Đà Nẵng:
Tâm sự của nữ sinh tài năng múa “Gạc Ma trong tim ta”
(Dân trí) - “Cũng bằng tuổi mình bây giờ, còn rất trẻ, các chiến sĩ ngày ấy đã sống và đấu tranh anh dũng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩ về điều đó, em càng thấy quý tuổi trẻ mình được sống trong hòa bình, càng muốn những năm tháng tuổi trẻ của mình sống có ý nghĩa hơn”.
Đó là chia sẻ của Phạm Thị Sao Mai - sinh viên khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Đà Nẵng - nữ sinh từng đoạt giải “Miss Tài năng” ở Hội thi Sinh viên Tài năng thanh lịch ĐH Đà Nẵng năm 2015 với tiết mục múa “Gạc Ma trong tim ta”
Được biết, không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật khi là một “cây văn nghệ” hoạt động công tác xã hội, phong trào Đoàn năng nổ ở ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Sao Mai từng là học sinh trường chuyên Quốc học Huế, là sinh viên đạt học lực giỏi. “Miss Tài năng” của toàn ĐH Đà Nẵng hiện đang đang hoàn tất hồ sơ kết nạp Đảng.
Nói về tiết mục múa của mình, Sao Mai chia sẻ, tiết mục được biểu diễn ngay đúng ngày tưởng niệm trận hải chiến Gạc Ma 1988 nên đã được đặt tên như thế - “Gạc Ma trong tim ta”. Song với nữ sinh tài năng thanh lịch của ĐH Đà Nẵng, từ tiết mục múa của mình, Mai muốn chuyển tải thông điệp về những vất vả, hy sinh và cả sự kiên cường của những người phụ nữ (người mẹ, người vợ, người yêu...) phía sau những người lính đã sống và chiến đấu anh dũng để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn bình yên cho Tổ quốc.
Mai nói: “Bố em cũng công tác trong quân đội. Em tự hào về bố. Công việc của bố khiến em rất trân trọng khi tuổi trẻ của em được sống trong hòa bình. Em cũng hiểu sâu sắc những vất vả lặng thầm của mẹ. Bố đi công tác biền biệt, có khi hàng tháng trời mới về rồi lại đi. Mẹ ở nhà vừa đi dạy học vừa chăm lo cho em và em trai. Từ nhỏ lớn lên em đã nhìn thấy mẹ vất vả không biết kể làm sao cho hết. Đây cũng không phải câu chuyện của riêng gia đình em, mà ngay ở nơi em sinh ra - Quảng Trị - cũng có nhiều gia đình quân nhân như thế”.
Cho nên, trong những bài báo về những liệt sĩ đã hy sinh trong tận Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, Mai chia sẻ rằng đã rất xúc động khi đọc bài báo về bức thư cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, quê ở Thái Bình, gửi về cho mẹ. Bức thư viết chỉ một tuần trước ngày anh hy sinh.
Trong thư viết: “Lời đầu thư con kính chúc toàn thể gia đình luôn luôn mạnh khỏe, sản xuất tốt thu nhiều thắng lợi, qua thư con gửi lời kính chúc sức khỏe tới toàn thể họ hàng thân thích gần xa trong gia đình... gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về, bao giờ con về sẽ về thôi...”.
Qua bài báo, nghe lời kể của mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Phương quê ở Thái Bình, rằng khi nghe đài báo tên con trong những chiến sĩ mất tích sau trận Hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, bà đã ngơ ngẩn ngồi lặng yên một góc lén giấu đi những giọt nước mắt trào ra, Sao Mai đã rất xúc động. Mới một tuần trước, con của mẹ còn viết thư gửi về quê nhà. Vậy mà...
Nghĩ về những chiến sĩ hải quân ngày ấy đã anh dũng sống và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, Sao Mai đã nghĩ rằng: “Cũng bằng tuổi mình bây giờ, còn rất trẻ, các chiến sĩ ngày ấy đã sống và đấu tranh anh dũng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩ về điều đó, em càng thấy quý tuổi trẻ mình được sống trong hòa bình, càng muốn những năm tháng tuổi trẻ của mình sống có lý tưởng, sống ý nghĩa hơn”.
Khánh Hiền