Những hình ảnh giáo dục lay động lòng người năm 2017

(Dân trí) - Thầy giáo vá áo cho học sinh vùng cao xứ Nghệ; mẹ nhận bằng tốt nghiệp thay con đã qua đời vì ung thư; học sinh lớp 2 địu em 8 tháng ngồi chép bài… là những hình ảnh xúc động, lay động lòng người năm 2017.

Hình ảnh học sinh miền núi ngồi xổm khai giảng gây “bão mạng”

Trên nền đất ẩm ướt với nhiều trũng nước, khoảng 40 em học sinh ngồi xổm. Dưới mái hiên là đại diện một số ban ngành địa phương và thầy cô giáo ngồi bàn ghế dự khai giảng.

Ông Hoàng Văn Quảng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) xác nhận, hình ảnh được chụp tại điểm trường Bản Là trong dịp lễ khai giảng ngày 5/9/2017.

Hình ảnh học sinh ngồi xổm ngày khai giảng gây bão mạng
Hình ảnh học sinh ngồi xổm ngày khai giảng gây "bão mạng"

Giải thích về việc để khoảng 40 em học sinh ngồi khai giảng dưới nền đất bẩn ướt, ông Hoàng Văn Quảng cho biết, nếu thời tiết ủng hộ thì các em học sinh đã có lớp học trước ngày khai giảng rồi. Chỉ tiếc là năm nay mưa nhiều.

Hiệu trưởng Quảng khẳng định, việc để cho các em học sinh ngồi phía dưới nền sân ẩm ướt còn thầy cô ngồi dưới hiên tránh nắng mưa là do sân chật chứ không phải thầy cô bỏ mặc các em như một số ý kiến trên mạng.

“Năm học 2017-2018 này, nhà trường có 20 học sinh vào lớp 1. Nhiều phụ huynh bảo đóng cho các em cái ghế để ngồi nhưng do điều kiện mà vẫn chưa đóng kịp để các em ngồi trong lễ chào cờ hay khai giảng năm học mới. Điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lớp học vẫn bằng vách tranh tre và ván gỗ đóng vào để ngăn lớp”, hiệu trưởng Quảng cho biết.

Xúc động cảnh thầy giáo vá áo cho học sinh vùng cao xứ Nghệ

Giữa thiếu thốn đủ bề, các giáo viên vùng cao ở Nghệ An vẫn miệt mài gieo chữ, hoàn thành công việc chuyên môn. Ngoài là nhà giáo, họ còn là cha, là mẹ, bằng yêu thương và trách nhiệm, chăm chút, lo lắng cho học trò như chính con của mình.

Hình ảnh thầy Lô Văn Thanh - điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2 (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An) vá quần áo cho trò- dù đường kim mũi chỉ có thể chưa đều, chưa đẹp nhưng gây xúc động mạnh về tình thầy nơi núi cao.

Hình ảnh thầy Lô Văn Thanh - điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2 (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An) vá quần áo cho trò.
Hình ảnh thầy Lô Văn Thanh - điểm trường Huồi Máy, Trường tiểu học Cắm Muộn 2 (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An) vá quần áo cho trò.

Được biết điểm trường Huồi Máy là điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Cắm Muộn 2. Ở đây chưa có đường giao thông, chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại... Học sinh ở đây là người Khơ - mú, đời sống còn cực kỳ khó khăn. Khi cái ăn còn chưa đủ, phụ huynh cũng không có nhiều thời gian để quan tâm đến con. Ngoài việc chăm lo sự học, các thầy giáo cắm bản Huồi Máy còn là cha, là mẹ, chăm lo cho học sinh từ quần áo, đầu tóc.

Theo lãnh đạo nhà trường, hàng năm, để giảm bớt khó khăn cho giáo viên và học sinh điểm trường này, nhà trường đều có những chương trình vận động sự đóng góp hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân. Do giao thông cách trở, các thầy cô giáo thay mặt các đoàn hảo tâm vận chuyển quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm vào cho thầy trò điểm trường Huồi Máy

Mẹ nhận bằng tốt nghiệp thay con đã qua đời vì ung thư

Sáng 10/11, trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp cho một sinh viên “đặc biệt”. Đặc biệt bởi sinh viên này đã qua đời vì ung thư trước đó nên tấm bằng được trao cho mẹ em.

Sinh viên đã mất là Nguyễn Dạ Trầm, ngành Kiến trúc khóa 2012. Trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp, sinh viên này phát hiện bị mắc bệnh ung thư. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi điều trị, Dạ Trầm đã mất. Dù biết mình bị bệnh nhưng Trầm vẫn cố gắng hết sức có thể thực hiện luận văn… Trước nỗ lực của em Trầm, theo đề nghị của khoa Kỹ thuật xây dựng, trường đã quyết định cấp bằng kiến trúc sư danh dự cho em.

Mẹ Trầm khóc suốt lễ nhận bằng vì thương phần đời ngắn ngủi đầy vất vả của con.
Mẹ Trầm khóc suốt lễ nhận bằng vì thương phần đời ngắn ngủi đầy vất vả của con.

Khoảnh khắc bà Cao Thị Thùy Trang, mẹ của Trầm nghẹn ngào không nói nên lời thay con lên nhận tấm bằng từ Hiệu trưởng Vũ Đình Thành khiến cả khán phòng lặng đi vì xúc động.

Nguyễn Dạ Trầm sinh ra ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi nhưng từ năm lớp 1 em đã cùng gia đình vào TP.HCM. Cả nhà thuê trọ ở quận Tân Bình, ba em làm thuê và mẹ bán hàng rong kiếm sống. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Trầm luôn có nghị lực vươn lên trong học tập.

Bé lớp 2 địu em 8 tháng trong lớp học lay động cư dân mạng

Hình ảnh bé gái mặt mũi lấm lem, trước ngực địu cả em mới 8 tháng tuổi ngay trong lớp học ở Quảng Nam khiến nhiều người xúc động. Trước mặt em, trang sách nhàu nát vẫn đang mở ra theo bài giảng của thầy giáo.

Thầy giáo Trần Văn Tuấn, người đăng tải bức ảnh trên mạng xã hội cho hay, lớp học này là một điểm lẻ thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Bức ảnh em Hồ Thị Nhung địu em 8 tháng tuổi đến lớp học làm lay động dân mạng (ảnh Trần Tuấn)
Bức ảnh em Hồ Thị Nhung địu em 8 tháng tuổi đến lớp học làm lay động dân mạng (ảnh Trần Tuấn)

Bức ảnh dưới đây do chính thầy Tuấn chụp ở điểm trường lẻ do mình phụ trách tại thôn 5, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.

Lớp học có tổng cộng 12 em, với trình độ học sinh của 3 lớp đang học chung. Trong đó, học sinh lớp 1 có 4 em. Học sinh lớp 2 có 3 em và học sinh lớp 3 có 5 em.

Học sinh địu em trước ngực là em Hồ Thị Nhung, học lớp 2, người dân tộc Ca Dong. Còn em của em chỉ mới 8 tháng tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ làm nương rẫy xa, không ai trông em nên Nhung phải địu em đến lớp học.

Thầy Tuấn cho biết, trong lớp Nhung có học lực bình thường nếu không nói là yếu vì em hơi bị thiểu năng trí tuệ. Đáng ra em đã học lớp 4 nhưng do ở lại lớp 2 năm nên năm nay mới chỉ lớp 2. Mặc dù vậy, Nhung rất chăm chỉ cần cù đến lớp, kể cả có tuần em phải địu em đi học đến 4-5 buổi.

Theo thầy Tuấn, em Nhung không phải trường hợp duy nhất phải địu em đến lớp. Còn vài em khác cũng phải địu em đi học cùng bởi gia đình vào ngày mùa. Tuy nhiên, tần suất mà học sinh Nhung phải địu em nhiều hơn các bạn do gia đình em neo người, bố mẹ hay đi làm rẫy xa.

Sau bài viết trên Dân trí, các học sinh ở đây đã được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ. Đặc biệt, một nhóm từ thiện ở Đà Nẵng đã tài trợ xây một ngôi trường mới cho các em học sinh.

Mỹ Hà

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm