Hợp tác Việt- Nhật trong đào tạo nguồn nhân lực cao lĩnh vực Kỹ thuật hạ tầng

(Dân trí) - Với lượng dự án đầu tư ngày một tăng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản là vô cùng cấp thiết.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Các dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho Việt Nam. Kéo theo hoạt động đầu tư là nhu cầu về nhân sự chất lượng cao tăng mạnh.

Dấu ấn hợp tác trong lĩnh vực Kỹ thuật hạ tầng

Có thể đánh giá Nhật Bản là quốc gia có công nghệ kỹ thuật hạ tầng hiện đại và tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay và những công nghệ hiện đại đó đã và đang được triển khai một cách hiệu quả tại Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ thông qua việc Nhật Bản dành tỷ lệ rất lớn vốn ODA đầu tư vào Việt Nam cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ 1992-2011, Nhật Bản đã dành 19,7 tỷ USD nguồn vốn ODA cho Việt Nam, kết quả đã mở thêm 3309 km đường, xây dựng được 287 cây cầu các loại và tăng thêm sản lượng 4500 MW điện. Nguồn ODA này vẫn đang tiếp tục được đầu tư ngày càng lớn và hiệu quả cho Việt Nam.

Trong các dự án hạ tầng của Nhật bản đang đầu tư tại Việt Nam xuyên suốt chiều dài đất nước, một số công trình ở miền Nam như công trình xây dựng cầu Bình Khánh, dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước Tp Hồ Chí Minh giai đoạn 2.

Với ba dự án tiêu biểu trên, có thể thấy, các dự án đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng của Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu tập trung giải quyết các nhu cầu cấp thiết trong đời sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng và cả nước trong tương lai.

Hợp tác đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực Kỹ thuật hạ tầng

Với lượng dự án đầu tư ngày một tăng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản là vô cùng cấp thiết.

Chính vì vậy, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác xây dựng Trường ĐH Việt Nhật với mục tiêu: tận dụng thế mạnh về khoa học công nghệ tiên tiến của Nhật Bản; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp quản và chuyển giao những công nghệ tiên tiến của Nhật bản cho Việt Nam; đồng thời cũng đào tạo nguồn nhất lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động toàn cầu.

Chương trình thạc sỹ Kỹ thuật hạ tầng của Trường ĐH Việt Nhật được xây dựng trên cơ sở hợp tác với đối tác chính là Đại học Tokyo (Đại học hàng đầu của Nhật Bản) và 10 trường đại học khác của Nhật Bản. Chương trình bao gồm khối kiến thức chung, kiến thức cơ bản và cụ thể. Các môn học với kiến thức chung sẽ giúp học viên có kiến thức bao quát về khoa học bền vững, xã hội và môi trường.

Trong khi đó, các khóa học cơ bản, cụ thể giúp họ tích lũy kiến thức và kỹ năng cốt lõi liên quan đến 7 lĩnh vực chủ yếu là (1) xây dựng dân dụng và công nghiệp, (2) công trình giao thông, thủy lợi (3) xây dựng cầu và đường, (4) quy hoạch (lãnh thổ, vùng và đô thị), (5) công nghệ vật liệu mới trong xây dựng và giao thông, kết cấu hạ tầng (6) duy tu, bảo trì công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và (7) quản lý các dự án.

Từ những nền tảng kiến thức trên, sinh viên có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực nêu trên với các giảng viên Việt Nam và Nhật Bản. Với đinh hướng là trường đại học nghiên cứu tiên tiến, sau 1 năm đi vào hoạt động, chỉ riêng các giảng viên của ngành kỹ thuật hạ tầng đã công bố khoảng 20 bài báo quốc tế ISI có tên của Trường ĐH Việt Nhật.


GS Nguyễn Đình Đức, GS Hironori Kato và các học trò Chương trình kỹ thuật hạ tầng của Trường ĐH Việt Nhật tại công trường thi công cầu dây văng Bình Khánh (Sông Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).

GS Nguyễn Đình Đức, GS Hironori Kato và các học trò Chương trình kỹ thuật hạ tầng của Trường ĐH Việt Nhật tại công trường thi công cầu dây văng Bình Khánh (Sông Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh).

Trong số các học viên của chương trình, cũng đã có em có kết quả nghiên cứu tốt, được báo cáo tại hội nghị khoa học quốc tế. Các phòng thí nghiện hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, Công nghệ nano và Kỹ thuật môi trường được Nhà nước đầu tư cũng chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối năm 2017.

Ngoài kiến thức chuyên môn, chương trình cũng chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên thông qua các chuyến thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp, công trình Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này, cũng như ba tháng thực tập tại các phòng thí nghiệm và các doanh nghiệp tại Nhật Bản.

Cuối tháng 6/2017, Đoàn công tác của chương trình Kỹ thuật hạ tầng – Trường ĐH Việt Nhật, ĐHQGHN do GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQGHN, Giám đốc chương trình), GS Hironori Kato (Đồng giám đốc chương trình) dẫn đầu và TS Phan Lê Bình (JICA) đã đưa các học viên khóa 1 – Kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật đến thực tế tại các công trình kỹ thuật lớn của Nhật Bản đang thi công tại miền Nam đất nước.


Thầy và trò Chương trình Kỹ thuật hạ tầng, Trường ĐH Việt Nhật tại hầm Metro, bên máy khoan đào TBM đang thi công đường hầm Metro (Metro Bến Thành - Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh)

Thầy và trò Chương trình Kỹ thuật hạ tầng, Trường ĐH Việt Nhật tại hầm Metro, bên máy khoan đào TBM đang thi công đường hầm Metro (Metro Bến Thành - Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh)

Chuyến đi thực tế này là một ví dụ điển hình cho các hoạt động tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc thực tế với toàn bộ chi phí do JICA và Đại học Việt Nhật tài trợ.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Việt Nam, trường có chính sách học bổng hỗ trợ học phí toàn phần và bán phần từ nguồn của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản. Đối với khóa đầu tiên, 100% học viên đã được nhận học bổng của trường.

Có thể đánh giá đây là ngôi trường đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, được Chính phủ và nhân dân 2 nước gửi gắm niềm tin và hy vọng.

Với sự quan tâm của Chính phủ 2 nước và sự nhiệt tình, tâm huyết của các giảng viên Nhật Bản và Việt Nam, chắc chắn Trường Đại học Việt Nhật, trong đó có ngành Kỹ thuật hạ tầng, sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là địa chỉ tin cậy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại Việt Nam, là biểu tượng sâu sắc của tình hữu nghị và hợp tác chiến lược của hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐH QGHN