Thanh Hóa:
Thầy giáo đưa nữ sinh đi hát karaoke bị đề nghị luân chuyển vì đấu tranh?
(Dân trí) - Phía đại diện Hội cha mẹ học sinh, nhà trường cũng như chính quyền xã Bình Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho rằng, thầy phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Sơn đưa học sinh đi hát karaoke là không đúng và còn gây mất đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, liệu phía sau câu chuyện này còn có liên quan đến những tồn tại, bất cập ở đơn vị này?
Thầy giáo đi hát karaoke cùng các em nữ sinh là vì lời hứa
Theo như phản ánh của phụ huynh và nhà trường, vào ngày 19/11/2014, thầy Nguyễn Thế Sơn - Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Sơn đã đưa 6 học sinh nữ đi hát karaoke và không báo cáo nhà trường, gây mất niềm tin và khiến phụ huynh bức xúc.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Thế Sơn để dư luận có cách nhìn đa chiều hơn về sự việc cũng như những nguyên nhân dẫn đến phụ huynh, nhà trường và việc chính quyền địa phương có công văn đề nghị luân chuyển thầy giáo này đến địa phương khác.
Thầy Sơn cho biết: “Tôi về đây theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện. Khi về đây tôi chỉ có một nguyện vọng nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, vì trường đây là yếu nhất, đội tuyển học sinh giỏi luôn luôn đội sổ. Lên đây tôi mới thấy các em học sinh rất ngoan, nhưng chất lượng học lại rất yếu. Về việc thi học sinh giỏi, sau khi bàn với giáo viên, nếu ở trường mà chọn môn Toán và Văn thì không thể chọi với học sinh các địa phương khác, vậy thì mình chọn môn Sử và môn Giáo dục công dân, trong đó tôi trực tiếp bồi dưỡng môn Sử”.
Theo thầy Sơn, năm 2014, trước khi vào thi học sinh giỏi Sử, thầy có động viên học sinh, nếu các em được giải cao thì sẽ tổ chức liên hoan. Được biết, đợt thi này, Trường THCS Bình Sơn có 3 em đạt giải học sinh giỏi huyện, trong đó có 2 giải Ba và một giải Khuyến khích. Kết quả này đã đưa trường THCS Bình Sơn từ thứ vị trí thứ 37 xuống thứ 29, tăng 8 bậc về thành tích thi học sinh giỏi.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2014, trước lời đề nghị của học sinh sau khi thi được giải nên thầy Sơn đã đồng ý đưa các em đi liên hoan. “Tôi nghĩ mình đã hứa với trò, không thể không tổ chức được, tôi đồng ý, sau đó tôi có trao đổi với một số giáo viên đi liên hoan cùng”, thầy Sơn nói.
Được biết, trong số những học sinh đi liên hoan, có cả các em trong đội tuyển thi học sinh giỏi và các em trong đội văn nghệ của trường. Mặc dù thầy Sơn cũng có trao đổi và mời thêm một số giáo viên khác trong trường đi, tuy nhiên, thời điểm đó, không có giáo viên nào trong trường đi nên thầy Sơn có rủ một thầy giáo ở trường khác đi cùng.
“Thầy trò xuống ngồi ăn uống bình thường, chỗ đấy ngay quán karaoke, học trò có hát mấy bài, sau đó chúng tôi về. Trên đường về, có nhiều giáo viên và cả học sinh cũ của mình gọi điện đến chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Học trò cứ bảo thầy lắm việc, nhưng tôi bảo thầy đưa các em về đã. Về đến chân dốc Bồn Chồn (cách trung tâm xã Bình Sơn khoảng 4km), học trò có nói thôi để bọn em đi về cũng được, không để các thầy, các cô đợi. Trách nhiệm với học trò sơ sểnh một chút thôi là sẽ mất niềm tin. Tôi nghĩ mình không nên có việc làm gì đó mà làm mất uy tín đối với học trò”, thầy Sơn phân trần.
Em Lê Thị Thơ, hiện là học sinh lớp 11, Trường THPT Triệu Sơn 3 - một trong 6 nữ sinh đi hát karaoke tại thời điểm nêu trên, chia sẻ: “Trong quá trình học ôn với thầy Sơn, thầy có nói nếu như các em đi thi về mà được giải cao thì thầy cho các em đi liên hoan, cũng giống như là động viên tinh thần cho bọn em học. Sau khi biết giải, vào ngày 19/11, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam được nghỉ học, nên thầy cho các em đi liên hoan một hôm”.
“Hôm đó, hơn 4 giờ chiều là bọn em về đến nhà, trên đường về thấy thầy Sơn có rất nhiều người gọi đến chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Về đến chân dốc Bồn Chồn, bọn em có thống nhất là thông cảm cho thầy, để thầy quay xe về vì thầy có nhiều người gọi đến. Trong khi đó gặp các bác với các chú đi ăn đám nhà mới về cũng có xe nên bọn em đi về với các bác luôn”, Thơ giải thích thêm.
“Thầy Sơn cũng giống các thầy cô giáo khác, ai cũng muốn học sinh của mình học tốt và thành người có ích trong xã hội. Trong quá trình dạy, không phải thầy dạy chúng em chữ mà còn dạy chúng em cách sống, cách làm người, phải nói là thầy tuyệt vời”, Thơ nhận xét.
Nhiều lần trao đổi, góp ý về những tồn tại của trường
Thầy Sơn cho biết, sau khi về công tác tại Trường THCS Bình Sơn, thấy nhiều tồn tại của nhà trường, thầy đã nhiều lần trao đổi, góp ý cùng lãnh đạo nhà trường về những tồn tại của đơn vị này. Trong đó có việc nhà trường không cấp tiền vở cho học sinh; việc cho giáo viên nghỉ bừa bãi, có những người nghỉ 9 tháng vẫn hưởng nguyên lương. Bên cạnh đó là thu tiền điện, thanh tra huyện Triệu Sơn đã kiểm tra và yêu cầu nhà trường trả lại 40 triệu đồng, nộp vào kho bạc.
Có lẽ cũng vì vấn đề đó, nên vào đầu năm học 2016-2017, hàng trăm học sinh Trường THCS Bình Sơn đã phải học trong điều kiện thiếu điện chiếu sáng và quạt mát vì nhà trường cho rằng không đủ kinh phí nên phải “tiết kiệm”. Tình trạng điện phập phù khiến nhiều phụ huynh có con em theo học tại trường bức xúc.
“Tôi có hỏi lý do tại sao cắt, hiệu trưởng bảo không có tiền. Tiền điện là người ta đã cấp trong nghiệp vụ dạy và học của nhà trường rồi. Nhân vật trung tâm của nhà trường là học sinh, chứ không phải ai cả, mà nhà nước đã cấp tiền để phục vụ học sinh thì mình phải cấp điện cho các em học”.
Thầy Sơn cho biết, nhà trường cắt điện của học sinh nhưng lại chi tiền ngân sách cho phụ cấp trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch Công đoàn, Thanh tra nhân dân và Bí thư chi bộ nhà trường sai nguyên tắc. Trong khi đó, những khoản tiền này đã có nguồn ngân sách cấp và có các quy định rồi.
“Tôi có nói nếu không thực hiện tôi báo cáo Chủ tịch huyện, tôi nói trong hội nghị sau đó làm ngay và đề nghị cho kiểm tra thu lại để trả vào tiền điện để học sinh được sử dụng điện. Tôi nói trong hội nghị chứ không nói ngoài. Theo quy định, đối với các khoản thu xã hội hóa giáo dục là phải làm dự toán trình với Phòng Giáo dục và sau đó được Chủ tịch UBND huyện đồng ý thì mới được thu. Tuy nhiên, Trường THCS Bình Sơn không trình lên huyện”.
“Tôi yêu cầu tất cả mọi hoạt động của nhà trường phải công khai, minh bạch từ kế hoạch của nhà trường, gồm tổng thể tất cả chuyên môn dạy học, công tác tài chính đều phải thông báo hết. Cứ bảo ông Sơn lên đây gây mất đoàn kết, tôi nói trong hội nghị chứ tôi không nói ngoài, tôi có xúc xiểm, có lôi kéo các thứ đâu? Đó là quy luật đấu tranh, đấu tranh để tìm ra hướng đi mới, cái đúng, thế cho đó là mâu thuẫn, gây mất đoàn kết nội bộ sao? Đấu tranh là để đi đến thống nhất, nhưng vì không thống nhất nên tôi mới đề nghị kiểm tra”.
“Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là phải liêm chính, phải minh bạch, công khai, phải đảm bảo dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tại sao chúng ta không thực hiện cái đó. Phải dựa vào dân, như ở đây phải dựa vào Hội đồng Sư phạm mới làm được, một khi anh làm không được ủng hộ thì sẽ không giải quyết được. Nếu có sự đồng thuận thì nó là cái gậy cho mình nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Sơn nói.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên đến bạn đọc.
Duy Tuyên