Sinh viên thừa nhận rất "lơ mơ" trong việc học đại học

(Dân trí) - So sánh với năng lực học tập THPT, có 59,5% sinh viên cho rằng khả năng học tập đại học không bằng so với THPT và kết quả học tập kém đi, lý do chính là tâm lý buông thả sau khi đỗ đại học.

Buông thả việc học sau khi đỗ đại học

Thạc sĩ Vũ Thị Thùy Linh trường ĐH Thương Mại vừa có khảo sát thực trạng học tập tự chủ của sinh viên đại học. Theo đó, tác giả đã phỏng vấn chuyên sâu 37 sinh viên trong đó có 32,4% sinh viên năm thứ 4; 16,2% sinh viên năm thứ 2 và 51,4% sinh viên năm thứ 3.

Theo kết quả khảo sát, 100% sinh viên đều cho rằng không biết về hệ thống đào tạo đại học theo tín chỉ trước khi nhập học; 95% sinh viên không nắm rõ quy chế, quyền hạn của sinh viên. Hầu hết sinh viên không nhận thức rõ quyền tự chủ trong việc học của mình mà chỉ tư duy đơn thuần là học đại học là "tự học nhiều hơn" vì không có sự giám sát của thầy cô, gia đình như THPT.

Khi hỏi về phương pháp tự chủ bao gồm các nội dung như tự học, tự tìm hiểu nội dung học phần, tự quyết định học phần, tự lên kế hoạch và chịu trách nhiệm với kết quả học tập của mình thì chỉ có 13,5% sinh viên chú ý và quan tâm thực hiện các hoạt động học tập tự chủ; 86,5% sinh viên nhận thấy đều có thực hiện tự chủ học tập nhưng không toàn diện đầy đủ các hoạt động và liên tục ở nhiều học phần.

Để tiếp thu bài học trên giảng đường, đòi hỏi sinh viên phải tìm hiểu học phần trước ở nhà, theo khảo sát, chỉ có 48,6% sinh viên thực hiện tìm hiểu trước, phần còn lại ít khi sinh viên làm việc này.

Theo Thạc sĩ Vũ Thị Thùy Linh, lý do chính là không có sức ép và mục đích của sinh viên chưa rõ ràng. Một lý do khiến áp lực học đại học sinh viên cho rằng thấp hơn là lượng công việc, bài tập giáo viên giao cho sinh viên chưa đủ lớn, đa phần là các học phần lý thuyết nên sinh viên không có áp lực, ý thức cao trong việc tự học theo quá trình. Bên cạnh đó, sự tương tác giữa giáo viên để hỗ trợ sinh viên tìm tòi, sáng tạo chưa thường xuyên, ít được thực hiện. Có đến 81% sinh viên khảo sát có nguyện vọng được lựa chọn giáo viên khi đăng ký học.

Khảo sát cũng đã so sánh năng lực học tập THPT, có đến 59,5% sinh viên cho rằng khả năng học tập đại học không bằng so với THPT và kết quả học tập kém đi.

Thạc sĩ Linh cho rằng, lý do chính là tâm lý buông thả sau khi đỗ đại học, thụ động, lười, ham chơi, môi trường sống thay đổi, không có sự nhắc nhở của bố mẹ, nhiều sinh viên dành thời gian cho đi làm thêm và phát triển kỹ năng khác. Ngoài ra, lớp học đông, bài học khó.

Thực tế cho thấy, phần lớn sinh viên đại học sống xa gia đình, tâm lý tự do và thể hiện bản thân tuổi trẻ cũng như mục đích học tập chưa rõ ràng khiến sinh viên chưa đề cao trách nhiệm với việc học tập của mình.

Một lý do nữa sinh viên cho rằng học cấp ba bị chạy theo "thành tích" nhiều hơn và đích đến rõ ràng là "đỗ" đại học, trong khi học đại học một số có mục đích không rõ ràng.

Tuy nhiên, bên cạnh 8,1% sinh viên cho rằng khả năng học tập không thay đổi thì có 32,4% các bạn sinh viên đạt kết quả học tập tốt hơn do có nhận thức, ý thức việc học của bản thân và động lực ra trường tuyển dụng việc làm tốt.

Thạc sĩ Linh cho rằng, số lượng sinh viên chủ động tiếp cận doanh nghiệp để học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cũng như đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế là rất ít. Công tác tự đào tạo các kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng mềm phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng chưa được sinh viên tìm hiểu và quan tâm đúng mực nên dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường bỡ ngỡ và khó khăn nhất định về việc làm.


Hầu hết sinh viên không nhận thức rõ quyền tự chủ trong việc học của mình mà chỉ tư duy đơn thuần là học đại học là tự học nhiều hơn (ảnh: minh họa)

Hầu hết sinh viên không nhận thức rõ quyền tự chủ trong việc học của mình mà chỉ tư duy đơn thuần là học đại học là "tự học nhiều hơn" (ảnh: minh họa)

Nhiều trường đại học chưa sẵn sằng đào tạo kỹ năng cho sinh viên

Thạc sĩ Nguyễn Duy Đạt cho rằng, các kỹ năng cần cho quá trình làm việc của lao động bậc cao được hình thành chủ yếu từ giáo dục đại học và đào tạo trong quá trình làm việc.

Trong khi các doanh nghiệp VN phần lớn đang ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực đang hạn chế cho đầu tư vào đào tạo tại doanh nghiệp thì các trường đại học dường như chưa sẵn sàng đào tạo đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho sinh viên.

Khảo sát của Ngân hàng thế giới (2014) cho thấy, các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chỉ là một phần của câu chuyện. Các kỹ năng quan trọng khác như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phê phán, kỹ năng giao tiếp chưa được chú trọng đúng mức ở cả người học và cơ sở đào tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Duy Đạt đã khảo sát nhanh tại 5 trường đại học đào tạo kinh tế trong cả nước là ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế - ĐH QGHN, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Vinh và ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trong các trường này chỉ có ĐH Kinh tế - ĐH QGHN thực hiện đào tạo kỹ năng cho sinh viên tập trung, có tổ chức, còn lại các trường hoạt động này không có tính tổ chức, không có tính chủ đích, không diễn ra thường xuyên. Một số trường thực hiện theo các tổ chức câu lạc bộ hay diễn ra tự phát thông qua hình thức yêu cầu sinh viên làm bài tập theo nhóm...

Thạc sĩ Đạt đề xuất, đào tạo kỹ năng cần trở thành các hoạt động độc lập. Trường đại học cần yêu cầu sinh viên đạt chứng chỉ kỹ năng khi ra trường. Trong đó, kỹ năng bắt buộc là kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo và phê pháp, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm. Cùng đó xây dựng nhóm kỹ năng khuyến khích là khả năng làm việc độc lập, kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng quản lý công việc.

Theo Thạc sĩ Đạt, hoạt động đào tạo kỹ năng không nên đưa vào chương trình đào tạo chính thức. Hoạt động đào tạo kỹ năng cần tách ra thành các hoạt động đào tạo ngoài chương trình đào tạo chuyên môn.

Song song đó cần xây dựng đội ngũ chuyên biệt đào tạo kỹ năng tại trường. Đồng thời gắn kết với nhu cầu kỹ năng của thị trường lao động bởi các cơ sở giáo dục và trường ĐH Việt Nam hiện nay thường đưa ra những chương trình học và đào tạo các sinh viên tốt nghiệp ra trường với những kỹ năng không phản ánh được đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động.

Ngày 28/3, trường ĐH Thương Mại đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề: "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm".

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tham luận, trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia quản lý giáo dục, các giảng viên, các nhà nghiên cứu về giáo dục đại học để đánh giá một cách tổng thể những kết quả đạt được và quan trọng hơn nữa là việc nhận diện các cơ hội, thách thức và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo đảm bảo sự phát triển bền vững của trương đại học trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nhật Hồng