Sai phạm thi ở Hòa Bình: Tinh vi và xảo quyệt hơn ở Hà Giang, Sơn La

(Dân trí) - Về sai phạm thi cử ở Hòa Bình mà Công an vừa khởi tố, trả lời báo chí sáng nay 3/8, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết: "Theo những thông tin sơ bộ ban đầu, tôi cho rằng sai phạm của Hòa Bình hết sức nghiêm trọng, thậm chí có những hành động tinh vi, xảo quyệt hơn".


PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT

Quyết tâm làm đến cùng sự thật

Thưa ông, chưa năm nào kì thi THPT quốc gia lại xuất hiện nhiều sai phạm như năm nay, với tư cách là tổ trưởng tổ kiểm tra đã có mặt ở các điểm nóng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ông có suy nghĩ gì?

Trước hết, tôi xin được chuyển lời cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới những người thầy cô giáo, người dân, các phóng viên, tới Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố… đã kịp thời phát hiện những sai phạm trong thi cử vừa qua. Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết làm đến cùng, đúng người đúng tội, lấy lại niềm tin và sự công bằng cho thí sinh. Tôi vô cùng bất bình và không dung túng cho các hành động sai phạm này.

Sai phạm đó cho thấy họ có ý đồ, có tổ chức đã vô hiệu hóa quy trình thi vốn rất nghiêm ngặt để thay đổi kết quả thi, làm mất tính công bằng của kỳ thi.

Khi nghĩ đến gần 1 triệu thí sinh, trong đó rất nhiều em đã nỗ lực cao nhất, đặc biệt các em đến phòng thi với tâm hồn trong sáng đã thúc giục chúng tôi phải làm tới cùng.

Điều này cũng là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, Bộ trưởng Bộ Công an đều chung ý chí chỉ đạo làm tới cùng để đảm bảo công bằng cho xã hội.

Sau Hà Giang và Sơn La thì nay Hòa Bình cũng đã được “điểm tên”, cơ quan công an đã khởi tố điều tra việc can thiệp điểm thi, xin ông cho biết cụ thể hơn về sai phạm thi tại Hòa Bình?

Cho tới thời điểm này tôi có thể nói rằng, tổ thẩm định của Bộ GD&ĐT chấm thẩm định của Hòa Bình và 1 số địa phương khác đã phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, đặc biệt trong quy trình chấm thi. Ngay lập tức, vào ngày 24-7, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an đề nghị Bộ Công an tiếp tục vào cuộc, đấu tranh và làm rõ các hành vi trái đạo đức nghề nghiệp này.

Qua đấu tranh và xác minh ban đầu cho thấy, đã có dấu hiệu sửa đổi phiếu trả lời thi trắc nghiệm nhằm tăng điểm cho thí sinh. Trên quan điểm làm việc nghiêm túc, nghiêm minh thì Bộ Công an sẽ sớm có kết quả cuối cùng, chúng tôi sẽ sớm thông báo két quả tới xã hội.

Thưa ông, có sự mâu thuẫn nào không, vì trước đó kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT đã khẳng định những bài thi từ 8 điểm trở lên không có dấu hiệu bất thường, kết quả trùng khớp 100% với điểm chấm ban đầu. Nhưng nay tại sao lại phát sinh câu chuyện có hành vi can thiệp điểm thi?

Tôi khẳng định ở đây không có mâu thuẫn ở kết luận. Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng với chức năng của Hội đồng chấm thẩm định thì tổ chấm thẩm định sẽ tiến hành chấm ở trên các bài thi. Bài thi của các em thế nào thì nó phản ánh khách quan trên thang điểm như vậy. Cho nên tổ chấm thẩm định đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng hiện nay lại phát hiện sai phạm bởi vì sự can thiệp này là can thiệp lên bài làm của thí sinh trước đó, chứ không phải trong khâu chấm thi, nên tổ thẩm định không phát hiện được là hết sức bình thường.

Tuy nhiên, thông qua việc rà soát, tổ chấm thẩm định cũng đã nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm trong quy trình chấm thi. Chính vì vậy Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ vụ việc, cho đến nay đã có những kết quả ban đầu.

Thưa ông, so với Hà Giang, Sơn La thì dấu hiệu can thiệp điểm thi ở Hòa Bình có điều gì khác biệt ?

Hiện nay tôi chưa có đầy đủ thông tin, vì vụ việc vẫn đang nằm trong phạm vi điều tra của Bộ Công an. Theo những thông tin sơ bộ ban đầu thì tôi cho rằng sai phạm của Hòa Bình hết sức nghiêm trọng và thậm chí là có những hành động tinh vi, xảo quyệt hơn.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT phân tích về gian lận thi là có ý đồ, có tổ chức.

Khi làm trưởng đoàn lên Hà Giang, Sơn La, cá nhân ông có bị áp lực gì không?

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Bộ trưởng hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đều có quyết tâm làm đến cùng sự việc, cho nên tôi không có áp lực, nhưng vất vả thì có. Bởi vì đằng sau tổ công tác của chúng tôi là đông đảo người dân, là hàng chục triệu học sinh, đặc biệt là 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này.

Có thể nói tuyệt đại đa số các em tham gia kỳ thi với sự nỗ lực cần cù tích lũy nhiều năm, và với một tâm hồn vô cùng trong sáng. Nghĩ về những điều đó, tôi không cảm thấy áp lực.

Ông nghĩ sao khi dư luận vẫn lo lắng, không biết Hòa Bình có phải là địa phương cuối cùng phát hiện ra gian lận hay không?

Quan điểm trước sau như một của Bộ GD - ĐT là không bao giờ dung túng, không bao che cho sai phạm, quan điểm có sai phạm là xử lý đến cùng, bất kể đó là địa phương nào, đối tượng nào gây ra, mang lại sự công bằng cho thí sinh.

Sẽ xử lý "lỗ hổng" trong thi trắc nghiệm

Thưa ông, trong quá trình rà soát và kiểm tra những điểm thi cao bất thường tại một số tỉnh, thì chắc hẳn Bộ GD-ĐT cũng đã nhận ra những điểm bất ổn và lỗ hổng trong quy trình tổ chức kì thi THPT quốc gia năm vừa qua?

Có thể nói, trong hành trình của 4 kì thi THPT quốc gia, qua mỗi năm chúng tôi đều tổng kết, nhìn nhận điểm được và chưa được trong khâu tổ chức kì thi. Từ năm 2017 cho thấy rất rõ, tổ chức thi như vậy là để hướng đến người dân và các thí sinh.

Các giải pháp kĩ thuật đã áp dụng trong việc thi trắc nghiệm, trong phòng thi, mỗi em có 1 bài thi với 1 mã đề riêng, đây là giải pháp giúp kì thi công bằng và khách quan hơn.

Tuy nhiên qua những sai phạm vừa rồi, Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn thấy những lỗ hổng mà tới đây sẽ phải xử lí nghiêm ngặt.

Thứ nhất, đề thi chưa thực sự rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu của kì thi THPT quốc gia.

Thứ hai, phần mềm chấm thi đã đạt yêu cầu cơ bản nhưng chắc chắn phải có khâu cải tiến hơn để bảo mật được tốt hơn nữa.

Thứ ba, việc giám sát, thanh tra của Bộ GD-ĐT đối với địa phương cần thực chất và sát sao hơn. Góp phần ngăn chặn các sai phạm có thể phát sinh thêm.

Có thể nói thi và chấm thi là một chuỗi các công đoạn chặt chẽ, ông nghĩ sao khi những địa phương cố tình bỏ qua những khâu quan trọng như vậy?

Những người sai phạm này đã có ý đồ từ trước, ở mức độ nào đó có thể gọi là có tổ chức để vô hiệu hóa quy trình. Lấy ví dụ, trong phòng chấm thi yêu cầu phải khóa bằng 2 khóa riêng biệt. Đồng thời, các khóa này phải được niêm phong ổ khóa và mỗi 1 cán bộ sẽ giữ 1 chìa khóa riêng. Khi mở cửa phòng sẽ có đủ 3 bên liên quan và 2 người cùng mở mới được.

Nhưng các địa phương vi phạm đã cố tình bỏ qua quy trình này thì rõ ràng làm vô hiệu quá độ chặt chẽ theo quy định. Đây là vấn đề về con người, trách nhiệm trực tiếp là của địa phương và Hội đồng thi.

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm

Thưa ông, đến nay dư luận vẫn không hiểu tại sao ở điểm thi Lạng Sơn có tới 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động được đặc cách thi chung 1 phòng mà không phải là thi chung với nhóm thí sinh tự do khác?

Tôi xin nói rõ hơn về Lạng Sơn, với đặc điểm của các thí sinh tự do, thì các thí sinh không thi trọn vẹn các môn thi trong tổ hợp trắc nghiệm. Đồng thời trong quy chế nói rõ, mỗi Sở GD-ĐT có thể dành một số lượng điểm thi nhất định để dành cho các thí sinh tự do. Các thí sinh tự do được thi ở những phòng khác nhau, sắp xếp tên theo bảng chữ cái.

Tôi khẳng định, 35 chiến sĩ ở Lạng Sơn không ngồi chung trong 1 phòng vì mỗi phòng chỉ được có 24 thí sinh. Chỉ có câu chuyện là 35 người này thi chung 1 điểm thi và được sắp xếp ở 10 phòng thi khác nhau. Như vậy việc sắp xếp phòng thi như vậy là đúng, không vi phạm quy chế thi.

Được biết, tỉnh Hà Giang đã điều tra rõ các tin nhắn mua điểm và nhiều người có hành vi mua điểm đã được điều tra. Vậy xin ông cho biết những người này sẽ được xử lí như thế nào?

Bộ GD-ĐT và Bộ Công an vẫn đang rất quyết liệt trong việc điều tra và xử lí các hành vi này. Cụ thể xác định đúng người, đúng tội để xử lí đúng sai phạm của các cá nhân. Hai Bộ sẽ làm đến cùng và tuyệt đối không có vùng cấm trong việc xử lí vấn đề này.

Chúng ta tổ chức kì thi THPT quốc gia đã được 4 năm, trong đó có 2 năm chúng ta giao quyền về cho các địa phương tổ chức. Vậy những cái được và cái mất, hạn chế được Bộ GD-ĐT nhìn nhận như thế nào?

Căn cứ vào Luật Giáo dục; Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành TƯ và Nghị quyết 44 của Chính Phủ về việc tổ chức thi THPT quốc gia. Chúng ta không quan niệm đây là kì thi tốt nghiệp THPT và cũng không phải là kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ.

Kỳ thi THPT quốc gia là thi để lấy kết quả, để đo lường chất lượng của học sinh sau 12 năm học tập. Kết quả này được Sở GD-ĐT sử dụng vào xét công nhận tốt nghiệp và các trường ĐH – CĐ có quyền lấy điểm để xét tuyển thí sinh.

Mục đích quan trọng hơn là thông qua các kết quả thi này các Sở GD-ĐT địa phương xét làm căn cứ điều chỉnh lại cách dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Chúng ta đặt học sinh là chủ thể của quá trình học tập và quá trình thi cử, rõ ràng là kì thi nhẹ nhàng hơn, giảm tốn kém rất nhiều, cho đến độ tin cậy cũng được nâng cao hơn.

Ngoài 1 số địa phương để xảy ra sai phạm thì có thể thấy tuyệt đại đa số các địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm túc kì thi, phản ánh khách quan kết quả dạy và học của địa phương.

Đồng thời các trường đại học top đầu yên tâm sử dụng kết quả thi để xét tuyển đầu vào. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh những lỗ hổng để kì thi năm 2019 và các năm tiếp theo hoàn thiện hơn.

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT nói về gian lận thi tại Hòa Bình và phương hướng thi trong năm tới.

Trách nhiệm lớn nhất thuộc về địa phương!

Chúng ta không thể phủ nhận ý nghĩa kì thi THPT quốc gia hiện nay nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên trả lại kì thi này cho địa phương, còn các trường đại học tự chủ tuyển sinh, ông nghĩ sao?

Những điều này nằm trong lộ trình đổi mới, hoàn thiện kì thi THPT quốc gia, với điều kiện hiện nay thì đây là phương thức phù hợp; còn trong tương lai sẽ có điều chỉnh nhưng vẫn tuân thủ Luật Giáo dục và tăng cường phân cấp cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục Đại học cũng ghi rõ, "các trường Đại học tự chủ trong tuyển sinh" và đây là trách nhiệm của các trường Đại học.

Thưa ông, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra giải pháp cụ thể nào để khắc phục hạn chế và sai phạm trong kì thi THPT quốc gia năm tới?

Trước tiên chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong kì thi này. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về địa phương tổ chức kì thi. Bộ GD-ĐT với chức trách là cơ quan quản lí Nhà nước cũng có một phần trách nhiệm. Nhưng cơ bản nhất vẫn là địa phương cần nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kì thi này.

Còn lại, về phía Bộ GD-ĐT sẽ ngay lập tức điều chỉnh trong năm 2019.

Thứ nhất, về đề thi, sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi phù hợp với mục đích yêu cầu của kì thi THPT quốc gia.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm để ngăn ngừa và phát hiện các nguy cơ lợi dụng để sai phạm.

Thứ ba, tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra giám sát của Bộ GD-ĐT.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (ghi)