Học sinh múa, trình diễn thời trang… trong giờ học
(Dân trí) - Với cách học tái hiện, hình ảnh sân khấu hóa cùng nhiều kỹ thuật, thao tác dạy và học trực quan, giờ học sáng tạo liên môn Sử - Địa của trường Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM không chỉ cung cấp các kiến thức mà còn đưa đến những cung bậc cảm xúc cho thầy và trò.
Học trò mặc trang phục Kimono mua các điệu múa của Nhật Bản, trình diễn thời trang Kimono ngay trong tiết học, thuyết trình trả lời câu hỏi, phần thi đối kháng trả lời trực tiếp bằng việc bấm chuông, xem tư liệu lịch sử qua màn hình chiếu…
Đó là các hoạt động chính trong giờ học liên môn Sử - Địa của hai lớp trong khối 11 của trường vào sáng 8/11 với chủ đề “Nhật Bản - Sự trỗi dậy thần kỳ” do hai giáo viên Nguyễn Tấn Vũ Lê và Nguyễn Viết Đăng Đu.
Tiết học được tổ chức tại giảng đường theo hình thức sân khấu hóa với màu sắc và văn hóa Nhật Bản như học sinh mặc trang phục truyền thống của Nhật, phía trước lối vào còm trưng bày các món Sushi…
Nội dung giờ học được thiết kế giữa hai đội đối kháng, hai đội lần lượt trải qua các phần thi diễn ra trực tiếp. Thi về văn hóa, hai đội trình diễn theo các điệu nhảy, múa của người Nhật; trình diễn thời trang Kimono; Thi thuyết trình về sự thay đổi thần kỳ của nước Nhật sau thế chiến II; thi kiến thức bằng phần thi đối kháng; cùng xem Clip về lịch sử Nhật; phần thi khoa học kỹ thuật các em tự tìm tòi để giới thiệu về các sản phẩm, sáng chế của người Nhật…
Bỏ hẳn việc thầy đứng trên đọc, trò ngồi dưới chép, bằng các hoạt động do học sinh phải tự tìm tòi, chuẩn bị, thể hiện… các em dễ dàng nắm bắt kiến thức về lịch sử, địa lý Nhật Bản trong tại lớp học. Cho dù giờ học trông như giờ chơi, giờ sinh hoạt.
Để tổ chức giờ học này, thầy vào trò đã có 1,5 tháng cho một quá trình chuẩn bị trước đó. Em Nguyễn Lê Phương Quỳnh, học sinh lớp 11A4 cho hay tất cả học sinh đều phải tham gia, có nhiệm vụ theo thế mạnh của mình. Người thuyết trình, người múa, trình diễn, có bạn đi tìm nơi thuê trang phục, tìm hiểu về các sản phẩm của Nhật rồi làm mô hình, lắp ráp, quay clip...
Qua cách học này, các em được trải nghiệm cách cách làm việc nhóm, đóng góp ý kiến cho nhau, tự tìm tòi kiến thức, tư liệu…
Thầy giáo Nguyễn Tấn Vũ Lê chia sẻ, chủ đề của bài học nhằm cung cấp cho học trò cái nhìn toàn diện về Nhật Bản. Cách thức tổ chức giờ học theo mô hình sân khấu hóa rèn rất nhiều kỹ năng cho học sinh, đòi hỏi các em phải có sự chủ động tích cực trong học tập, hứng thú, tự giác... khi không bị áp đặt.
Giờ học thú vị này nằm trong tuần lễ dạy học “Đổi mới - Sáng tạo” do Trường THTP Lê Quý Đôn tổ chức diễn ra ở nhiều môn học khác như Giáo dục Công dân, Toán, Sinh, Lý… Giáo viên của hàng chục trường THPT ở TPHCM cùng đến tham dự vào cùng trao đổi, học tập…
Một số hình ảnh của giờ học liên môn Sử - Địa của thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM:
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)