
Chỉ một thời gian được thầy kèm cặp, chỉ dẫn cách vừa học vừa chơi không hề căng thẳng, con trai anh từ một học sinh không nổi bật đã thay đổi không ngờ. Cháu trở nên yêu thích môn Vật lý một cách tự nguyện chứ không phải là kiểu “ép” phải học như trước.
Với sự hỗ trợ của thầy và nỗ lực của chính cháu, con trai anh Thịnh đạt được kết quả học tập giúp cháu tự hào. Đạt giải nhất học sinh giỏi lớp 9, đỗ vào hai trường chuyên đình đám nhất của thành phố như mong muốn và lựa chọn của bản thân.
Điều anh Thịnh và gia đình vui mừng từ việc học thêm của con không phải những con số, những kết quả cháu đạt được mà nhìn thấy ở cháu sự tự tin vào bản thân.
Nếu câu chuyện chỉ dừng ở lời “gợi ý” của ông thầy, ông bố bày tỏ có thể người thầy đã bị gắn mác là “thầy tiêu cực” và có thể bị kỷ luật, bị dư luận lên án.
Còn gia đình người trong cuộc dành cho thầy sự quý trọng lẫn biết ơn đã giúp con trai vượt lên chính mình. Khoản “thù lao” của những giờ học thêm nào có gì ngoài những chầu cà phê sáng với phụ huynh. Chưa kể lâu lâu thầy còn móc tiền túi dẫn học trò đi ăn uống để động viên tinh thần các em.
Thầy dạy thu tiền hay không đâu còn quan trọng. Quan trọng nhất là giá trị thầy mang lại từ chính công việc của mình và giá trị mà đứa trẻ nhận được.
Với chính trường hợp mình trải qua, con trai đến lớp học thêm từ lời “gợi ý” của thầy làm anh Thịnh cứ lăn tăn mãi trước chủ trương của TPHCM theo đó giáo viên không được phép dạy thêm cho học sinh đang học chính khóa trong bất cứ trường hợp nào.
Về góc độ học tập, chắc chắn không ai hiểu khả năng, tố chất học trò bằng chính người thầy trên lớp. Rồi ở vị trí người học, các em hoàn toàn có quyền tìm thầy, chọn thầy để theo học.
Có một ông thầy tốt ở ngay cạnh nhưng các em không được phép học mà phải theo học những người mà các em không biết năng lực, phẩm chất của họ như thế nào? Chẳng khác nào bắt các em lấy thân ra thử khi tước đi quyền tự do học tập của con trẻ.
Theo anh Phạm Phúc Thịnh, dường như lệnh cấm dạy học thêm mà TPHCM đang theo đuổi được thực hiện trên cơ sở “tưởng tượng”, suy diễn về tiêu cực đã vô tình đánh đồng tất cả nhà giáo. Thành ra cấm đúng nghĩa không quản được thì cấm đến dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, phản ứng.
Trong khi đó, việc học thêm và cả dạy thêm suy cho cùng là quyền tự quyết của mỗi người.
Lê Đăng Đạt