Phải chăng học sinh sẽ được “cho ngọt cho bùi” nhiều hơn?

(Dân trí) - Vụ việc thầy hiệu trưởng xin lỗi em học sinh lớp 6 trước toàn trường vì hành động túm cổ áo và tát hai cái vào mặt học sinh vẫn đang để lại nhiều điều trăn trở trong lòng người.

Vẫn biết hành động đánh học sinh của một người thầy giáo và một nhà quản lí giáo dục là sai. Nhưng nếu kiên nhẫn xem xét tình huống và có cái nhìn bao dung hơn, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với hành động nóng nảy của thầy.

Một khu vực đang thi công, sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro. Một cái biển cấm và mọi lời nhắc nhở đều vô tác dụng. Người thầy còn có thể làm được gì để bảo vệ sự an toàn cho học sinh bằng hành động túm cổ áo và trong cơn nóng giận vì học trò chẳng biết nghe lời, thầy đã đánh em đó hai cái. Hai cái tát có thể làm em ấy sợ đến mức tè ra quần vẫn hơn là một vụ tai nạn nào đó xảy ra!

Vấn đề cốt yếu là thầy hoàn toàn không biết em ấy là một học sinh khuyết tật để có phương pháp giáo dục hợp tình hợp lí hơn. Và trong tình huống ấy, việc xử phạt của thầy là hợp lí, chỉ có điều cách xử phạt hơi nặng tay.

“Nhân vô thập toàn”. Không ai là không phạm sai lầm. Quan trọng là sai lầm ấy có xuất phát điểm từ đâu. Từ sự thù hằn, ghét bỏ học sinh hay từ tấm lòng muốn bảo vệ học trò tránh xa sự nguy hiểm? Từ những hành động bạo hành thể xác, tinh thần người học hay từ một phương pháp giáo dục của một người thầy nghiêm khắc? Và tôi vẫn nhận ra cái “tâm” trong con người đang chịu nhiều búa rìu dư luận ấy.

Ngay chiều hôm ấy, thầy hiệu trưởng đã trực tiếp đến nhà xin lỗi phụ huynh và em học sinh bị thầy tát. Trong cuộc họp 3 bên giữa chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình, một lần nữa thầy đã xin lỗi em và gia đình. Ấy vậy mà, gia đình vẫn yêu cầu thầy phải công khai trước học sinh toàn trường và rút kinh nghiệm. Cái sai của mình, thầy đã nhận ra. Lỗi của mình, thầy cũng đã xin.

Nhưng phụ huynh dồn ép đến tận cùng như thế sẽ được gì? Buộc thầy công khai xin lỗi như thế thì hình tượng người thầy trong mắt thế hệ trẻ còn lại là gì? Đó là còn chưa kể vô tình đã bắc một “nhịp cầu” cho những em học sinh vốn đã mang tư tưởng nổi loạn, quậy phá được dịp tung hô, cổ vũ thói lười học, cách hành xử xem thường người khác.

Và nguy hiểm hơn, nó còn tạo tiền đề cho những vị phụ huynh khác luôn vốn coi con mình là vàng, là ngọc. Chưa cần biết sự tình, chỉ cần nghe con mình bị đánh, bị mắng là đã làm ầm lên, kiện cáo um xùm. Nhưng xin mọi người hãy nhớ rằng: “Ngọc bất trác, bất thành khí”. Một viên ngọc muốn sáng, đẹp, có giá trị thì cần phải có bàn tay mài dũa, đẽo gọt. Một con người muốn thành “nhân” thì phải có sự uốn nắn, giáo dục, thậm chí là nhiều trường hợp còn phải giáo dục một cách nghiêm khắc!

Sau vụ việc này, hẳn là rất nhiều người đã nhận ra cái khó của người thầy trong thời điểm hiện nay. Lên lớp dạy hết tiết rồi về thì cắn rứt lương tâm. Lơ là giáo dục học sinh thì bị trách móc là “thờ ơ”. Còn muốn “Thương cho roi cho vọt…” thì phụ huynh lại “nổi đóa”, kiện tụng…

Thử hỏi ai muốn trở thành tâm điểm báo chí để gánh lấy chỉ trích, dèm pha, ai muốn đối đầu với thưa gửi, kiện tụng vừa mất uy lại tai tiếng, ai muốn mất nghề, mất việc để một lòng một dạ, nghiêm khắc giáo dục học sinh? Hẳn là lâu nay rất nhiều giáo viên đã tự nhủ “Mặc kệ nó!” khi bất lực trong cách giáo dục học sinh bằng lời nói, tình thương để tránh xa bớt phiền phức. Và giờ đây, các thầy cô càng thấy thấm thía hơn với phương châm sống ấy?

Khi thầy cô dần thờ ơ với nhiệm vụ giáo dục tâm hồn thế hệ trẻ thì môi trường học đường sẽ ngày càng trở nên vô cảm mất thôi. “Cho ngọt, cho bùi” nhiều quá, đâu có tạo nên những con người có trí tuệ, giàu yêu thương, biết sẻ chia, luôn trân quí mọi thứ quanh mình!.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!