Nghịch lý "chạy" trường
Tại sao các quận, huyện triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp luôn quy định chặt cho các diện trái tuyến, việc phân tuyến được ấn định đến từng khu phố, phường/xã nhưng chạy trường vẫn tồn tại?
Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT các quận, huyện phải xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực nhằm chạy trường, chạy lớp trong tuyển sinh đầu cấp.
Trước đó, Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng đã có công văn kết luận và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về công tác tuyển sinh tại các trường trên địa bàn TP. Trong đó, Thành ủy chỉ đạo kể từ năm học 2016-2017 phải chấm dứt tình trạng chạy trường, chạy lớp trên địa bàn TP.
Những chỉ đạo đó cho thấy lãnh đạo TP và ngành giáo dục đang và sẽ mạnh tay với những tiêu cực trong giáo dục, nhất là vấn đề chạy trường, chạy lớp đã gây bức xúc trong xã hội từ lâu.
Thực ra việc chạy trường, chạy lớp không phải mới ở một TP có hơn 2.000 trường học này. Đâu đó chúng ta nghe rằng việc vào được trường này phải mất vài chục triệu đồng, vào được trường kia phải có vài ngàn đôla, rồi vào được lớp nọ phải làm công trình này hay sổ vàng khác... đã không còn xa lạ nữa. Tại sao các quận, huyện triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp luôn quy định chặt cho các diện trái tuyến, việc phân tuyến được ấn định đến từng khu phố, phường/xã nhưng chạy trường vẫn tồn tại?
Một vị là nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 có lần “kêu” rằng: “Cứ đến mùa tuyển sinh, sợ nhất là thấy số lạ gọi đến, có khi muốn tắt ngấm điện thoại luôn. Bởi lại con cháu ai đó gửi gắm, lại năn nỉ nhận thêm, hay chỉ đạo phải nhận. Không nhận thì coi chừng, mà nhận rồi thì áp lực đủ thứ...”. Ngược lại, một hiệu trưởng tại một trường ở quận 10 lại thở dài: “Trường khác thì người ta chen nhau chạy đến, còn trường này thì người ta tìm mọi cách để chạy đi vì trường lụp xụp, chật chội nên năm nào tuyển sinh cũng thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu”.
Vấn đề đặt ra là tại sao phụ huynh phải “chạy”, sẵn sàng tốn kém không ít công sức và tiền của?
Có rất nhiều lý do được đưa ra nhưng lý do chính đáng nhất và rõ ràng là xuất phát từ chất lượng không đồng đều giữa các trường. Ai cũng có quyền chọn chỗ học tốt nhất cho con em mình. Đó là một thực tế không thể phủ nhận, như lời một nguyên hiệu trưởng trước đây từng nói: “Nước chảy về vùng trũng! Khi đời sống người dân ngày một nâng cao thì họ có quyền đòi hỏi những nhu cầu tốt hơn. Trong đó, nếu giáo dục chưa đáp ứng được thì buộc họ phải tìm đến cách tiêu cực nhất để đạt được thôi!”.
Điều đó cho thấy việc nâng chất lượng giáo dục mới là việc mà ngành giáo dục phải làm ngay và làm mạnh nếu muốn sớm xóa tình trạng chạy trường chứ không phải chỉ dừng lại ở đôi ba khẩu hiệu.
Như vừa rồi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi thăm ngôi trường có hơn 10 năm là mô hình trường tiên tiến, hiện đại THPT Lê Quý Đôn tại TP.HCM đã góp ý rằng chúng ta cần khuyến khích cho những trường có điều kiện đầu tư xây dựng trường tiên tiến, hội nhập quốc tế nhưng việc nâng cao chất lượng ở những trường tốp dưới mới quan trọng hơn. Có như thế mới đảm bảo tất cả học sinh đều có cơ hội được học tập ở môi trường tốt và thực sự đáp ứng nguyện vọng của đa số người dân.
Theo Hà An
Pháp luật TPHCM