Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:

“Khoa học và Công nghệ góp phần rõ rệt thúc đẩy tăng năng suất”

(Dân trí) - “Những ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần rõ rệt thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế...” – Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sáng 3/10, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV nhằm tổng kết phong trào thi đua yêu và công tác khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Đại hội có sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và hơn 300 gương điển hình tiêu biểu đại diện cho hơn 3.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&CN.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ: Trong nhiều năm qua, ngành khoa học công nghệ Việt Nam đã nỗ lực thi đua, đổi mới và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Ngành đã có những kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản ở trình độ khu vực và thế giới trong lĩnh vực Toán, Vật lý; có những sản phẩm khoa học công nghệ mang tầm khu vực và thế giới như sản xuất vắc xin, những thành tựu về ghép tạng, thành tựu trong lĩnh vực mổ nội soi của ngành y tế; có những sản phẩm siêu trường, siêu trọng đạt tiêu chuẩn quốc tế được cộng đồng quốc tế thừa nhận như giàn khoan tự nâng 90m nước, 120m nước… Những nỗ lực của ngành đã được đền đáp thông qua sự đánh giá quốc tế của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới với xếp hạng của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây.

Dấu ấn nổi bật của những phong trào thi đua

Báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước thời gian qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN luôn chú trọng việc đổi mới nội dung các phong trào thi đua, gắn các phong trào thi đua với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, từng Khối thi đua. Cụ thể, Bộ đã quán triệt, động viên và tổ chức nhiều phong trào thi đua góp phần thúc đẩy cán bộ, công chức của Bộ tập trung, nỗ lực hoàn thành và trình ban hành 184 văn bản, trong đó có 2 Luật; 29 Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 153 văn bản cấp Bộ,,, góp phần tháo gỡ được các khó khăn về thủ tục hành chính, đưa nhiệm vụ nghiên cứu khoa học gắn kết với yêu cầu thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm tăng cường huy động nguồn lực tài chính và phân bổ hợp lý cho hoạt động KH&CN, Bộ đã thực hiện việc đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN, đặc biệt là việc áp dụng cơ chế quỹ để phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN; Bộ đã tích cực phối hợp với các Bộ có liên quan để hoàn thiện quy định nhằm thu hút, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học có trình độ cao; kịp thời đưa các giải pháp thúc đẩy giải phóng mặt bằng và đầu tư tại 3 khu công nghệ cao quốc gia.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Bộ KH&CN
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động cho các cá nhân có thành tích xuất sắc của Bộ KH&CN

Đáng chú ý là việc tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu để giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính cho người làm khoa học; đi tiên phong trong hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khoa học và doanh nghiệp…

Bộ KH&CN cũng đã quan tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ; tổ chức chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ ở quy mô quốc gia, vùng, địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy cung-cầu công nghệ. Kết quả là 3 sàn giao dịch công nghệ điển hình tại Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng giai đoạn 2010-2014 có giá trị giao dịch đạt 432,5 tỉ đồng và 99 triệu USD.

Nhiều chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm được triển khai hiệu quả. Điển hình là các chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến do Bộ KH&CN chủ trì thực hiện từ năm 2014 đã góp phần tạo ra các công nghệ tiên tiến, sản phẩm mới chất lượng cao (như các giống cây trồng, vật nuôi mới, công nghệ nhân giống mới, chế phẩm sinh học có hoạt lực cao…).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” cho các cá nhân tiêu biểu của Bộ KH&CN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” cho các cá nhân tiêu biểu của Bộ KH&CN

 

Đặc biệt hơn cả là Cục Sở hữu trí tuệ đã hoàn thành xuất sắc việc chuẩn bị phương án và trực tiếp tham gia đàm phán 6 hiệp định tự do thương mại quan trọng. Cục đã tập trung chỉ đạo công tác tiếp nhận và xử lý đơn sở hữu công nghiệp, khuyến khích triển khai các biện pháp để tăng tốc độ xử lý đơn. Trong giai đoạn 2011-2015, đã tiếp nhận 192.283 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; xử lý 169.152 đơn (trong đó, 119.409 đơn được chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ). Cục cũng tích cực thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp/công nghệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 109 đặc sản địa phương; thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng…

Tập trung vào các phong trào thi đua có tính chất mở đường cho phát triển

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua của Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Mặc dù điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, quy mô và trình độ phát triển kinh tế-xã hội nước ta còn thấp, nhưng trình độ nghiên cứu và sản phẩm KH&CN Việt Nam trong một số lĩnh vực đã tiếp cận được tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Những ứng dụng KH&CN đã góp phần rõ rệt thúc đẩy tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế...

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu và chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước của Bộ Khoa học và Công nghệ
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu và chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước của Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước cũng nêu thực trạng năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực, khoảng cách phát triển KH&CN của Việt Nam với khu vực và thế giới còn lớn.

“Một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa tập trung cao độ cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống, hàm lượng chất xám còn thấp. Điều đó đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy đối với KH&CN ở tất cả các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng Bộ KH&CN” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phân tích

Để giải quyết bài toán này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan quán triệt: Trong giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua của Bộ KH&CN phải được cụ thể hóa bằng những con số, tiêu chí cụ thể. Trong đó tập trung vào các phong trào thi đua có tính chất mở đường cho phát triển KH&CN, mở đường cho sáng tạo, phát minh. Các phong trào thi đua của Bộ KH&CN là nhằm có nhiều sáng kiến, sáng tạo, phát minh, rút ngắn khoảng cách từ phát mình đến ứng dụng, tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thông tin, thông báo kết quả nghiên cứu, phổ biến rộng rãi các mô hình mới.

Bên cạnh đó cần phải khơi nguồn lực cho KH&CN thông qua việc huy động tiềm lực của các tập đoàn, doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học và thực hiện thành công chính sách liên kết 4 nhà, gắn KH&CN với nhà sản xuất, kinh doanh,làm tăng hàm lượng giá trị KH&CN trong mọi hoạt động để làm tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Cần phải đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực của công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững" - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh. 

Nguyễn Hùng
(Email hungns@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm