Những sự kiện nóng giáo dục tuần qua

(Dân trí) - Tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 20/5/2017; Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) đã yêu cầu trường ĐH Hoa Sen xác minh cụ thể việc "giáo sư mặc quần đùi trên lớp" và báo cáo lại.

Phó Thủ tướng yêu cầu kéo dài thời gian lấy ý kiến chương trình GDPT tổng thể

Ngày 12/4, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi. Thời gian góp ý cho chương trình đến hết ngày 29/4. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đến hết ngày 20/5/2017 để các nhà khoa học nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiêm túc, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tranh luận.


Chương trình GDPT tổng thể đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh

Chương trình GDPT tổng thể đã xác định 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh

Được biết, dự thảo chương trình GDPT tổng thể lần này là sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Ở cấp THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp với các môn học phân hóa (môn Khoa học tự nhiên ở THCS tách thành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý ở THCS tách thành các môn Lịch sử, Địa lý,…).

Nội dung các môn học này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học, vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó giúp học sinh lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở các lớp 11, 12, ngoài một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo), học sinh chỉ cần chọn 3/12 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

GS Ngô Bảo Châu: Nên hướng nghiệp cho học sinh qua trải nghiệm thực tế

Sáng ngày 26/4, trong buổi giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ cảm nhận công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông còn khá sơ sài. Ông cho biết sắp tới sẽ tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh thông qua trải nghiệm thực tế.

GS Ngô Bảo Châu cho biết sẽ mời những người bạn của mình là những người thành công ở những lĩnh vực khác nhau tham gia các khóa hướng nghiệp ngắn ngày cho học sinh phố thông.

Cùng với các buổi trò chuyện về chuyên ngành, các em học sinh sẽ được hướng dẫn tham quan trải nghiệm thực tế từng công việc như đến bệnh viện tìm hiểu về nghề y, đến các tòa soạn để tìm hiểu về nghề báo..., và sẽ có các bài thực hành nhỏ để học sinh có những cảm nhận rõ ràng hơn về từng nghề nghiệp, có phù hợp với năng lực và sở thích của mình hay không để chọn lựa ngành học trong tương lai.


GS Ngô Bảo Châu cho biết sắp tới sẽ tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. (Ảnh: Khánh Hiền)

GS Ngô Bảo Châu cho biết sắp tới sẽ tổ chức các câu lạc bộ hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. (Ảnh: Khánh Hiền)

“Tôi nghĩ là công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiện nay khá sơ sài. Học sinh chọn lựa ngành nghề theo cảm giác nhiều hơn. Nên hướng nghiệp cho học sinh thông qua những trải nghiệm thực tế” - GS Châu nói

Bộ GD&ĐT yêu cầu xác minh việc "giáo sư mặc quần đùi trên lớp"

Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/4 về thông tin "giáo sư mặc quần đùi trên lớp" đang gây xôn xao dư luận, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD- ĐT), cho biết, Cục Nhà giáo đã có yêu cầu trường ĐH Hoa Sen xác minh cụ thể việc này và báo cáo lại.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, hiện nay, Cục Nhà giáo cũng chưa rõ tình huống cụ thể như thế nào về sự việc mà báo chí phản ánh. Tuy nhiên, do đây là thuộc đội ngũ nhà giáo và trách nhiệm chung về quản lý nên Bộ gọi điện tới trường ĐH Hoa Sen để nắm bắt, nhận diện tình hình cụ thể.

Đồng thời, yêu cầu nhà trường xác minh cụ thể tình huống này xem có phù hợp với quy định chung của trường và của ngành hay không để có phương án xử lý cho phù hợp".

Ông Minh cho biết thêm, do phân cấp quản lý rồi nên Bộ không can thiệp. Tuy nhiên, với trách nhiệm chung về quản lý, hiện Bộ đang chờ thông tin từ trường báo cáo.

Theo ông Minh, hiện nay chỉ có quy định yêu cầu nhà giáo thực hiện theo chuẩn mực của đội ngũ, ăn mặc phù hợp với phông văn hóa công sở. Tuy nhiên, mỗi trường có quy định mặc quần áo cho giáo viên riêng nhưng các nhà trường cần xem xét, đối chiếu cho phù hợp với quy định.


GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi trong buổi dạy sinh viên phát triển tư duy sáng tạo trong ngày 22/4 (ảnh facebook)

GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi trong buổi dạy sinh viên phát triển tư duy sáng tạo trong ngày 22/4 (ảnh facebook)

Trước đó, trên cộng đồng mạng chia sẻ những hình ảnh GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen mặc quần đùi nói chuyện trước sinh viên của trường. Ngay lập tức có nhiều ý kiến trái chiều trong đó phần lớn cho rằng không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Thành lập trường ĐH tư thục phải có tối thiểu 1.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trong đó quy định rõ điều kiện hoạt động của tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học cũng như tổ chức kiểm định giáo dục.

Theo đó đối với việc thành lập trường đại học, Nghị định yêu cầu Đề án thành lập trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới các trường đại học được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với trường đại học công lập, khi thành lập phải cam kết hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định. Đối với trường đại học tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận.

Chính phủ quy định, khi thành lập trường phải có diện tích xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5ha và đạt bình quân tối thiểu là 25m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển.

Đối với trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch và đối với trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây trường); vốn đầu tư được các định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan đó thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Đồng thời, có dự kiến cụ thể về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, trình độ đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, phù hợp với lộ trình để mở mã ngành và tuyển sinh đào tạo trong đề án thành lập trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình GDPT tổng thể

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo. Kết quả của sự nỗ lực đó đã được thể hiện qua những đánh giá tích cực từ dư luận xã hội về những điểm mới, điểm ưu việt của dự thảo chương trình tổng thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận vẫn còn những ý kiến băn khoăn, thậm chí trái chiều về một số nội dung của dự thảo chương trình tổng thể. Trước những luồng ý kiến này, Bộ trưởng cho rằng, đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi quá trình tiến hành công phu cũng như tinh thần cầu thị, lắng nghe một cách tích cực, do vậy những ý kiến phản biện trái chiều là bình thường và cần thiết trong quá trình hoàn thiện dự thảo.

Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến, trong đó những ý kiến đúng, phù hợp phải được bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo, những nội dung xét thấy chưa phù hợp cũng cần được giải trình sao cho xã hội hiểu đúng và đồng thuận.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các trường sư phạm đẩy nhanh quá trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại từng cơ sở giáo dục; Cục Cơ sở vật chất phối hợp với các địa phương rà soát, quy hoạch lại để phát huy tối đa cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đẩy nhanh các dự án đầu tư cơ sở vật chất đã được phê duyệt. Chủ trương của Bộ là cần thực hiện chương trình theo hướng thiết kế tổng thể, triển khai cuốn chiếu từng bước chắc chắn và hiệu quả.

PV

(Tổng hợp)