Lo con bị xâm hại, cha mẹ tìm cách “cô lập” trẻ

(Dân trí) - Trước nạn xâm hại tình dục trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh hoảng hốt, lo lắng bảo vệ con bằng mọi cách, thậm chí tìm cách “cô lập” trẻ với mọi người mong con được an toàn.

Phòng nhầm còn hơn bỏ sót

Chị Phan Thị Ngọc, ngụ ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, trước đây chị ít khi chú ý nguy cơ con bị xâm hại nhưng gần đây trước thông tin về một số vụ ấu dâm, chị cuốn vào vòng xoáy lo lắng. Ngoài việc lên mạng xã hội chia sẻ, “còm” ý kiến bức xúc của bà mẹ bỉm sữa, chị thon thót đứng ngồi không yên với cô con gái 4 tuổi.

Nghĩ lại nhiều lần nhờ các chú, các bác thân quen bế cháu đi chơi, dịp hè thì thả rông về ông bà ngoại mấy tháng liền... mà chị lạnh tóc gáy, nói ngay: “Giờ không dám nữa! Bây giờ con đi học về là tôi giữ cháu trong tầm mắt, mẹ nấu ăn thì con bày đồ chơi chơi giữa nhà, không dám cho đi đây đi đó. Sợ lắm, sơ sẩy một chút thì hối hận một đời”.


Cha mẹ đang thật sư lo lắng về sự an toàn của con trẻ. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ đang thật sư lo lắng về sự an toàn của con trẻ. (Ảnh minh họa)

Chưa kể, chị Ngọc cũng nhanh chóng thực hành các kiến thức bảo vệ con như liên tục dặn con không cho ai bế bồng, chỉ các chỗ trên cơ thể tuyệt đối không cho ai sờ đến. Chị còn lôi các chú, các cậu mà trước giờ cháu hay chơi cùng, hù “họ là người xấu, con phải tránh xa ra”. Chị dồn dập dạy con như thể bù đắp cho việc lâu nay mình đã chủ quan, thờ ơ.

Giống tâm trạng của chị Ngọc, rất nhiều bà mẹ, nhất là những người có con gái, trong khi mà làn sóng phẫn nộ về nạn ấu dâm cũng làm mọi cách lập “hàng rào an toàn” cho con bằng mọi cách. Họ quan tâm hơn đến việc dạy con bảo vệ bản thân, đề phòng mọi người khi mà chính bố mẹ nhìn đâu cũng thấy... kẻ xấu.

Chị Trần Thu Anh, sống tại khu chung cư ở quận Thủ Đức cho hay, trước giờ chị hay cho con gái 6 tuổi xuống sân chơi của chung cư vui chơi với các bạn. Nhưng giờ không có bố mẹ đi cùng là cấm tiệt, khóa trái trong nhà. Anh chị lại không có nhiều thời gian nên thành ra cháu bị “siết” thì khó chịu, khóc lóc. Để con sợ khỏi đòi đi chơi, chị kể những vụ bé gái bị làm hại cho con nghe, dọa con nếu bị như vậy sẽ thế này thế nọ.

Nắm được thông tin, thủ phạm phần lớn là người quen nên chị liệt kê hết cho con nghe chú này chú nọ trước đều là người quen thân thì giờ đều là kẻ xấu, con phải tránh xa ra. Ban đầu cháu phản ứng, bảo mẹ bày... bậy bạ nhưng sau đó có vẻ ngấm, nói cho đi chơi là lắc đầu kêu “Eo ôi, sợ lắm!”.

“Cháu chơi ở hành lang trước nhà tôi cũng mở cửa dòm liên tục. Mới hôm kia, khi đang chơi thấy chú nhà bên cạnh đi từ thang máy ra, cháu chạy ngay vào nhà hét lên “kẻ xấu” làm tôi cũng phải phì cười. Tôi cũng lo con mất tự tin, tự nhiên khi phải đề phòng này nọ nhưng nói thật chỉ mong con được an toàn đã”, người mẹ thật tình.

Chị cũng nói, bạn bè, đồng nghiệp giờ gặp nhau là toàn than chuyện làm sao để đảm bảo an toàn cho con. Khi không ở cạnh con bố mẹ lại hình dung đủ thứ chuyện không hay có thể xảy ra nên lòng dạ lúc nào cũng nhấp nhổm, bất an.

Đừng gieo vào đầu trẻ những lo lắng thái quá

Phải nói cơn bão dư luận bất bình trước nạn ấu dâm đã đánh động phần nào ý thức bảo vệ con bị “ngủ quên” của nhiều phụ huynh. Thế nhưng từ sự lo lắng thái quá dẫn đến việc nhồi một lúc cho con cả mới thông tin, kiến thức có thể gây tác dụng ngược.

Học sinh tiểu học ở TPHCM tham gia chuyên đề phòng chống xâm hại tình dục
Học sinh tiểu học ở TPHCM tham gia chuyên đề phòng chống xâm hại tình dục

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM đánh giá, bà thấy phụ huynh đang thật sự rất bất an. Phụ huynh nhìn đâu cũng thấy tội phạm nên bắt trẻ tránh xa mọi thứ. Chính sự bất an của người lớn dễ dẫn đến mặt trái hết sức nguy hiểm là gieo vào đầu trẻ những lo lắng không đáng có.

“Nhiều phụ huynh còn cho con xem những bộ phim về ấu dâm, đọc chi tiết các vụ xâm hại... làm trẻ dễ bị ám ảnh. Từ đó dẫn đến việc trẻ luôn có tâm lý nghi ngờ, không yên tâm với các mối quan hệ xung quanh. Tâm trạng hoảng sợ, lo lắng thì cả người dạy và người học sẽ khó tiếp nhận được điều gì”, bà Thúy khẳng định.

Mỗi khi có một sự việc gì đó nổi lên là chúng ta lại kéo nhau ra quân... rầm rầm như thể đói ăn, suy dinh dưỡng lâu ngày phải dồn hết trong một hai bữa. Nhồi nhét một thời gian lại cho vào quên lãng. Trong khi việc giáo dục về giới tính, các chuyên gia khẳng định phải là việc lâu dài, cả một quá trình và đặc biệt không thể đạt hiệu quả bằng sự hù dọa. Việc chăm chăm giữ con bên người cũng không phải là phương án hay vì điều này tước đi của trẻ sự tự do khám phá, vui chơi, tự do suy nghĩ cũng như làm mất đi các phản xạ, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tự lập trong cuộc sống của các em.

Dạy con qua trò chơi, giao tiếp hàng ngày

Bà Phạm Thị Thúy chia sẻ, thay vì hù dọa, làm trẻ sợ hãi, cha mẹ có thể thông qua các trò chơi, hoạt động thường ngày để dạy con cách ăn nói, ăn mặc, đi đứng, cách xư cử, cách bắt tay, giao tiếp, cách từ chối, biết nói không... sao cho phù hợp, kín đáo để các em phát triển thành một con người có nhân cách, giúp trẻ biết tránh xa những nguy cơ bị người khác làm tổn thương. Chúng ta vừa dạy trẻ nhưng cũng làm sao phải giúp các em thấy được sự bình yên, an tâm.

Bác sĩ tâm lý Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết, ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh phải giáo dục cho trẻ ý thức về quyền sở hữu cơ thể. Không những tôn trọng bản thân mình mà còn phải tôn trọng cơ thể của người khác. Tuyệt đối không cho bất cứ ai sờ chạm vào vùng nhạy cảm của mình.

Cha mẹ nên tập cho con thói quen kín đáo khi ăn mặc, thay quần áo; tập mặc đồ lót sớm. Ngoài ra hãy thường xuyên nói chuyện, chia sẻ hàng ngày với con, dành thời gian để tạo bữa ăn sum vầy của gia đình để nói nói chuyện về giới tính một cách nhẹ nhàng, thân tình. Và có thể dùng sách, báo để dạy trẻ về giới tính.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm