Chương trình phổ thông mới:
Học sinh được học về đạo đức đồng tiền từ lớp 2
(Dân trí) - Ngay từ những bài tập lớp 2, học sinh đã được học về tiền và giá trị đạo đức của tiền và tích hợp các môn học như Giáo dục công dân, Đạo đức. Ở lớp 11, các em được học về lạm phát, thất nghiệp.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vừa qua.
Học về lạm phát, thất nghiệp từ lớp 11
Theo GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, từ trước đến nay, việc giáo dục tài chính hầu hết được các trường ngoài công lập chú trọng. Tuy nhiên, khối trường công lập hầu như ít được tiếp cận với mảng kiến thức này.
Theo PGS.TS Đào Đức Doãn, Chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân, chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới sắp tới đây, chủ đề giáo dục về tài chính được triển khai khá đầy đủ và xuyên suốt ở các 3 cấp học.
Cụ thể, ở lớp 4, học sinh sẽ được tiếp cận với chủ đề “Tiền và giá trị của tiền” có nội dung giáo dục các loại mệnh giá tiền Việt Nam, giá trị các loại tiền. Cùng đó biết quý trọng và tiết kiệm tiền.
Lên lớp 5 các em sẽ được học chủ đề “Sử dụng tiền hợp lý giáo dục về sự cần thiết và cách sử dụng tiền hợp lý.
Ở cấp THCS, lớp 6 có chủ đề “Tiết kiệm” qua đó cho thấy ý nghĩa, hình thức tiết kiệm qua đó rèn luyện ý thức cho các học sinh.
Lên lớp 7, học sinh tiếp cận chủ đề “Quản lý tiền” giúp học sinh biết cách quản lý và sử dụng tiền hiệu quả.
Lớp 8 các em được giáo dục về sự cần thiết, phương pháp và rèn luyện thói quen từ chủ đề “Lập kế hoạch chỉ tiêu”, còn chủ đề ở lớp 9 giáo dục học sinh về lợi ích và biện pháp để trở thành “Người tiêu dùng thông thái”.
Ở cấp THPT, lớp 10 các em sẽ tiếp tục được tiếp cận các chủ đề “Ngân sách nhà nước và chính sách thuế”, “Tín dụng và cách sử dụng các dịch vụ tín dụng”, “Lập kế hoạch tài chính cá nhân”. Lên lớp 11, các em được học chủ đề “Ý tưởng kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh”, trong đó có nội dung giáo dục về ý tưởng trong kinh doanh, các năng lực cần thiết của người kinh doanh.
Chủ đề “Lạm phát, thất nghiệp”, “Vai trò của tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng Việt Nam” giáo dục công dân về trách nhiệm trong việc phòng chống lạm phát, thất nghiệp và xây dựng văn hóa tiêu dùng.
Lớp 12, các em được học về các chủ đề “Chính sách bảo hiểm và an sinh xã hội” cùng đó nhận thức về trách nhiệm của công dân trong việc tham gia các lĩnh vực này. Có hai chủ đề rất thiết thực khác cũng được học ở lớp này là “Quản lý thu, chi trong gia đình” và “Kế hoạch kinh doanh và cách lập kế hoạch kinh doanh”.
Định hướng năng lực, vận dụng thực tế
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ chương trình môn Giáo dục công dân, Đạo đức mà các chương trình môn học khác như Ngữ văn, Tự nhiên Xã hội, Khoa học, Toán… cũng đều có những lồng ghép về kiến thức giáo dục tài chính.
Tuy nhiên, theo các chủ biên, mỗi môn học có một cách lồng ghép khác nhau, song đều định hướng giúp các học sinh phát triển được các năng lực có thể sáng tạo, vận dụng trong thực tế.
GS.TS Đỗ Đức Thái cũng nhận định: "Ngay từ những bài tập lớp 2 thì học sinh đã được học về tiền và giá trị đạo đức của tiền và tích hợp các môn học như Giáo dục công dân, Đạo đức.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ chương trình môn Giáo dục công dân, Đạo đức, mà các chương trình môn học khác như Ngữ văn, Tự nhiên Xã hội, Khoa học, Toán … cũng đều có những lồng ghép về kiến thức giáo dục tài chính. (ảnh minh họa)
Hoạt động thực hành và trải nghiệm trong môn Toán, tổ chức hoạt động tung đồng xu, trò chơi liên quan đến trao đổi hàng hóa,... lớp 4 đã được học thực hành chuyển đổi tiền Việt Nam, lớp 5 được học về tỉ số phần trăm nên học sinh sẽ được học về lỗ, lãi.
Vận dụng kiến thức toán học giải quyết những vấn đề về rủi ro, đầu tư, vay nợ,... cũng là một trong những kiến thức quan trọng cho học sinh".
Còn ở chương trình Hoạt động trải nghiệm, PGS TS Đinh Thị Kim Thoa, chủ biên môn học chia sẻ: Chương trình Hoạt động trải nghiệm sẽ hướng dẫn các em trong lời ăn tiếng nói, cách lựa chọn của bản thân trước lựa chọn nghề nghiệp...
Theo bà Thoa, ban soạn thảo đã rất quan tâm tới giáo dục tài chính và đưa vào trong chương trình bởi đây là nội dung rất quan trọng.
“Ví dụ về giáo dục gia đình, chúng tôi cũng đưa vào các bài tập, chẳng hạn ở tiểu học chúng tôi giáo dục tinh thần tiết kiệm.
Cao hơn là giáo dục các em cách tổ chức hội chợ, giáo dục các em chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình. Chúng tôi sẽ có những bài tập giúp các em sử dụng đồng tiền quyên góp, sử dụng đồng tiền ủng hộ như thế nào cho hợp lý, đặt ra mục tiêu để học sinh xây dựng kế hoạch phát triển tài chính cá nhân, xây dựng kế hoạch đường đời”, PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa cho hay.
Về vấn đề giáo dục tài chính, các chuyên gia tại hội thảo thống nhất quan điểm cho rằng, quan trọng nhất là dạy trẻ theo tư duy mới, tư duy giá trị.
Tư duy đó là "có thể tôi không có tiền nhưng tôi đang có nguồn lực sẵn có, làm thế nào để biến nó thành tiền", đồng thời dạy các em có kỹ năng sử dụng đồng tiền, và kỹ năng kiếm ra tiền mới quan trọng.
Mỹ Hà