Gia Lai:
Nghịch lý: Giáo viên thất nghiệp đi bán cà phê, trường học “chắp vá” vì thiếu giáo viên
(Dân trí) - Thực hiện tinh giản biên chế nên các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang xem xét để chấm dứt hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn. Trong khi các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng phải từ bỏ ước mơ đứng trên bục giảng để về làm phục vụ cà phê, làm rẫy có thu nhập, thì ngành giáo dục tỉnh đang “gồng mình” tăng tiết, tăng giờ vì thiếu giáo viên trầm trọng.
Rời bục giảng đi phục vụ quán cà phê
Sau khi bị UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chấm dứt hợp đồng, cô Phạm Thị N (SN 1993, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) không còn được giảng dạy tai trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mà phải đi phụ bán cà phê để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Với tấm bằng Cử nhân Sư phạm trong tay giờ đây N cũng như bao nhiêu người khác phải chật vật với những công việc tạm bợ. Cô N tâm sự: “Từ tháng 11/2016, cô về dạy hợp đồng lao động tại Trường Tiểu học Lương Thế Vĩnh (xã Ia Tô, huyện Ia Grai).
Sau đó luân chuyển qua trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh khai tiếp tục giảng dạy. Đến tháng 1/2018, thì bị chấm dứt hợp đồng lao động.
“Những năm cấp 3 tôi không ngừng nỗ lực để đậu vào ngành sư phạm. Suốt 4 năm đại học tôi luôn mong được đứng trên bục giảng để truyền thụ lại những kiến thức đến học sinh. Ra trường chật vật lắm tôi mới xin kí hợp đồng tại trường tiểu học.
Mới quen được trường và các học sinh yêu mến thì lại bị cắt hợp đồng. Giờ đây tôi hoang mang lắm, tôi cũng nhưng bao nhiều sinh viên sư phạm ra trường đang cầm chiếc bằng cử nhân mà không biết sẽ đi đâu về đâu. Hiện tại để có thu nhập trang trải cuộc sống thì tôi ngày đi làm phụ vụ cà phê và tranh thủ đi dạy gia sư”, cô N than thở.
Anh Trần Vũ Luân (25 tuổi, trú xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) đang thuê trọ tại TP Pleiku để cố tìm một công việc mới ổn định sau khi bị cắt hợp đồng giảng dạy tại huyện Ia Grai. Để có tiền trang trải cuộc sống và giữ nhiệt huyết với nghề, hằng ngày anh Luân chọn đi làm gia sư giảng dạy tại nhà cho các em học sinh.
“Nhà mình làm nông nghiệp, lại là anh cả trong nhà nên trách nhiệm lại càng lớn. Mình đang cố tìm công việc ổn định, phù hợp với ngành nghề được đào tạo để làm chỗ dựa cho gia đình…”, anh Luân tâm sự.
Giáo dục vùng cao “chắp vá” vì thiếu giáo viên
Nếu chấm dứt hơn 1.400 giáo viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì sẽ xảy ra nghịch lý khi các trường thì thiếu giáo viên, còn giáo viên lại không có việc để làm. Hiện nay, để lấp được chỗ trống của hơn 1.400 giáo viên đó thì ngành giáo dục tỉnh đang phải “chắp vá” bằng cách chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, thực hiện tăng tiết, tăng giờ để đảm bảo được số tiết quy định. Nhưng những cách trên lại thực hiện đã khiến cho việc chi trả tiền lương tăng gấp 3 lần so với việc dùng các giáo viên hợp đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn thực tại, ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ia Grai cho biết, vừa qua Phòng GD-ĐT có hơn 100 giáo viên bị cắt hợp đồng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho ngành giáo dục huyện trong việc giảng dạy. Theo đó, trên địa bàn đã thiếu giáo viên nên chúng tôi mới tuyển dụng thêm những giáo viên hợp đồng.
Nhưng khi cắt đi một lúc hơn 100 giáo viên vậy thì thật sự chúng tôi cũng rơi phải tình huống khó xử. Chính điều này, buộc các trường phải ghép lớp, giáo viên biên chế phải tăng số tiết. Một số giáo viên dạy trường này không đủ số tiết phải tăng cường qua trường khác để dạy cho đủ.
Lo ngại nhất là đối với học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, khi ghép lớp sẽ phải đi học ở cách xa nhà 4-5km. Từ đó khả năng bỏ học sẽ cao hơn học tại các điểm trường làng. Ngoài ra, các giáo viên phải tăng tiết nhưng vẫn phải đảm bảo không quá số tiết dạy quy định. Việc giáo viên biên chế tăng tiết cũng kéo theo quỹ lương “phình to” hơn so với chi trả cho giáo viên hợp đồng trong 1 năm dự kiến khoảng 10 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giáo viên hợp đồng
Tương tự, ông Đậu Sỹ Quốc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai cho biết, ngành giáo dục huyện có hơn 200 giáo viên tại 37 trường học trên địa bàn phải cắt hợp đồng. Việc cắt hợp đồng đã khiến phòng GD-ĐT phải dồn lớp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lớp đông nên chất lượng không thể đảm bảo như trước. Các giáo viên khác cũng phải tăng tiết để đảm bảo việc dạy học cho học sinh. “Nhưng sẽ rất mệt mỏi vì không thể buổi sáng dạy 5 tiết, buổi chiều cũng dạy 5 tiết được. Nên chúng tôi phải cân đối và thực hiện các hiệu trưởng, hiệu phó cũng tăng thêm tiết dạy…”, ông Quốc lo lắng.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, năm học 2017-2018 tỉnh Gia Lai có trên 1.400 giáo viên đang dạy hợp đồng tại các khối trường học trên địa bàn. Số giáo viên trong diện này đang trong tình trạng xét chấm dứt hợp đồng trong năm 2018 theo Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
Đầu năm 2018, hai huyện Ia Grai và Chư Pưh đã tiến hành cắt hợp đồng với hơn 350 trường hợp giáo viên đang giảng dạy khiến tình trạng thiếu hụt giáo viên ngày càng trầm trọng. Hiện tỉnh Gia Lai có hơn 19.000 giáo viên trong diện biên chế giáo dục phổ thông và mầm non, vẫn còn thiếu so với mức quy định hơn 2.000 người.
Chính vì vậy, các địa phương đã tiến hành ký trên 1.400 hợp đồng với các giáo viên đứng lớp để đảm bảo tương đối việc dạy học. Tuy nhiên, sắp tới số giáo viên này sẽ bị cắt hợp đồng, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Minh Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai nói, đơn vị đã làm theo quy trình và trách nhiệm của mình trong việc tham mưu, hướng dẫn. “Buộc phải cắt hợp đồng với các giáo viên bản thân tôi rất trăn trở, lấy làm tiếc nhưng không thể làm khác được. Các giáo viên bị cắt hợp đồng phần lớn là giáo viên trẻ, ngành giáo dục cũng muốn tạo điều kiện để các thầy cô cống hiến nhưng không được” – ông Thuận chia sẻ.
Phạm Hoàng