Không thống nhất đề xuất thay “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

(Dân trí) - Thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục Đại học được trình ra Quốc hội sáng nay 30/5, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành quan điểm tính đúng, tính đủ học phí nhưng không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo…

Cơ quan soạn thảo luật đề nghị thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ giáo dục nhưng cơ quan thẩm tra không tán thành
Cơ quan soạn thảo luật đề nghị thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ giáo dục" nhưng cơ quan thẩm tra không tán thành

Cơ quan thẩm tra lưu ý quan điểm sửa đổi luật cần xác định, có thể xem giáo dục đại học là dịch vụ đặc biệt nhưng không thương mại hóa; phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị của trường đại học trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Về vấn đề tự chủ đại học, Chủ nhiệm UB thẩm tra Phan Thanh Bình nhận định đây là việc cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở GDĐH, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo nhưng UB Văn giáo, Giáo dục cũng đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình.

Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu quy định trong dự thảo luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính và tài sản.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục nhận xét, dự thảo luật cơ bản đã khắc phục được các bất cập hiện nay về tổ chức và quản lý đào tạo nhưng vẫn phải lưu ý nhiều vấn đề.

Ví dụ, quy định về mở ngành, cần cân nhắc quy định cứng việc bảo đảm số lượng giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu đối với mở ngành đào tạo; đề nghị quy định rõ hơn về “giảng viên cơ hữu”, “giảng viên thỉnh giảng” và “báo cáo viên”, bảo đảm theo theo thông lệ thế giới. Về quan điểm rút ngắn thời gian học để thống nhất và tương thích với Khung trình độ quốc gia, cơ quan soạn thảo cũng phải giải trình, làm rõ việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định thời gian đào tạo cụ thể đối với mỗi trình độ của trường theo từng lĩnh vực, hình thức tổ chức đào tạo, bảo đảm tôn trọng tính tự chủ của trường.

Về tổ chức và quản lý đào tạo, cơ quan thẩm tra muốn quy định cứng trong luật về đào tạo theo học chế tín chỉ vì phương thức đào tạo có thể thay đổi theo thời gian.

Sử dụng khái niệm “học phí” như trong Luật Giáo dục

Vấn đề thời sự về giá dịch vụ đào tạo, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, đa số thành viên UB Văn hoá, Giáo dục tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép trường đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, UB không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Như Phúc)
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: Như Phúc)

Ông Phan Thanh Bình cũng khái quát, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra lưu ý cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Về vấn đề xếp hạng trường đại học, theo UB Văn hoá, Giáo dục, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, vấn đề quan trọng là chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng của trường, thực hiện kiểm định và xếp hạng. Vì vậy, đa số ý kiến trong UB ủng hộ giao cho Chính phủ, tùy theo yêu cầu của nhà nước và kết quả kiểm định chất lượng trường, định kỳ công bố danh sách các đại học, trường đại học trọng điểm được ưu tiên đầu tư cụ thể theo các nhiệm vụ chiến lược quốc gia và yêu cầu phát triển đất nước.

Với chính sách giảng viên, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét bổ sung các chính sách về riêng biệt và phù hợp về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giảng viên, bảo đảm “nhà giáo giữ vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục” và tôn vinh nghề dạy học.

Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định các chuẩn chức danh ngay trong luật, nghiên cứu quy định giao quyền cho nhà trường trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm giảng viên vào các ngạch, bậc từ giảng viên đến giảng viên cấp cao (PGS, GS) theo các tiêu chuẩn cơ bản do Chính phủ ban hành. Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu có điều khoản về giảng viên thực hành, giảng viên các lĩnh vực đặc thù và giảng viên thỉnh giảng để phù hợp với các điều kiện thực tế.

P.Thảo