Bạn đọc viết:
Phụ huynh băn khoăn về lời dặn của cô trước lúc học trò đi thi
(Dân trí) - Mới đây, đi học về con tôi hớn hở khoe cô đọc danh sách 5 bạn học giỏi nhất lớp trong đó có con. Mẹ chưa kịp mừng thì lại nghe con kể tiếp: Sau đó cô đọc danh sách các bạn học kém nhất lớp rồi căn dặn lúc thi thì những bạn học giỏi phải có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ những bạn học kém này.
Để thuận lợi cho việc đó, cô sắp xếp lại chỗ ngồi cho cả lớp. Cứ một bạn học giỏi thì sẽ ngồi cạnh một bạn học kém hơn. Không chỉ lớp con làm vậy, mà các lớp khác cũng như thế. Theo như lời cô nói thì năm nay là năm cuối cấp nên để bạn nào phải thi lại rất tội nghiệp.
Cách giải thích của cô nghe mới hợp tình hợp lý và nhân văn làm sao! Các trò nhỏ như con tôi thấy rất vui và rất oai vì mình được giúp bạn một việc thật quan trọng.
Còn những người lớn như tôi thì “dở khóc, dở cười” chẳng biết nói sao với con vì nhìn thấy một sự thật khác được ẩn giấu đằng sau đó. Đấy là căn bệnh thành tích đã ăn sâu vào máu ngành giáo dục. Lúc nào người dạy cũng chỉ nhăm nhăm nghĩ đến điểm số của những kì thi. Bỏ qua việc học hành trên lớp kém cỏi ra sao, miễn khi đi thi được điểm cao là ổn, để cô không bị mang tiếng với phụ huynh là dạy chính, dạy thêm mãi mà học sinh chả khá lên được; không bị ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đánh giá về chuyên môn, rồi không bị lỗi làm ảnh hưởng đến những chỉ tiêu đẹp đẽ mà trên đưa xuống…
Cô dạy trò cách giúp bạn như thế chẳng phải sẽ dẫn đến những hệ lụy khác sao?
Thứ nhất là hại học sinh. Em nào học giỏi thì bò ra học, còn em học kém thì ung dung vì đã có bạn đỡ rồi. Năm này qua năm khác truyền tai nhau, lũ trẻ có sức học hành làng nhàng sẽ chẳng cần cố gắng làm gì cho mệt, vì thế đã kém lại càng kém. Điều đó cũng giải thích cho hiện tượng nhiều em đọc chưa thông viết chưa thạo mà cứ lên lớp đều đều.
Thứ hai là hại những người đồng nghiệp sau này vì phải dạy những học sinh chả biết gì, ngồi nhầm lớp và thông thường là chúng sẽ phá lớp bằng những trò nghịch ngợm vô ý thức của mình.
Thứ ba là hại chính bản thân mình. Cô cứ ra sức khản cổ dạy mà học trò chả buồn nghe vì nó không sợ bị đúp. Sau này lớn hơn, học ở những lớp cao hơn thì nó thách thức cô giáo bằng cách nộp giấy trắng, chẳng thèm làm bài.
Cuối cùng là hại cả nền giáo dục. Ai cũng tặc lưỡi cho qua, rồi người sau đổ lỗi cho người trước, người trước lại đổ lỗi cho người trước nữa. Sau đó, tất cả cùngđổ lỗi cho một chỉ tiêu chung chung, mơ hồ nào đó từ trên dội xuống, chẳng ai đủ dũng cảm để học sinh ở lại lớp và chẳng ai nghĩ là mình cũng góp phần gây ra những sai sót đó. Rốt cuộc, cả nền giáo dục chung gánh chịu búa rìu dư luận vì đào tạo ra một số những học sinh có học cũng như không, có thi cũng chỉ là đối phó cho xong.
Thời đi học của tôi, cách đây hai chục năm, bệnh thành tích mới chỉ manh nha, còn bây giờ thì lộ liễu, trắng trợn. Cô giáo công khai dặn học sinh giỏi cho học sinh dốt chép bài, công khai cho biết trước đề thi, về chỉ việc học thuộc trước rồi đến lớp chép vào. Điều đó chứng tỏ cô và trò luôn ở thế bị động, nơm nớp trước kiến thức, sợ phải học thật, thi thật.
Đến bao giờ thì những người làm giáo dục mới hiểu rằng điểm thi không phải là tất cả, học sinh có thể kém ở môn này nhưng lại giỏi ở môn khác? Dạy học làm sao để phát hiện và bồi dưỡng khả năng riêng của mỗi em, để chúng tự tin, hòa nhập, cống hiến cho xã hội mới là điều quan trọng nhất. Không cào bằng, không đánh giá toàn bộ năng lực cá nhân qua một vài môn học, đặc biệt không gieo rắc vào đầu học sinh tư tưởng học chỉ để qua được những kì thi.
Hà Đông
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!