PGS. Văn Như Cương: “Các cuộc thi qua mạng tôi thấy tiêu cực nhiều hơn”

(Dân trí) - “Tôi tán thành việc Bộ GD&ĐT bỏ các cuộc thi trên mạng bởi tôi thấy tiêu cực nhiều hơn. Tuy nhiên, khi không còn những chứng chỉ này làm tiêu chí phụ, chúng tôi lại phải nghĩ cách để tuyển sinh vào đầu cấp”.

Trên đây là ý kiến của PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội về chủ trương bỏ các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng.

Bố mẹ thi hộ

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết trong năm học 2017 - 2018, Bộ quyết định tạm dừng các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng để rà soát kỹ lưỡng.

Lý do mà đại diện Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định này là qua tổ chức rà soát trên quy mô cả nước, số lượng các cuộc thi dành cho học sinh hiện còn nhiều và chồng chéo. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung vào kiểm tra kiến thức lý thuyết mà học sinh đã học trong trường, hạn chế việc tạo cơ hội để các em được rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực.

Chị Lan Anh, một phụ huynh học sinh ở Thái Bình cho hay, con trai chị đều tham gia các cuộc thi qua mạng. Vào giai đoạn cao điểm, cả mẹ cả con đều hì hụi cắm đầu vào máy tính như một trận chiến. “Nhiều khi ăn tối xong, bát đũa chưa rửa nhưng cũng phải ném đấy để cổ vũ con. Tôi nghĩ bỏ cũng hơi tiếc vì có nhiều cái con học được qua các cuộc thi. Nhưng nếu kéo dài thì cả nhà đều mệt vì ngày nào cũng cảm giác phải chạy đua như chạy việt dã”, chị cho biết.

Chia sẻ với PV Dân trí sáng 22/8, PGS. Văn Như Cương cho biết, ông tán thành việc bỏ các cuộc thi qua mạng bởi phần lớn các cuộc thi đều tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Ông nhận định, trước đây những cuộc thi này không nở rộ vì không có chuyện cấm thi vào lớp 6. Khi cấm thi, bắt buộc các trường phải chọn ra những tiêu chí phụ. Nắm bắt được chủ trương này, nhiều em phải lao vào thi cử rất mất thời gian.

Học sinh đang tham dự một cuộc thi qua mạng
Học sinh đang tham dự một cuộc thi qua mạng

Ông lấy thí dụ mùa tuyển sinh năm ngoái, trường mình có 600 học sinh vào cấp 2 nhưng gần 100% hồ sơ học sinh đều đạt 100 điểm. Điều đó giống như kiểu thi ĐH mà tất cả các con đều đạt điểm tuyệt đối 30. Thế nên để chọn học sinh vào trường, bắt buộc nhà trường căn cứ vào các chứng chỉ cuộc thi trên làm tiêu chí phụ để chọn lựa.

“Hầu hết các cuộc thi qua mang chỉ cần click máy tính thật nhanh nên có nhiều em, bố mẹ thi hộ. Có học sinh đoạt giải bơi lội nhưng sau đó vỡ lẽ, học sinh đó không hề biết bơi, còn chứng chỉ bơi lội là do... đi mua. Đặc biệt năm ngoái, có gia đình nộp cho trường huy chương vàng tốp ca. Sau khi tìm hiểu, hóa ra học sinh đó cùng 26 em khác trong nhóm tốp ca đều đoạt giải do quận tổ chức. Vậy nếu cộng điểm, cả 27 em đều được cộng. Chỉ ra những điều này để thấy rằng, nhiều cuộc thi phần bất cập nhiều hơn tích cực”, PGS Cương nói.

Lại nghĩ cách để tuyển sinh đầu cấp

Theo Bộ GD&ĐT, lý do để dừng các cuộc thi qua mạng một phần do một số trường sử dụng kết quả của một số cuộc thi trong việc xét tuyển sinh khiến một số học sinh tham gia cùng lúc nhiều cuộc thi với động cơ kiếm thêm điểm ưu tiên, gây quá tải, tốn thời gian và ảnh hưởng không tốt tới kết quả giáo dục.

Điều này đã gây tranh cãi bởi một số người cho rằng, các cuộc thi có những mặt tích cực. Vấn đề là triển khai thế nào để phát huy mặt tích cực ấy.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang cho rằng không nên dừng các cuộc thi giải Toán và tiếng Anh qua mạng.

"Ngành giáo dục đang phải đấu tranh, giành giật với các môi trường game trên mạng nên có thể nói, đây là môi trường rất cần với học sinh”.

Theo Phó tổng giám đốc một tập đoàn về giáo dục tại Hà Nội, đơn vị đã từng tổ chức nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh, một số kiến thức học sinh phổ thông chưa biết, chẳng hạn hiểu biết về pháp luật, về giao thông, các cuộc thi sẽ giúp các em tìm hiểu kĩ hơn. Vấn đề là không nên tổ chức tràn lan .

Về việc bỏ các cuộc thi này, nhiều trường “nóng” trong tuyển sinh đầu cấp sẽ thiếu căn cứ để lựa chọn học sinh đầu vào lớp 6, PGS Cương cho hay: “Nhà trường lại phải đau đầu nghĩ cách để tuyển sinh nếu không còn các tiêu chí phụ. Có thể năm tới sẽ phải bốc thăm như mầm non chẳng hạn”.

Ông cũng chia sẻ thêm, chúng ta có tổ chức các cuộc thi thì nên làm chu đáo hơn, nghiêm túc hơn và quy định rõ có được cộng điểm ưu tiên từ các cuộc thi này không. Đặc biệt, cần hạn chế điểm cộng bởi mức điểm cộng 3 điểm như hiện nay khá cao.

Các cuộc thi nếu làm nghiêm túc sẽ là động lực cho các em tự luyện kiến thức (ảnh minh họa)
Các cuộc thi nếu làm nghiêm túc sẽ là động lực cho các em tự luyện kiến thức (ảnh minh họa)

Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên khi cho rằng, các cuộc thi cũng là một cách tự học và là động lực cho các em tự luyện kiến thức. Tuy nhiên, các cuộc thi không được tạo áp lực ganh đua giữa các học sinh và giữa các cơ sở giáo dục. Như vậy, các cuộc thi mới thực chất là học mà chơi, chơi mà học.

"Thực ra chỉ một vài trường "hot" trong tuyển sinh đầu cấp mới cần tiêu chí phụ. Như trường chúng tôi, năm ngoái không cần tiêu chí riêng, vì thế tôi nghĩ bỏ các cuộc thi qua mạng, vấn đề tuyển sinh đầu cấp không có khó khăn mà học sinh lại đỡ áp lực", ông Hà nói.

Mỹ Hà