“Sống ảo trên Facebook” vào đề thi Ngữ Văn Trường chuyên Sư phạm

(Dân trí) - Trưa ngày 3/6, học sinh thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (thời gian 120 phút). Câu 2 hỏi về việc giới trẻ mê Facebook, sa vào đời sống ảo đã tạo hứng thú cho học sinh.

Đề thi gồm 3 câu, học sinh phải thực hiện các yêu cầu: Phân tích giá trị biện pháp tu từ, Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đặc biệt, việc giới trẻ mê Facebook, sa vào đời sống ảo đã được đưa vào câu 2 của đề thi.

Đề bài của câu 2 như sau: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực. Em hãy viết đoạn văn diễn dịch khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau đây: "Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí là người lạ, trong khi vô tình với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân).

Ngay sau khi đưa đề thi lên fanpage của nhà trường, đề thi đã thu hút hàng nghìn lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ. Nhiều học sinh cho biết, đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái bởi không có nhiều câu hỏi nhỏ xíu, kiểu đánh đố học sinh. Bạn Hồng Hạnh cho biết, đề thi khá cơ bản, chỉ cần ôn kĩ là làm được. Đặc biệt câu hỏi liên quan đến Facebook - mạng xã hội đang thu hút hàng triệu giới trẻ khiến các em rất hào hứng.

Đề thi Ngữ Văn trường THPT chuyên Sư phạm (Hà Nội) năm 2016
Đề thi Ngữ Văn trường THPT chuyên Sư phạm (Hà Nội) năm 2016

Quỳnh Nga, một học sinh của trường cũng cho rằng đề thi phát huy được năng lực cảm thụ để phân loại được năng lực học sinh. “Em viết một mạch ngay sau khi cầm đề thi. Em làm sang đến tờ thứ ba nhưng không biết được mấy điểm”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay không chỉ giới trẻ “sống ảo” trên Facebook mà cả người lớn. “Cứ phải dối lòng mình, chê trách những điều mà mình yêu thích. Đến giáo viên còn không bỏ được thói quen chơi facebook nữa là học sinh”, bạn Nga nhận xét.

Một giáo viên Ngữ Văn của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, với câu 2, bàn về lối sống ảo, học sinh cần bàn luận được tác hại của lối sống ảo như càng nhiều bạn ảo càng cô đơn, mối quan hệ trong thế giới ảo có thể làm rạn nứt quan hệ trong đời thực, gây nên thói vô cảm trước các vấn đề cuộc sống. Từ đó, học sinh rút ra được bài học cho bản thân: Ngừng sống ảo, quan tâm và yêu thương những người xung quanh như cha mẹ bạn bè.

Chia sẻ với PV Dân trí, giáo viên luyện thi môn Ngữ Văn, thầy Phạm Hữu Cường (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, nếu đánh giá tổng thể thì đây là một đề thi khá cơ bản, khó phân loại học sinh- nhất là đối với một trường như THPT chuyên của ĐH Sư phạm.

Ở câu 1 về “tìm biện pháp tu từ và giá trị biểu đạt trong một số đoạn trích” là câu hỏi tương đối hay, hơi khó với học sinh. Câu hỏi này có khả năng phân loại học sinh.

Câu 2, câu nghị luận xã hội liên quan đến Facebook, đây cũng là một câu hỏi khá hay và có ý nghĩa.

Riêng câu 3, đề thi yêu cầu phân tích bài thơ “Sang thu” (6 điểm) là câu hỏi…quá cơ bản, chỉ có tính chất kiểm tra kiến thức, không đánh thức được suy nghĩ riêng của học sinh nên không có khả năng phân loại học sinh bởi hầu hết học sinh nếu học bài đều có thể phân tích tốt được bài thơ này.

Ở câu hỏi này, hoàn toàn có thể hỏi theo cách khác để kích thích được cảm nhận và khả năng sáng tạo của học sinh, giúp cho đề Văn này hay hơn.

Nhìn chung, đề thi đã đề cập một chút đến cách ứng xử và tình cảm của bạn trẻ hiện nay nhưng chưa thực sự có ý nghĩa xã hội hoặc động đến nhiều vấn đề lớn trong xã hội.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)