Nghệ An: Còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn

(Dân trí) - Theo thống kê của ngành GD&ĐT Nghệ An, tỉnh này hiện đang còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn ở cả 4 bậc học. Các phòng học tạm tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, địa hình hiểm trở, đời sống người dân còn hết sức khó khăn.

Nếu như năm học 2013-2014, thời điểm thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp toàn tỉnh Nghệ An có 2.941 điểm trường, thì đến năm học 2017-2018 tỉnh này còn 2.692 điểm trường. Trong đó bậc học mầm non có 542 trường (với 677 điểm trường lẻ), 6.633 nhóm lớp, 215.752 trẻ.

Bậc tiểu học có 50 trường (498 điểm trường lẻ) với 9.559 lớp, 262.140 học sinh.

Bậc trung học cơ sở có 409 trường (26 điểm trường lẻ), 5.241 lớp, 178.908 học sinh.

Bậc trung học phổ thông có 90 trường, 2.316 lớp với 87.869 học sinh.

Nghệ An hiện đang còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn
Nghệ An hiện đang còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn

Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An được đánh giá là cơ bản đáp ứng được nhu cầu đến trường của học sinh và nhu cầu học tập của nhân dân. Tại Nghệ An, cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học công lập; tăng số trường mầm non ngoài công lập ở các vùng có điều kiện thuận lợi; các điểm trường lẻ được sáp nhập tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng toàn diện.

So với năm học 2013-2014, bậc mầm non tăng 25 trường (trong đó có 1 trường công lập, 24 trường ngoài công lập), giảm 151 điểm trường lẻ. Bậc tiểu học giảm 1 trường và 115 điểm trường lẻ. Bậc THCS giảm 1 trường và 6 điểm lẻ. Riêng bậc THPT giảm 2 trường ngoài công lập.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện toàn tỉnh đang còn hơn 6.000 phòng học bán kiên cố và gần 1.200 phòng tranh tre, tạm mượn. Trong đó bậc mầm non có 706 phòng, bậc tiểu học 393 phòng, THCS còn 131 phòng và bậc THPT còn 90 phòng học tạm. Hầu hết các phòng học này đều nằm ở những địa phương cực kỳ khó khăn thuộc các huyện miền núi, giao thông cách trở.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng. Các hạng mục như phòng hành chính, phòng học đa chức năng... nhiều trường vẫn chưa được triển khai do thiếu nguồn kinh phí.

Để xóa phòng học tạm mượn và xây mới bổ sung phòng học phù hợp với quy mô phát triển mạng lưới trường lớp, tỉnh Nghệ An cần tới gần 15.000 tỉ đồng
Để xóa phòng học tạm mượn và xây mới bổ sung phòng học phù hợp với quy mô phát triển mạng lưới trường lớp, tỉnh Nghệ An cần tới gần 15.000 tỉ đồng

Từ năm 2018-2020, tỉnh Nghệ An ưu tiên xóa phòng học tạm, mượn; xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo điều kiện phục vụ dạy, học và nhu cầu sinh hoạt cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú. Cùng với việc xây dựng bổ sung các phòng học để do tăng quy mô phát triển, thay thế phòng học cấp 4 đã xuống cấp và xây mới xóa phòng tranh tre, tạm mượn… tỉnh Nghệ An cần tới xấp xỉ 15.000 tỉ đồng để thực hiện.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, trên tất cả các bậc học sẽ có hơn 4.000 phòng học được xây mới để xóa phòng cấp 4 và phòng tạm, mượn và khoảng 2.000 phòng học mới, các phòng chức năng khác.

Ngoài việc tích cực vận động, thu hút các nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án; tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác, huy động xã hội hóa giáo dục…, tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để thực hiện mục tiêu xóa phòng học tạm, mượn trên địa bàn.

Hoàng Lam