Thanh Hóa:

Nhiều giáo viên băn khoăn vì đáp án thi Ngữ Văn vào trường Chuyên Lam Sơn sai

(Dân trí) - Không chỉ sai đáp án, ngay cả việc ra đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng khiến nhiều giáo viên không khỏi băn khoăn.

Theo phản ánh của một số giáo viên tại Thanh Hóa, họ vô cùng bất ngờ khi phát hiện đáp án câu 1a đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi vào lớp 10, trường THPT Chuyên Lam Sơn vừa qua bị sai nghiêm trọng về kiến thức cơ bản. Không những sai về đáp án câu 1a, trong câu 1b, người ra đề thi còn sai sót trong việc trích dẫn nguyên tác của tác phẩm không chính xác và đưa đáp án thiếu 1 biện pháp tu từ.

Cụ thể, đề thi câu 1 được chấm 2 điểm với ý (a) nêu: “Chỉ ra thành phần biệt lập và cho biết đó là thành phần gì trong câu sau: “Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể là những cái đó” - tác giả Lê Minh Khuê - Những Ngôi sao xa xôi.

Đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lam Sơn
Đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lam Sơn

Ý (b) có nội dung: “Xác định và phân tích hiệu quả diễn đạt của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn văn dưới đây: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng” - tác giả Thanh Tịnh - Tôi đi học.

Đáp án mà Sở GD-ĐT Thanh Hóa đưa ra cho câu 1a là: Thành phần biệt lập: "Hình như", "phải". Đây là thành phần cảm thán.

Đối với câu 1b, đáp án là biện pháp tu từ so sánh (những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng).

Hiệu quả diễn đạt: thể hiện những cảm xúc ngây thơ, trong sáng đang sống lại trong lòng nhân vật “tôi”khi nhớ về ngày đầu đến trường.

Một giáo viên dạy môn Ngữ Văn trên địa bàn Thanh Hóa (xin giấu tên) chia sẻ: “Đáp án của câu 1a hoàn toàn sai, sai nghiêm trọng về kiến thức cơ bản. Vì từ “hình như” là thành phần biệt lập. Nhưng hỏi thành phần biệt lập đó là thành phần gì thì đó là tình thái chứ không phải cảm thán như đáp án đã nêu. Bởi vì, thành phần cảm thán phải là vui buồn, mừng giận, ghét bỏ, yêu thương hay đau khổ, giận hờn… nhưng mà từ “hình như” là thành phần tình thái thể hiện thái độ và cách đánh giá của người nói đối với sự việc, sự vật trong câu. Tôi nghĩ, học sinh xác định được 100%. Tuy nhiên, không hiểu sao đáp án lại xác định là thành phần cảm thán là hoàn toàn sai”.

Đáp án câu 1a mà Sở GD-ĐT đưa ra được cho là sai cơ bản về kiến thức
Đáp án câu 1a mà Sở GD-ĐT đưa ra được cho là sai cơ bản về kiến thức

“Từ “phải” không phải là từ tình thái, nó là thành phần khởi ngữ không phải thành phần biệt lập. Mà thành phần khởi ngữ và thành phần biệt lập là hai thành phần hoàn toàn khác nhau. Bởi vì thành phần biệt lập là thành phần đứng ngoài nòng cốt câu, không tham gia vào cấu tạo nòng cốt câu và nó chỉ thể hiện ở một số thái độ tình cảm hoặc cách đánh giá hoặc phụ chú cho một từ ngữ nào đó” - giáo viên này cho biết thêm.

Một giáo viên khác nêu quan điểm: “Đối với câu 1b: Trích 1 đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh, khi đã để trong ngoặc kép thì phải trích nguyên văn. Không được trích sai. Nguyên tác câu trong đoạn văn trên phải là “Tôi quên thế nào được…”, không hiểu sao người ra đề đã đổi thành “Tôi không thể nào quên được…”.

“Hơn nữa, trong đoạn văn này, ngoài đáp án biện pháp tu từ so sánh mà Sở GD-ĐT đưa ra, còn có thêm biện pháp tu từ nhân hóa. Đó là câu “Như mấy cành hoa tươi mỉm cười”. Có nhân hóa mới thể hiện hết được trạng thái ngây thơ, trong sáng hồn nhiên của nhân vật “tôi”. Tôi sợ đáp án không chỉnh sửa trước khi chấm, học sinh nếu làm đúng mà giám khảo chấm theo đáp án thì sẽ vô cùng thiệt thòi cho học sinh”.

“Nếu có phát hiện và có chỉnh sửa chỉ là giám khảo với nhau chứ không phải văn bản. Bởi vì nếu đã đưa ra sai thì phải có văn bản khác. Khi đã chỉnh sửa bằng văn bản chính thức thì không thể ra văn bản đáp án cũ nữa. Văn bản đáp án cũ được đưa ra công khai, rõ ràng đã có một thời điểm sai nhất định” - các giáo viên có cùng nhận định.

Cũng theo các giáo viên này thì việc sai sót trong đáp án cũng như đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 trường THPT Chuyên Lam Sơn đã diễn ra nhiều năm chứ không riêng gì năm nay. Dù có chỉnh sửa thì với tầm cỡ giáo viên ra đề cấp tỉnh, lại là đề thi vào trường chuyên mà sai sót cơ bản như thế là điều không thể chấp nhận, non yếu về kiến thức cơ bản.

Được biết, tất cả các khâu từ khâu ra đề thi cho đến chấm thi thuộc thẩm quyền của Sở GD-ĐT.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết: “Sau khi phát hiện ra đáp án sai, Sở đã cho chỉnh lại đáp án mới. Đáp án câu 1a đưa ra ban đầu là thành phần biệt lập sau đó đã sửa thành thành phần tình thái. Còn trong câu 1b, nếu các giáo viên thắc mắc việc người ra đề thi đã viết chưa chính xác với nguyên tác thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Ông Thi cũng khẳng định, đáp án được chỉnh sửa trước lúc chấm thi nên học sinh nếu làm đúng sẽ không bị thiệt thòi. Tuy nhiên, khi được đề nghị cung cấp biên bản chỉnh sửa đáp án thi thì ông cho biết sẽ cho bộ phận chuyên môn tìm và cung cấp sau cho PV.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Nguyễn Thùy