Khi trẻ bị bố mẹ “tra tấn” vì thất tình
(Dân trí) - Đổ vỡ tình cảm tuổi con nít nhưng không ít cô cậu cô cậu học trò sẵn sàng tìm đến cái chết. Nếu bố mẹ thờ ơ hoặc cư xử thiếu tỉnh táo có thể sẩy mất con trong phút chốc.
Muốn chết lần hai
Con trai lớp 8 được cứu sống sau khi rửa ruột từ bệnh viện về vì uống cả vốc thuốc ngủ, chị Trần Thị M., ở Gò Vấp, TPHCM như điên như dại khi biết cháu muốn chết vì cô bạn gái cậu thầm yêu trộm nhớ khoe trên Facebook đã có người yêu.
Con còn phải nuốt từng thìa cháo, còn chị nghỉ việc, suốt ngày ra vào hằm hè bắt con phải trình bày tại sao tý tuổi đã yêu với đương, rồi còn ngu dại đòi chết với. Chị hy vọng cháu sẽ lên tiếng thừa nhận lỗi của mình,phải hứa từ nay sẽ sửa đổi.
Chỉ sau lần thứ nhất uống thuốc ngủ chưa được một tuần, con trai chị lại uống thuốc… tự tử. Vẫn cứ nghĩ con quyết chết vì tình, chị M. càng làm căng. Chỉ khi gia đình hết cách, tìm đến chuyên gia tâm lý, chị mới ngỡ ngàng biết con muốn chết lần hai bởi không biết phải đối diện với mẹ thế nào sau khủng hoảng.
Người mẹ được cảnh báo, nếu chị không nhanh chóng thay đổi thái độ giúp con vượt qua khủng hoảng thì mất con chỉ là chuyện ngày một ngày hai.
Giáo viên tư vấn học đường bậc THCS của một trường học ở TPHCM kể về trường hợp đau lòng xảy ra với cô học trò lớp 8 cùng sự day dứt của mình.
Khi phát hiện cuốn nhật ký viết tâm tư “Không có anh, em sống chẳng còn ý nghĩa”, Hiền (tên nhân vật đã thay đổi) đã bị mẹ “tra tấn” đủ kiểu. Suốt ngày, cứ đụng mặt con cái là người mẹ lại nhắc đi nhắc lại điệp khúc “bé tý đã… mê giai”. Đặc biệt, bà gọi điện khắp nơi, ai đến nhà cũng lôi “tình sử” của Hiền ra kể ngay lúc có mặt con gái với giọng mỉa mai. Chưa hết, bà còn cầm cuốn nhật ký sang hàng xóm để than thở, để chứng minh con mình hư thế nào.
Bế tắc, cô học trò tìm đến phòng tư vấn “cầu cứu” vì em không chịu đựng nổi thêm được nữa. Cuối cùng, chuyên viên tư vấn buộc phải trao đổi với người mẹ về tình trạng đầy nguy cơ của Hiền kèm đề nghị người mẹ không được để đứa con biết về cuộc gặp này
Điều mà giáo viên tư vấn không lường được là cuộc gặp đã đẩy học trò đến đỉnh điểm chịu đựng khi người mẹ về làm ầm ĩ trách con gái dám bêu xấu mình với giáo viên.
“Trước khi làm điều dại dột, em nhắn tin hận tôi lắm. Tuy em được cứu kịp thời nhưng sau đó em bỏ học. Tôi nhiều lần muốn tiếp cận với em vừa để xin lỗi để em hiểu mình và muốn giúp em nhưng không được ”, chuyên viên tư vấn này nói và bày tỏ nhiều sự việc nối tiếp nhau, cô học trò đã hoàn toàn bị mất niềm tin ở người lớn.
Đây cũng là tình cảnh nhiều chuyên viên tư vấn trường học gặp phải khi xử lý “sự cố” của học trò. Trong nhiều trường hợp, giáo viên buộc phải làm việc cùng gia đình nhưng một số phụ huynh không hợp tác mà còn đẩy sự việc nghiêm trọng hơn.
Cần thừa nhận tình cảm của con
Hầu hết, phụ huynh có phản ứng mạnh, tiêu cực khi phát hiện con “thất tình” xuất phát từ tâm lý cấm con yêu và không muốn thừa nhận tình cảm nam nữ của trẻ. Nhưng cho dù cha mẹ có cấm đoán đến nào thì tình cảm của trẻ vẫn xuất hiện một cách tự nhiên mà chính các em cũng không “cưỡng” lại được.
Những rung động đầu đời dễ thay đổi nên việc trẻ sẽ rơi vào cảnh thất tình là chuyện đương nhiên. Trẻ cần học yêu và học cả cách… thất tình – bỏ người yêu và bị người yêu bỏ. Bố mẹ cần đối diện để giúp con vượt qua cú sốc một cách an toàn nhất.
Cũng từng điên loạn khi phát hiện con trai lớp 9 biết yêu và đến khi biết con hai lần có ý định tử vẫn vì bạn gái cùng lớp có người yêu, chị Mai Ngọc Lan, ở Tân Phú, TPHCM nhận ra nếu mình cứ căng thẳng, càng đẩy con vào những nguy cơ khó lường. Trước khi mong con thay đổi, chị biết mình phải thai đổi trước.
Biết khó khăn lớn nhất của con là phải đối diện với “đối phương” hàng ngày trên lớp cũng như nhìn người ta hạnh phúc, chị Loan quyết định xin cho con nghỉ học, còn chị nghỉ làm để đi du lịch và về quê chơi.
Hành trình gần nửa tháng không chỉ giúp chị kéo con ra khủng hoảng trước mắt mà hai mẹ con có cơ hội đối diện để nói chuyện như hai người lớn. Và trong những cuộc nói chuyện với con, chị luôn nhấn mạnh việc ai cũng có thể thất tình, kể cả mẹ.
“Thậm chí lúc đó tôi còn tính đến việc cho cháu tạm nghỉ học một năm hoặc chuyển trường. Nhưng không ngờ, đi về cháu chủ động trở lại trường và mấy hôm sau thì nói với mẹ: “May mà con chưa chọn cái chết, cuộc đời còn nhiều cái đẹp lắm”, bà mẹ kể.
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) chia sẻ, khi biết con đau khổ và đang có những suy nghĩ dại dột vì tình cảm, phụ huynh nên tìm cách nói chuyện với con sao cho tự nhiên như hỏi han chuyện yêu đương của bạn bè, kể chuyện người này người nọ.
Qua đó, đưa ra những tình huống, câu chuyện xảy ra trong thực tế giúp con hiểu rằng nếu “vướng” vào những việc như đánh ghen, tự tử… thì không chỉ đánh mất cả cuộc đời mà bố mẹ cũng đau lòng vô cùng.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể kể tếu với con, ngày trước bố mẹ cũng thất tình, đau khổ dữ lắm, cũng tưởng không vượt qua được. Nhưng thật may bố mẹ qua “cửa ải”, chú trọng cho việc học, nhờ đó sau này gặp được người xứng đáng hơn như một lời “đánh động” và “gỡ nút” cho con.
Bà Hồng nhấn mạnh, đối với chuyện tình cảm của trẻ, cha mẹ cần có sự đồng cảm, đừng la mắng, quát tháo con. Ở tuổi này, các em hay tuyệt đối hóa chuyện tình cảm; tôn sùng, đòi hỏi tuyệt đối ở đối tượng đến mức cực đoan. Nên khi gặp sự cố, các em bị suy sụp, hành động nông nổi – là tâm lý cha mẹ cần thừa nhận.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)