PGS.TS Quách Thị Cần: Bác sĩ cấp cứu như trọng tài trên sân cỏ

(Dân trí) - PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương đã ví như vậy vì khi cấp cứu bác sĩ phải quyết định nhanh để từng giây, từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân.


PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương

PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương

Giành giật từng phút cứu bệnh nhân

Không ít người nghĩ rằng, bệnh Tai - Mũi - Họng đơn giản như chỉ cắt amidan, viêm tai, đau họng, viêm họng... Tuy nhiên, không đơn giản như vậy, đối với những trường hợp cấp cứu của bệnh viện Tai - Mũi - Họng đòi hỏi bác sĩ phải xử lý thật nhanh vì sự nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân chỉ đứng sau sản khoa bởi liên quan đến đường thở của con người, sự sống tính bằng từng giây, từng phút.

Bác sĩ Quách Thị Cần nhớ lại một trường hợp cấp cứu, cách đây ít lâu, khi tôi đang mổ thì nghe tiếng thất thanh của đồng nghiệp: "Đề nghị các bác sĩ dừng tay ra cấp cứu". Theo phản xạ của người cấp cứu tôi chạy ra thì bệnh nhân tím đen người gần như ngừng thở, các bác sĩ đang rất khó khăn để đặt ống thở vào bệnh nhân.

Lúc đó, tôi không nghe thấy mọi người nói gì chỉ nhìn thấy ở cổ bệnh nhân có vết mổ, tôi sờ vào khí quản thì khí quản đã lệch đi rồi. Tôi đề nghị đưa dao và rạch tung vết mổ cũ ra, máu phọt lên... bác sĩ gây mê đã kịp thời đặt được ống khí quản và cứu được bệnh nhân, chậm 1 chút là bệnh nhân đã chết. Nhưng rồi bệnh nhân đã sống.

Có lẽ phản xạ xử lý lúc đó là bản năng, bản lĩnh của người bác sĩ chứ không có trong sách nào dạy.

"Thực sự bệnh nhân không biết tôi là ai. Đến bây giờ tôi cũng không biết anh ý là ai và chỉ đọng lại trong ký ức của tôi và đồng nghiệp đến bây giờ giây phút hoảng loạn đó" - bác sĩ Cần chia sẻ

Bác sĩ Cần ví rằng, bác sĩ cấp cứu như người trọng tài trên sân cỏ. Người trọng tài chỉ có vài chục giây để thổi còi xử lý tình huống thì chúng tôi cũng thế, chỉ có thời gian rất ngắn để đưa ra giải pháp xử lý tình huống kịp thời để cứu bệnh nhân. Những người trọng tài như thế thì càng có nhiều kinh nghiệm càng cứu được nhiều bệnh nhân.

Bác sĩ Cần là người nằm trong nhóm trọng tài như vậy.

Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị áp xe não nhưng nhiễm HIV là trường hợp đầu tiên cứu chữa mà bác sĩ Cần không bao giờ quên.

Thời điểm đó, bệnh HIV là bệnh mới ở Việt Nam nên nhiều người vẫn còn e ngoại. Với bệnh nhân bị HIV thì mổ ở các vùng khác không sao nhưng với mổ ở vùng tai thì phải khoan và khi khoan bụi xương tung lên rất nhiều, nếu như các trang bị không tốt, bụi xương lẫn máu bắn vào mắt thì nguy cơ lây nhiễm rất cao nên rất nhiều người ngại.

Lúc đó, với sự đam mê nghề nghiệp với nhiều năm kinh nghiêm trong nghề, bác sĩ Cần quyết định phải mổ cho bệnh nhân và xin với bệnh viện trang bị đầy đủ các trang thiết bị.... đó là ca đầu tiên nhiễm HIV mổ được triển khai tại bệnh viên Tai Mũi Họng.

"Tôi nghĩ rằng, mình là lãnh đạo khoa nếu mình không tiên phong làm thì không ai dám làm. Mình gương mẫu làm trước để các bác sĩ trẻ sau này bước tiếp không sợ, không ngại để cứu bệnh nhân HIV" - bác sĩ Cần chia sẻ. Từ đó, các bệnh nhân HIV cần được mổ sẽ được mổ như những bệnh nhân khác.

"Chính vì vậy, trong ngành y thỉnh thoảng có tai biến nọ, tai biến kia thì xin đừng trách móc ngành y quá nhiều. Bởi vì, hãy đặt vào cương vị của bác sĩ, bác sĩ không có thời gian, người ta cũng không phải thầy bói, cũng không phải thầy cúng, không phải là thánh để tiên lượng được là việc làm của người ta bệnh nhân sẽ sống, lúc đó phụ thuộc vào bản lĩnh của từng người và có gì đó thêm sự may mắn" - bác sĩ Cần mong muốn.


Bác sĩ Cần: Trong ngành y thỉnh thoảng có tai biến nọ, tai biến kia thì xin đừng trách móc ngành y quá nhiều.

Bác sĩ Cần: "Trong ngành y thỉnh thoảng có tai biến nọ, tai biến kia thì xin đừng trách móc ngành y quá nhiều".

22 tuổi, lần đầu tiên cất tiếng gọi mẹ

Hơn 30 năm gắn bó với những trường hợp cấp cứu, bác sĩ Cần đã nhiều lần không kìm được nước mắt về những hoàn cảnh khó khăn, éo le của bệnh nhân. Bệnh nhân đến viện tai mũi họng thường đã trải qua nhiều bệnh viện, phải trải qua nhiều ca phẫu thuật do thở máy lâu bị hẹp đường thở, do chấn thương... và họ đến với bệnh viên tai mũi họng để bác sĩ tạo hình đường thở, để được nói.

Bác sĩ Cần nhớ lại trường hợp cháu gái ở Quảng Nam bị hỏng thanh quản. Do nhà nghèo, bé gái và nhiều bạn trong xóm phải theo mẹ lên nương làm việc. Trong lần lên nương, em nhặt được quả mìn nhỏ (do chiến tranh để lại) mang ra chơi. Mìn nổ. Một bạn chết ngay tại chỗ, còn em bị phá hủy thanh quản.

Khi đưa ra Hà Nội, bác sĩ Cần đã cấp cứu và tạo đường thở cho cháu bằng cách lấy sườn sụn trong cơ thể lên ghép vào thanh quản tạo đường thở cho cháu để cháu có thể nói được.

Do phải nằm viện lâu, hoàn cảnh khó khăn, mẹ cháu bé đã phải đi rửa bát thuê ở các quán ven bệnh viện... để đủ tiền ăn qua ngày. Bác sĩ Cần và đồng nghiệp vừa chữa bệnh vừa xin các tổ chức từ thiện giúp đỡ 2 mẹ con cháu bé.

Nhưng có lẽ một kỷ niệm không bao giờ quên của bác sĩ Cần khi cứu chữa một trường hợp thanh niên Hải Phòng. 22 tuổi cũng là 22 năm chàng trai này đeo ống thở do hồi bé bị sặc bột và dị vật vào đường thở. Bác sĩ gắp dị vật ra thì cháu đã bị hỏng đường thở, hẹp toàn bộ và không thể nói được.

Khi đến với bệnh viện tai mũi họng, dưới sự phẫu thuật của bác sĩ Cần thì sau 22 năm, chàng trai cất tiếng gọi mẹ đầu tiên tại bệnh viện tai mũi họng. Đây cũng là một trường hợp thành công trong nghề của bác sĩ Cần.

Không chỉ chỉnh hình cho các bệnh nhân bị sẹo hẹp thanh khí quản với áp dụng kỹ thuật mới ghép sụn thanh quản ở người lớn và trẻ em, bác sĩ Cần còn trực tiếp cứu hàng trăm bệnh nhân chấn thương vùng cổ và mặt mỗi năm. Phẫu thuật thành công gần trăm ca bệnh nhân nhiễm trùng vùng cổ sâu do hóc dị vật, chấn thương...

Có lẽ niềm vui lớn nhất của các bác sĩ là nhìn thấy bệnh nhân phục hồi trở về nhà. Những trường hợp đến với bệnh viện tai mũi họng thường có nhiều bệnh nhân nghèo, các bác sĩ thường phải xin các tổ chức từ thiện để ủng hộ, mua từng xuất cơm cho bệnh nhân. Thậm chí có bệnh nhân nghèo, chữa bệnh xong không có tiền tàu xe, bác sĩ trong khoa phải quyên góp tiền giúp họ về quê.


Bác sĩ Cần không kìm được nước mắt khi nhớ lại những hoàn cảnh bất hạnh, éo le của bệnh nhân nghèo

Bác sĩ Cần không kìm được nước mắt khi nhớ lại những hoàn cảnh bất hạnh, éo le của bệnh nhân nghèo

30 năm chưa 1 lần tắt máy điện thoại

Với niềm đam mê nghề nghiệp và làm bác sĩ cấp cứu đến hơn nửa cuộc đời nhưng sự yêu nghề luôn cháy bỏng trong lòng bác sĩ Cần bởi nhiều khi trong công việc gặp rất nhiều áp lực căng thẳng và phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ để đến với bệnh nhân. Thông cảm với nỗi đau bệnh nhân xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng nhân hậu của bác sĩ.

Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Cần chưa một lần tắt máy điện thoại bởi toàn xử lý toàn bệnh nhân khó thở vì cấp cứu đường thở chỉ chậm 2- 3 phút là bệnh nhân đã chết. Những trường hợp cấp cứu mà đồng nghiệp khắp nơi nhờ tư vấn.

Tiếng chuông điện thoại lúc nửa đêm và sự vội vã ra đi, để đến viện cấp cứu bệnh nhân của bác sĩ Cần đã quá quen với chồng và con của chị.

"Tôi may mắn gặp được người chồng thông cảm và hiểu công việc của vợ nên anh ý thường động viên tôi những lúc mệt mỏi" - bác sĩ Cần tâm sự.

Bác sĩ Quách Thị Cần cho rằng, bệnh nhân là đối tượng phục vụ nhưng cũng là người thầy dạy mình trưởng thành hơn.

"Với đam mê nghề nghiệp cùng với cái tâm của người thầy thuốc, tôi nghĩ ai cũng sẽ vượt qua được khó khăn" - bác sĩ Cần chia sẻ.

Bác sĩ cần phải có đầy đủ cả Y thuật và Y Đức

Nói đến nghề thầy thuốc, người ta thường nói đến 2 từ: Y thuật và Y đức. Tuy nhiên, theo quan điểm của bác sĩ Cần, bác sĩ phải có đầy đủ 2 yếu tố Y thuật và Y đức. Bởi nếu có Y Đức, bác sĩ có thể chăm sóc bệnh nhân tốt nhưng lại không có Y thuật chuyên môn để xử lý cứu chữa bệnh nhân sẽ gây ra tai biến chết người.

"Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tôi chỉ mong các thế hệ trẻ không chỉ rèn luyện Y Đức và phải rèn luyện Y Thuật thật tốt. Muốn có Y Thuật giỏi thì phải lấy bệnh nhân làm đối tượng học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và cứu chữa bệnh nhân... thì mới trưởng thành nhanh được. Nếu bác sĩ nặng về Y Thuật hay nặng về Y Đức sẽ lệch lạc không tốt đối với bệnh nhân và ngành y" - bác sĩ Cần nhấn mạnh.


Bác sĩ Cần và đồng nghiệp chia tay ra viện bệnh nhân nhi mổ thành công áp xe não do tai

Bác sĩ Cần và đồng nghiệp chia tay ra viện bệnh nhân nhi mổ thành công áp xe não do tai

31 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật y tế tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (TƯ) trung ương, trong đó 23 năm liên tục làm việc tại khoa Cấp cứu, PGS.TS Quách Thị Cần là một trong những số ít nữ bác sĩ đã không quản ngày đêm tận tâm, tận lực cứu sống rất nhiều tính mạng người bệnh mắc những căn bệnh hiểm nghèo như cbces não, viêm màng não do tai, nhiễm trùng nặng vùng đầu mặt cổ, chấn thương nặng, chảy máu nặng và những bệnh nhân khó thở nặng do sẹo hẹp thanh khí quản, chấn thương thanh khí quản.

Bác sĩ Cần đã tiến hành phẫu thuật hàng ngàn ca cấp cứu tai mũi họng trong mỗi năm. Đặc biệt, bác sĩ Cần đã tiến hành phẫu thuật thành công nhiều ca nặng và khó trong cấp cứu tai mũi họng.

Được biết, bác sĩ Cần đã nhiều lần đề xuất lãnh đạo sang khoa khác để giảm áp lực, có thời gian nhiều hơn giành cho nghiên cứu khoa học nhưng chưa được chấp nhận.

Hiện bác sĩ Cần đang tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn cho các đối tượng sau đại học ở các trường ĐH Y khoa trong cả nước. Bác sĩ Cần đã hướng dẫn thành công nhiều bác sĩ cao học, chuyên khoa II và hiện tại đang hướng dẫn luận án cho 04 nghiên cứu sinh.

Bác sĩ Cần chia sẻ, nếu không còn làm quản lý, tôi sẽ dành thời gian viết sách, ghi chép lại những mảnh đời bất hạnh của bệnh nhân.

Nhật Hồng