Đắk Nông:

Những đôi chân trần băng rừng đến trường trong buổi lễ khai giảng

(Dân trí) - 7h30 ngày 5/9, ba hồi trống dài được thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) dóng lên báo hiệu năm học mới chính thức bắt đầu. Phía dưới sân, những đứa trẻ vẫn còn ngơ ngác, chưa hiểu hết được ý nghĩa của những hồi trống ấy nên chúng đưa ánh mắt tò mò, nhìn ngó khắp nơi.

Đối với hơn 160 học sinh khối 1 của trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, đây là buổi lễ khai giảng đầu tiên mà những đứa trẻ này được tham dự. Lần đầu được đến lớp, lần đầu đi khai giảng nhưng trong số ấy, nhiều đứa vẫn chưa có sách vở, quần áo mới. Đặc biệt phần lớn học sinh của ngôi trường này hàng ngày vẫn đi chân đất, lội bộ hàng km từ nhà đến trường.


Lần đầu đi học nhưng trong số ấy, nhiều đứa vẫn chưa có sách vở, quần áo mới

Lần đầu đi học nhưng trong số ấy, nhiều đứa vẫn chưa có sách vở, quần áo mới

Theo thầy Mai Thanh Tịnh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, năm học này trường có hơn 500 học sinh, trong đó có duy nhất một học sinh là người Kinh, còn lại là đồng bào Mông. Các em chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện đi học mầm non, đến tuổi vào tiểu học thì các thầy cô phải đến tận nhà vận động để các em được đến trường. Cuộc sống khó khăn nên nhiều phụ huynh không có điều kiện trang bị, mua sắm cho con em họ đầu năm học mới.

Chỉ tay về phía hai đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc, ngồi co cụm giữa những đứa trẻ khác, thầy Tịnh cho biết, đó là hai chị em Thào Thị Đề (ngụ thôn 11) năm nay bước vào lớp 1. Thầy Tịnh bảo, để đến dự khai giảng đúng giờ, Đề và em trai phải thức dậy từ lúc 5g sáng và đi bộ gần 10km mới đến được trường. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, bố mẹ lại đi làm từ sáng sớm nên ngày khai giảng, hai chị em Đề mặc như mọi ngày chứ không có quần áo mới.

Nhiều em chân trần, lội bộ hàng km để đến trường ngày khai giảng
Nhiều em chân trần, lội bộ hàng km để đến trường ngày khai giảng

Ngồi kế bên Đề, Giàng Thị Doa (ngụ thôn 12) cũng không khá hơn. Cô học sinh lớp 2 ngồi khép nép một chỗ, chiếc áo vải mỏng tang đã bung gần hết cúc, đôi chân không, lấm lem đất cát bẽn lẽn nhìn thầy cô và các bạn trong trường.

“Đã lâu lắm rồi em chưa được mua quần áo, quần áo này là em mặc lại của chị gái. Mấy hôm trước, em có một đôi dép nhưng trong lúc vào rừng hái măng, đôi dép này bị rơi lúc nào không biết nên vào năm học mới em phải đi chân đất đi học”, Doa vừa nói, vừa đưa đôi chân xoa nhẹ trên nền đất, gồ ghề sỏi đá.

Ngồi lặng lẽ quan sát con trai, anh Giàng A Lầu (ngụ thôn 12) là một trong số hiếm hoi những phụ huynh đưa con đến trường trong ngày hôm nay. Nhà các trường hơn 20 km nên anh cố gắng bỏ một ngày làm việc để đưa con trai đi tham dự lễ khai giảng đầu tiên trong đời, và bắt đầu từ ngày hôm nay, cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần, anh Lầu sẽ chở con ra trường, mang theo gạo và đồ ăn để đứa trẻ tự xoay sở tới thứ 6 mới đón về.


Chiếc áo vải mỏng tang đã bung gần hết cúc, đôi chân không lấm lem đất cát bẽn lẽn trong ngày lễ khai giảng

Chiếc áo vải mỏng tang đã bung gần hết cúc, đôi chân không lấm lem đất cát bẽn lẽn trong ngày lễ khai giảng

“Vì nhà nghèo, nên năm học mới này không thể sắm cho con một bộ quần áo mới và một đôi dép lành lặn. Cháu có đòi mua đồ mới, nhưng mua đứa này thì năm đứa khác cũng phải có, chúng tôi sợ các cháu không biết giữ, ra trường bạn lại lấy mất nên không mua cho đứa nào cả”, anh Lầu phân trần.

Cô La Thị Ước, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, người đã gắn bó với ngôi trường vùng cao này gần 12 năm cho biết, đời sống của học sinh tại trường rất khó khăn thiếu thốn. Trong lớp, số học sinh có quần áo, giầy dép mới nhân dịp năm học mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nên cô không quá bất ngờ khi ngày khai giảng nhiều em vẫn đi chân đất, mặc quần áo cũ đến trường.


Phải trèo đèo, lội suối nên các em không bao giờ được đi dép đắt tiền hay thời trang

Phải trèo đèo, lội suối nên các em không bao giờ được đi dép đắt tiền hay thời trang

“Do thường xuyên phải trèo đèo, lội suối nên các em không bao giờ được đi dép đắt tiền hay thời trang. Các em chủ yếu đi dép nhựa, đến khi đứt lưỡi thì phải lấy nhựa hàn lại để đi tiếp. Việc các em chân không đi học nên không thể tránh khỏi việc mảnh sành hoặc gai đâm phải nên thầy cô chỉ mong nếu có đoàn từ thiện nào về thăm trường, họ sẽ tặng mỗi em một đôi dép quai hậu để các em đi học”, cô Ước bộc bạch.

Năm học mới, thầy cô chỉ mong học trò của mình có một đôi dép quai hậu để đến trường
Năm học mới, thầy cô chỉ mong học trò của mình có một đôi dép quai hậu để đến trường

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, hiện nay đời sống của học sinh tại ba ngôi trường đóng chân trên địa bàn xã hết sức khó khăn, trong đó học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chịu nhiều thiết thòi nhất vì không có điện, đường, nước sạch. Trong năm học mới, địa phương đã kiến nghị lên các cấp quan tâm, chăm sóc hơn nữa học sinh tại ngôi trường này, hy vọng các em sẽ an tâm đi học, không phải bỏ học giữa chừng.

Dương Phong