Tăng cường giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh

(Dân trí) - Thực tế ở Việt Nam cho thấy, thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để nó không trở thành thảm họa là điều chúng ta có thể làm được. Xuất phát từ đó, Bộ GD&ĐT đã tăng cường giáo dục tới các em học sinh để các em có thể có những kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội.

Ngày 14/5/2018, tại trường Tiểu học Phú Cường (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt nam – ngày 22/5/1946-22/5/2018” với chủ đề “Trường học an toàn trước thiên tai”.

Đây là hoạt động do Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phối hợp với Unicef tại Việt Nam tổ chức, cùng với hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Hòa Bình, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.


Học sinh Trường Tiểu học Phú Cường đặt câu hỏi với Ban tổ chức về phòng chống thiên tai

Học sinh Trường Tiểu học Phú Cường đặt câu hỏi với Ban tổ chức về phòng chống thiên tai

Việt Nam là một trong những quốc gia bị nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai là rất nghiêm trọng và không thể lường hết được. Nhiệt độ tăng, hạn hán cục bộ ở các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; Bão, lũ gây ngập úng nhiều làng mạc ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Mực nước biển dâng gây nhiễm mặn, triều cường thường xuyên từ 5 đến 7 ngày ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lũ quét, lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp nhiều nhà cửa, đường xá, cầu cống, trường học ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình và đặc biệt trường Tiểu học Phú Cường cũng đã phải hứng chịu.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT cho biết, thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để hiểm họa đó không trở thành thảm họa là điều mà chúng ta có thể làm được. Chính vì vậy, việc nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh trong các trường học, trong đó đối với khu vực nguy hiểm thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt cần được ưu tiên".


Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT

Ông Linh cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi địa phương là khác nhau, nhiều nơi còn rất khó khăn, nhưng nếu được trang bị kiến thức, kĩ năng về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai để chủ động vận dụng sáng tạo thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

"Chiến dịch truyền thông “Xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai” qua hệ thống giáo dục và huy động sự tham gia của học sinh trong nhà trường với các hoạt động truyền thông sáng tạo đóng vai trò cốt lõi trong chiến dịch này".

Theo đó, các em học sinh là tác nhân tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng nơi các em sinh sống theo những cách thức hiệu quả…

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký, ban hành Chương trình phối hợp công tác số 3485 ngày 08/5/2018 “Về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2023”.

Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đề nghị các sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam” tại các trường phổ thông dưới hình thức lồng ghép vào buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần từ ngày 14/5 đến ngày 18/5/2018.

Thông điệp của ngành Giáo dục trong giai đoạn 2018-2023 đó là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành giáo dục và của toàn xã hội.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm