Mỏi mắt chờ hướng dẫn gửi trẻ ngoài giờ

Nhiều công nhân đã hủy đăng ký ở trường công và đưa con ra gửi tại các cơ sở mầm non tư thục.

Theo kế hoạch của TP.HCM, năm học 2016-2017 sẽ thí điểm giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 mỗi ngày và thứ Bảy hằng tuần tại ba trường mầm non thuộc quận Bình Tân và Thủ Đức. Tuy nhiên, đến nay các trường vẫn lúng túng chờ hướng dẫn nên chưa dám nhận trẻ hoặc nhận giữ nhưng không yên tâm.

Không đợi được, gửi con bên ngoài

Thủ Đức là quận có đến hai trường mầm non được TP đưa vào thí điểm nhận trẻ ngoài giờ là Trường Mầm non Hoa Đào (KCX Linh Trung 1, phường Linh Xuân) và Hoàng Yến (KCX Linh Trung 2, phường Linh Trung).

Hai trường này mới khánh thành vào đầu năm học và nhận giữ 100% con em của công nhân lao động. Nhà trường này đã sớm tiến hành khảo sát về nhu cầu của phụ huynh để đăng ký mở lớp ngoài giờ. Đến nay Trường Mầm non Hoa Đào có 100 trẻ đăng ký và Trường Hoàng Yến có 55 trẻ.

BàNguyễn Thị Thúy Nga, PhóTrưởng phòng GD&ĐT quận, cho biết ngày thường chủ trương nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 nhưng các trường phải lên kế hoạch nhận trẻ đến giờ tan ca của công nhân là 18 giờ 30. Nhưng đến nay các trường vẫn chưa thực hiện được vì chưa có hướng dẫn cụ thể và chính sách hỗ trợ.

Hơn nữa, theo bà Nga, quận đang thiếu 56 giáo viên mầm non. Mặc dù đã qua hai đợt tuyển dụng nhưng số ứng viên rất ít, kể cả diện KT3. Điều này khiến các trường gặp khó trong bố trí nhân sự, nhất là những trường nhận giữ trẻ ngoài giờ và trẻ 6-18 tháng tuổi.

Nhiều phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Yến (thuộc KCX Linh Trung 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) mòn mỏi chờ trường mở lớp giữ trẻ ngoài giờ từ đầu năm học đến nay. (Ảnh: PA)
Nhiều phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Yến (thuộc KCX Linh Trung 2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) mòn mỏi chờ trường mở lớp giữ trẻ ngoài giờ từ đầu năm học đến nay. (Ảnh: PA)

“Hiện cả hai trường chỉ mới nhận giữ trẻ thứ Bảy chứ chưa thể nhận giữ trẻ theo ca ngoài giờ. Chúng tôi mong TP sớm có hướng dẫn cụ thể để phụ huynh yên tâm” - bà Nga nói.

Nói về khó khăn này, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, cho biết: “Vì không sắp xếp được đội ngũ và chờ đợi quá lâu nên vừa rồi có đến 30 trẻ phải gửi ở các cơ sở tư thục bên ngoài. Đây là thiệt thòi lớn cho phụ huynh mà trường cũng chưa biết phải làm sao. Riêng ngày thứ Bảy, các giáo viên, nhân viên đã cố gắng giữ trẻ từ đầu năm học đến nay nhưng cũng chưa nhận được trợ cấp gì”.

Tương tự, đại diện Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân) cho biết trường được chọn thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ với hai lớp. Tuy nhiên, hiện trường đã nhận giữ trẻ đến 17 giờ 30 và thứ Bảy nhưng trường cũng đang nóng lòng chờ hướng dẫn của TP về chế độ tài chính và hỗ trợ cho giáo viên để kịp thông báo đến phụ huynh.

Khó trăm bề

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP sáng 14-10, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở GD&ĐT TP, cho biết kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ này đang phải chờ các sở, ngành góp ý và UBND TP phê duyệt rồi mới ban hành được. Trong đó dự kiến 50-50, tức 50% ngân sách và 50% do công đoàn các KCN-KCX của công nhân hỗ trợ.

Theo bà Liên, việc hỗ trợ này cũng “gặp khó” khi tính toán bố trí giáo viên giữ trẻ ngoài giờ sao cho đúng với quy định của Bộ luật Lao động. Thực tế, đặc thù của giáo viên mầm non là làm việc từ 6 giờ đến 16 giờ 30 mỗi ngày, nghĩa là họ đã phải làm hơn 10 tiếng/ngày.

“Theo Bộ luật Lao động, giáo viên làm thêm không được quá 200 giờ/năm nên khi quận Thủ Đức đề nghị giữ trẻ đến 18 giờ 30 thì chúng tôi nói rằng không thể được. Vì nếu giáo viên chỉ giữ trẻ đến 17 giờ 30 mỗi ngày và cả ngày thứ Bảy thì tổng cộng số giờ giáo viên phải làm thêm một năm là 525 giờ là quá nhiều. Nếu quận đề xuất thêm một giờ/ngày, tức đến 18 giờ 30 thì mỗi giáo viên phải làm thêm đến hơn 700 giờ/năm. Việc xây dựng chế độ chính sách cũng rất khó nên bắt buộc phải có giáo viên chia ca làm và làm sao mỗi giáo viên làm thêm không quá 200 giờ/năm theo quy định” - bà Liên phân tích.

Theo bà Liên, Sở GD&ĐT đã đề nghị Sở Nội vụ phải bổ sung định biên giáo viên theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ là 2,5 giáo viên/lớp (nhóm trẻ) và 2,2 giáo viên/lớp (mẫu giáo). Tức là cứ năm lớp nhà trẻ hoặc mẫu giáo thì sẽ có 10-15 giáo viên.

“Có như thế mới đủ giáo viên để chia ca giữ trẻ ngoài giờ được. Đồng thời, Sở Nội vụ phải bổ sung định biên nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên cấp dưỡng theo mức với 30-50 trẻ sẽ có một nhân viên nuôi dưỡng chứ như hiện nay hơn 100 trẻ mới có một nhân viên nuôi dưỡng và cấp dưỡng, như vậy khó khăn cho các trường trong việc bố trí công việc” - bà Liên nói.

Bà Liên cũng cho rằng nhu cầu gửi trẻ thì rất lớn nhưng công đoàn các KCN-KCX cũng phải có trách nhiệm phối hợp để xem xét và hỗ trợ cho những trường hợp thực sự cần thiết chứ nhà trường không thể giải quyết tất cả được.

Việc doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để giữ trẻ ngoài giờ, ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX, cho biết khi chủ trương của TP đưa ra thì ban quản lý đã đề nghị phương án 50-50. Tuy nhiên, khi ban quản lý làm việc với công đoàn các doanh nghiệp thì họ cho biết không có kinh phí để chi. Ông Thông đề nghị Liên đoàn Lao động TP cần có chủ trương hướng dẫn các công đoàn thỏa thuận với doanh nghiệp.

Ông Thông cũng cho rằng người lao động cũng nên đóng góp một phần vì khi tăng ca thì doanh nghiệp đã phải trả thêm mức phí là 150% ngoài tiền lương quy định một giờ/ngày.

_________________________________

Theo đề án của TP.HCM, năm học 2016-2017, TP bắt đầu thực hiện kế hoạch thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17 giờ 30 và cả ngày thứ Bảy cho con công nhân tại KCX-KCN trên địa bàn TP.

Năm học 2017-2018 sẽ triển khai thực hiện tại KCX Tân Thuận (quận 7) và KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi). Năm học 2018-2019 thực hiện đại trà tại các trường mầm non KCX-KCN ở các quận, huyện. Từ năm học 2019-2020 và các năm tiếp theo, các quận, huyện tập trung mở rộng số trường nhận giữtrẻngoài giờ cho con công nhân tại KCX-KCN.

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm