Sử dụng Facebook hàng ngày sẽ bị “tụt hạng” trong các môn toán, đọc và khoa học
(Dân trí) - Theo nghiên cứu mới của trường ĐH RMIT (Australia), những thanh thiếu niên thường hay chơi các trò chơi điện tử trên mạng (online video game) có khuynh hướng đạt được tiến bộ trong kết quả học tập. Nhưng những học sinh nào thường hay vào các những trang mạng xã hội và Facebook hàng ngày sẽ bị “tụt hạng” trong các môn toán, đọc và khoa học.
Chơi game online có thể cải thiện kỹ năng các môn toán, khoa học và đọc nhưng mạng xã hội lại làm giảm kết quả học tập đối với tuổi teen- theo kết quả nghiên cứu mới của trường ĐH RMIT (Australia).
Bài nghiên cứu có tiêu đề “Thói quen sử dụng mạng và kết quả trong học tập của các học sinh 15 tuổi người Úc” đã được phát hành trên tờ tạp chí quốc tế về Truyền thông (International Journal of Communication).
Theo nghiên cứu này, những thanh thiếu niên thường hay chơi các trò chơi điện tử trên mạng (online video game) có khuynh hướng đạt được tiến bộ trong kết quả học tập. Nhưng những học sinh nào thường hay vào các những trang mạng xã hội và Facebook hàng ngày sẽ bị “tụt hạng” trong các môn toán, đọc và khoa học.
Phó giáo sư Alberto Posso (thuộc trường Kinh tế, tài chính và thương mại của ĐH RMIT) đã nghiên cứu từ những kết quả được thực hiện bởi Chương trình đánh giá PISA. PISA đã kiểm tra hơn 12.000 học sinh trong độ tuổi 15 của Australia về môn toán, đọc và khoa học đồng thời với việc thu thập những dữ liệu liên quan đến các hoạt động trên mạng của những học sinh này.
PGS Alberto Posso cho rằng chơi game có thể giúp các học sinh áp dụng vào thực tiễn và rèn luyện những kỹ năng đã được học ở trường.“Những học sinh chơi game trên mạng hàng ngày có số điểm môn toán cao hơn 15 điểm và cao hơn 17 điểm ở môn khoa học so với mức điểm trung bình chung”- PGS Posso phân tích - “Khi bạn chơi game trên mạng, bạn cần phải tìm ra lời giải cho những câu đố để có thể thăng cấp và việc đó bao gồm việc sử dụng những kiến thức thông thường, một số kỹ năng trong môn toán, đọc và khoa học mà bạn đã được dạy. Các giáo viên nên suy nghĩ về việc áp dụng những trò chơi được ưa thích vào việc giảng dạy. Tất nhiên đó phải là những trò chơi không bạo lực.”
Kết quả nghiên cứu cho thấy những học sinh thường xuyên sử dụng Facebook hoặc trò chuyện trên mạng hằng ngày có điểm số môn toán kém hơn những học sinh không sử dụng các ứng dụng này đến 20 điểm.
“Những học sinh thường xuyên sử dụng những ứng dụng mạng xã hội sẽ bị mất thời gian đáng lẽ dành cho việc học. Các giáo viên có thể sẽ muốn tìm kiếm cách sử dụng Facebook vào giảng dạy trên lớp như một cách giúp học sinh quan tâm đến việc học hành hơn”.
Tuy nhiên, ông Posso cũng lưu ý rằng còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của tuổi teen như là trốn học, đúp lớp… Những yếu tố này có thể còn ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh hơn là mạng xã hội.
Hà Lê (Theo ScienceDaily)