Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TPHCM
(Dân trí) - Theo ước tính, số học sinh TPHCM du học tại các nước tiên tiến trên thế giới khoảng 100.000 em, chiếm gần 1/4 tổng số học sinh trung học của TP. Do đó, TPHCM kiến nghị kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ việc nhập khẩu chương trình hoặc liên kết đào tạo, xây dựng các mô hình, phương thức đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế ngay tại TPHCM.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM Lê Hoài Nam kiến nghị như trên tại hội nghị chuyên đề “Kiều bào với phát triển nguồn nhân lực của TPHCM” trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới diễn ra chiều 12/11.
Theo ông Nam, để sớm thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế vào giáo dục phố thông, cách đây 10 năm, TPHCM đã thí điểm mô hình trường học tiên tiến. Từ 15 năm trước, TP cũng đã thí điểm dạy tiếng Anh trong trường tiểu học (Bộ GD-ĐT thí điểm vào năm 2011). Đề án phổ cập và nâng cao năng lực dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp của TPHCM xác định mục tiêu đảm bảo học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp sẽ đạt trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, tạo đà thuận lợi để các em hội nhập, tiếp thu nguồn kiến thúc phong phú trên thế giới.
Thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường, đẩy mạnh liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học lớn trên thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Số lượng đoàn học sinh các nước đến giao lưu với học sinh thành phố và ngược lại mỗi năm một tăng. Các trường chuyên nghiệp của TP cũng hợp tác đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao với các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Úc, Mỹ, New Zealand…
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, TP tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
TP sẽ giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ bù chi để san sẻ phần kinh phí ngân sách.
Bên cạnh đó, TP sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển giáo dục, đào tạo. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề ngoài công lập; cơ chế thuê cơ sở vật chất để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập.
Theo ước tính, số học sinh TPHCM du học tại các nước tiên tiến trên thế giới khoảng 100.000 em, chiếm gần 1/4 tổng số học sinh trung học của TP. Do đó, để góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục, TPHCM kiến nghị kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ việc nhập khẩu chương trình hoặc liên kết đào tạo, xây dựng mô hình, phương thức đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế ngay tại TPHCM.
“Đây là biện pháp nhằm vừa giảm thiểu việc nhập khẩu giáo dục, đưa du học sinh về đào tạo ngay trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm chi phí đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thành phố tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại, chất lượng”, ông Lê Hoài Nam nói.
Ông Nam mong muốn kiều bào tham gia xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho TP. TP khuyến khích mô hình hợp tác công - tư, trong đó kiều bào là nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại. Đặc biệt, kiều bào cung cấp các chương trình, tài liệu dạy học chất lượng và trở thành chuyên gia, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục này.
“TP cũng mong muốn kiều bào hỗ trợ công tác đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh, giáo viên dạy các môn Toán - Khoa học bằng tiếng Anh ở các trường phổ thông và giáo viên giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong các trường chuyên nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ công tác kiểm tra đánh giá, trình độ giáo viên, giảng viên”, ông Nam nói.
Quốc Anh