Hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ

(Dân trí) - Những năm vừa qua sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước hội nhập với các chuẩn mực quốc tế. Nhân dịp đầu xuân năm mới, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục luôn tin tưởng và hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ.

GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam: Cần có cơ chế khuyến khích "Gà quí" đẻ "Trứng vàng".


GS.TS Phạm Văn Điển

GS.TS Phạm Văn Điển

Tôi ủng hộ nhiều điểm mới trong bản thảo của Thông tư ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn đang lấy ý kiến góp ý. Đó là những đổi mới rất cần thiết và tiến bộ, nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo tôi, có một số điểm quan trọng cần được cân nhắc thêm để hoàn thiện bản quy chế. Chẳng hạn, về thẩm định luận án, cần giao trách nhiệm nhiều hơn cho người hướng dẫn, không cần phải phản biện kín (còn gọi là phản biện độc lập). Khi người hướng dẫn và các thành viên của hội đồng nhất trí thông qua, họ sẽ chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Đây cũng là thương hiệu của họ. Không cần phải phản biện kín. Nên lấy kết quả thực hiện luận án làm thước đo chủ yếu.

Cần giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh đầu tư vào chất lượng chuyên môn. Về cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo, cũng cần đưa ra khung tiêu chuẩn với từng nhóm chuyên ngành. Về tổ chức thực hiện, cần quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo các điều kiện cần và đủ cho quá trình đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Nên quy định rõ hơn về khuyến khích các nhà khoa học ngoài nước hướng dẫn nghiên cứu sinh ở Việt Nam...

Những quy định mang tính chuyên ngành nêu trên là khá tốt và tích cực. Tuy nhiên, để biến ý tưởng của Ngành thành kết quả thực tiễn, rất cần một cơ chế đa ngành nữa nhằm khuyến khích "gà quí" đẻ "trứng vàng" và "trứng vàng" cần được nuôi dưỡng tốt để trở thành "gà quí". Cơ chế ở đây căn bản là yếu tố tự chủ và nguồn tài chính hỗ trợ cho cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh, đồng thời là tạo môi trường học tập và làm việc cho các nhà khoa học.

Năm Đinh Dậu đã đến, tôi hy vọng nền giáo dục nước nhà sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ, đầy tự tin và sôi nổi từ mùa xuân này.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH Quốc gia Hà Nội: Hãy nhận thức đầy đủ các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.


GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Những năm vừa qua sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và từng bước hội nhập với các chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, đã có những điều chỉnh tích cực trong đổi mới tuyển sinh và triển khai hiệu quả việc kiểm định chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học.

Sang năm mới Đinh Dậu, tôi mong muốn việc đổi mới giáo dục đại học trước hết tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sỹ: chú trọng từ khâu tuyển đầu vào, quá trình đào tạo cho đến chuẩn đầu ra; thứ hai, là đổi mới các tiêu chuẩn xét duyệt và nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS đồng thời có chế độ đãi ngộ tương xứng; thứ ba, là đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc kiểm định các chương trình đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học; thứ tư là đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng và kỹ năng thực tế cho sinh viên đại học để khi ra trường có thể tìm ngay được việc làm và khởi nghiệp.

Và điều cuối cùng, tôi muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hãy tự trang bị cho mình một nền tảng tri thức khoa học và ngoại ngữ vững vàng, tự tin vào năng lực cá nhân, tích cực, chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, tôi mong muốn mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học và các bạn trẻ, hãy nhận thức đầy đủ các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát huy cao nhất sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mình, chung tay góp sức nắm bắt những thời cơ và vận hội mà cuộc cách mạng này mang đến, đưa đất nước chúng ta được phồn vinh, tiến nhanh, tiến mạnh, đuổi kịp các nước tiên tiến và vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân: Trường đại học phải là người chịu trách nhiệm về sinh viên thất nghiệp


GS.TS Trần Thọ Đạt

GS.TS Trần Thọ Đạt

Các bản tin thị trường lao động gần đây cho thấy số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học không kiếm được việc làm hiện tại đã là hơn 200.000 và có chiều hướng gia tăng. Thất nghiệp của sinh viên đại học thực sự đã và đang trở thành mối lo lớn của nhiều trường đại học, và đang tạo sức ép lớn của xã hội đối với cả quản lý của ngành giáo dục đào tạo về chất lượng đào tạo, về sự thích ứng của sản phẩm đào tạo của các trường đai học đối với nhu cầu xã hội.

Theo góc độ kinh tế học, thất nghiệp xảy ra khi cung và cầu trên thị trường lao động không ăn khớp, cung vượt cầu ở các thị trường việc làm cụ thể. Trước hết, cần chú ý là kinh tế học phân biệt thất nghiệp thành 2 nhóm: dài hạn và ngắn hạn. Thất nghiệp dài hạn hay thất nghiệp tự nhiên là mức thất nghiệp được duy trì ngay cả khi nền kinh tế đạt cân bằng dài hạn. Thất nghiệp tự nhiên gồm thất nghiệp tạm thời, thất nghiệp cơ cấu,…trong đó thất nghiệp tạm thời có nguyên nhân từ việc người lao động cần có thời gian để tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng của mình, sinh viên mới gia nhập thị trường lao động,…Về ngắn hạn, thất nghiệp được coi là có tính chu kỳ do nền kinh tế dao động theo chu kỳ và khi sản lượng thực tế thấp hơn mức cân bằng dài hạn.

Tìm hiểu sâu thêm về tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay, ta có thể thấy một số nguyên nhân cả từ phía cung và phía cầu như Trong thời gian qua, “cung” đã tăng quá mạnh do thành lập thêm quá nhiều trường đại học, quy mô đào tạo đại học đã gia tăng quá mạnh so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đặc biệt là ở một số ngành.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học hiện nay về cơ bản là xác định theo “năng lực đào tạo” của các trường đại học, rất ít dựa trên đánh giá hay điều tra về cầu của thị trường lao động, đặc biệt là cầu dài hạn từ 4-5 năm trở lên (ứng với một chu kỳ đào tạo đại học).

Về phía cầu, chúng ta thiếu những cơ sở dữ liệu và đánh giá đủ chi tiết về nhu cầu thị trường việc làm làm căn cứ để các trường đại học tổ chức tuyển sinh và đào tạo.

Bên cạnh đó, có sự thiếu gắn kết giữa trường đại học với thị trường việc làm và công giới. Hiện tại chuẩn đầu ra của hầu hết các trường đại học còn khá chung chung, chủ yếu là mang tính chất “có để báo cáo Bộ”. Vai trò của các hội và tổ chức nghề nghiệp trong việc phối hợp với các trường đại học để xác định các tiêu chuẩn nghề nghiệp còn rất yếu.

Trong mấy năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của đất nước gặp khó khăn và đà tăng trưởng có xu hướng chững lại. Các giải pháp trước mắt cần tập trung vào khắc phục những khiếm khuyết nêu trên.

Tôi tán thành với quan điểm của Bộ trưởng khi cho rằng trước hết là các trường đại học phải là người chịu trách nhiệm về sinh viên thất nghiệp. Các trường cần có những nghiên cứu đánh giá toàn diện và chính xác hơn về việc làm của sinh viên khi ra trường, điều tra đánh giá “theo vết” thường xuyên việc làm của sinh viên, về chuyển đổi nghề nghiệp cụ thể, về thu nhập và ý kiến phản hồi của cựu sinh viên về ngành/chuyên ngành và chương trình đào tạo, mạnh dạn dừng đào tạo và xóa bỏ những ngành đào tạo không còn phù hợp. Chúng ta cũng cần tăng cường gắn kết đổi mới chương trình đào tạo và cụ thể hóa chuẩn đầu ra trên cơ sở tham vấn các tiêu chuẩn nghề nghiệp của các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp.

Về phía Bộ Giáo dục Đào tạo cũng cần thực thi ngay những biện pháp rà soát về hiện trạng đào tạo và việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chuẩn đầu ra đã công bố, cương quyết giải thể các trường hoặc dừng đào tạo các ngành nhiều năm không tuyển sinh được,…

Hiện tại các trường đại học rất cần có các thông tin đầy đủ và cập nhật hơn về những phân tích đánh giá mang tính dự báo dài hạn hơn và chi tiết hơn về thị trường lao động trên cơ sở phối hợp của hệ thống thông tin quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi và Tổng cục Thống kê,…

TS Đàm Quang Minh, Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE): Năm 2017, giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thách thức và trăn trở.


TS Đàm Quang Minh

TS Đàm Quang Minh

Năm 2017, giáo dục Việt Nam tiếp tục có nhiều thách thức và trăn trở. Số học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học ngày càng tăng cao. Năm 2016, lượng du học sinh tăng khoảng 15% đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có số học sinh – sinh viên du học lớn trên thế giới.

Vận hành giáo dục đại học Việt Nam có thể coi như lái xe mà thiếu các đồng hồ thông báo các chỉ số. Các số liệu về thị trường lao động để định hướng giáo dục còn rất thiếu. Các hệ thống kiểm định đang bước đầu hình thành nhưng vận hành vẫn mang tính hình thức và nặng về hành chính. Đây là những yếu tố quan trọng nhưng cũng không dễ hình thành ngay.

Bản thân các trường đại học không nhiều trường có được mối liên hệ hữu cơ với các doanh nghiệp dẫn tới việc cử nhân ra trường không làm được việc theo yêu cầu thực tế. Tuy nhiên những thông tin này không được công bố một cách minh bạch. Việc các giảng viên ít có liên hệ thực tế cũng dẫn tới việc bài giảng ít cập nhật và nghèo nàn về chất lượng.

Năm 2017 cũng đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng trong phát triển giáo dục nói chung. Các trường đại học kể cả những trường có uy tín lâu đời cũng đã bắt đầu cảm nhận được sự cạnh tranh để có được những sinh viên xuất sắc.

Sau giai đoạn khoảng 10 năm khá lộn xộn của sự phát triển các trường đại học tư thục thì nay đã định hình ra những trường có uy tín trong xã hội như các trường ĐH RMIT, ĐH FPT, ĐH Hoa Sen, ĐH Duy Tân, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Thăng Long, …

Những trường đại học tai tiếng hoặc hoạt động kém hiệu quả đã bị loại ra khỏi bản đồ giáo dục đại học như trường hợp ĐH Hà Hoa Tiên. Các Trường Đại học công lập cũng có những chuyển mình đáng kể để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới như ĐH Quốc gia Tp.HCM, ĐH Ngoại thương, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y Hà Nội.

Quá trình này sẽ còn tiếp diễn và định hình thành những bản sắc riêng biệt của mỗi trường nhằm đáp ứng nhu cầu phát đa dạng của người học.

Năm 2017 sẽ là năm thách thức đối với tân Bộ trưởng Bộ giáo dục & đào tạo khi bước sang năm vận hành đầy đủ đầu tiên. Các mục tiêu chính sách mới phù hợp với quy luật phát triển của quốc tế nhưng sẽ vẫn là câu hỏi mở về mức độ thành công.

Những chính sách như trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học một cách sâu rộng, tạo sự đa dạng về sách giáo khoa phổ thông hay tăng cường kiểm định đại học là những định hướng đúng đắn và cần thiết để vừa tạo sự đa dạng trong phát triển mà vừa yêu cầu nâng cao chất lượng.

Nhật Hồng (ghi)