Bạn đọc viết:
Hoan hô những phụ huynh đã “bơi ngược dòng”
(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc một số học sinh lớp 1H trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A (Sóc Trăng) đọc chưa thông, viết chưa thạo vẫn được lên lớp, tôi thật sự khâm phục những phụ huynh đã mạnh dạn lên tiếng xin cho con được ở lại lớp.
Nguyên nhân sâu xa của việc các cháu đọc, viết chưa thông thạo sau khi kết thúc năm học thì nhiều. Phải chăng có một phần lỗi của nhà trường và giáo viên trong việc kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu? Tất nhiên, nhưng đừng vội quy kết lỗi hoàn toàn ở nhà trường. Một phần lớn nguyên nhân có thể xuất phát từ chính năng lực của các cháu và sự quan tâm của gia đình. Một số học sinh gặp các vấn đề về trí tuệ, thể chất sẽ không theo đuổi được việc học. Thêm vào đó là sự buông lỏng kèm cặp của phụ huynh, sự phó thác hoàn toàn việc học của con cái cho nhà trường cũng góp phần đẩy trẻ tụt lùi so với các bạn cùng trang lứa.
Học yếu là một vấn đề, nhưng học yếu mà vẫn lên lớp lại là vấn đề khác. Nó nằm trong căn bệnh thành tích của giáo dục. Người ta nói nhiều về căn bệnh này nhưng có lẽ nó đã trở thành bệnh “kinh niên” mất rồi, khi sự giả dối vẫn tồn tại và thành tích vẫn lung linh.
Không chỉ Sóc Trăng mà hơn 60 tỉnh thành trên cả nước hãy cùng bắt tay vào cuộc khảo sát tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp một cách quy mô, nghiêm túc, hiệu quả ở tất cả các cấp học. Bởi ngay tại những thành phố lớn, những trường học đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá nhiều em “ngồi nhầm”. Lớp 1, lớp 2 chưa đọc viết thông thạo có khi còn là chuyện bình thường, bởi có em lên lớp 6 vẫn đang “vẽ chữ”, “chép chữ” thầy ghi trên bảng và đọc ngượng nghịu vì mải đánh vần con chữ.
Bên cạnh đó hãy đối sánh số ngày nghỉ thật của học sinh với quy định không vượt quá 45 ngày trong một năm học để thấy rằng còn khá nhiều học sinh lợi dụng kẽ hở của thành tích để nghỉ học lêu lổng và thích đến trường lúc nào thì đến. Hoặc là hãy theo dõi thống kê kết quả thi lại của các trường, dễ dàng thấy được rằng cứ hầu hết học sinh tham gia thi là lên lớp, còn vắng thi thì lưu ban…
Không thể phủ nhận một thực tế rõ ràng hiện nay là thành tích trong giáo dục quá dễ dàng gặt hái với tỉ lệ học sinh khá, giỏi luôn áp đảo trong các lớp học. Nhưng những góc khuất đáng buồn vẫn hiển hiện đầy nhức nhối. Người ta chỉ chăm chăm nhìn vào thành tích, ca tụng thành tích và vô tình “ngó lơ” những “điểm trừ” của giáo dục ư?
Ngay chính các thầy cô giáo đã ví von rất hay về cái “vòng kim cô” quyền uy chụp lên mỗi người thầy, trói chặt và chỉ cho phép người ta vũng vẫy trong “vầng hào quang” của nó. Cứ mỗi đầu năm học, một bảng chỉ tiêu chất lượng học tập được các cấp quản lý trưng ra với những con số cao ngất ngưởng về tỉ lệ duy trì số lượng, tỉ lệ khá giỏi, tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp… Giáo viên cứ căn cứ vào đó mà đăng kí chỉ tiêu, đăng kí danh hiệu thi đua. Một yêu cầu được đặt ra là phải đạt chỉ tiêu đã đăng kí. Nếu không sẽ phải báo cáo, giải trình, tìm giải pháp và cắt danh hiệu thi đua.
Muốn đẩy lùi căn bệnh thành tích, cần nhanh chóng thay đổi cách quản lý giáo dục bằng việc “áp đặt” chỉ tiêu và thẳng thắn nhìn nhận những thiếu sót, hạn chế để tìm giải pháp khắc phục. Hơn nữa, cần một cuộc cải cách lớn trong nhận thức và tư duy của phụ huynh. Hãy sáng suốt nhìn nhận, đánh giá về con cái đúng thực chất và mạnh dạn kiến nghị cho con lưu ban, bởi điều đó thật sự cần cho trẻ.
Tôi biết có rất nhiều phụ huynh đang “bơi ngược dòng” khi đề xuất “xin cô cho cháu ở lại lớp…”. Dù là “ngược dòng” nhưng rất cảm ơn những người cha người mẹ đã giúp giáo dục nước nhà nhìn thẳng vào thực tế, đối diện với thực tế.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!