Bạn đọc viết:
Hết giờ học, con trẻ chơi gì?
(Dân trí) - Trẻ chơi gì và chơi như thế nào là điều không dễ, việc này đòi hỏi phải có môi trường, có tài chính và cả thời gian của gia đình dành cho chúng. Con trẻ sẽ có cơ hội vui chơi, giải trí tốt nhất và được phát triển toàn diện khi chúng được vui chơi lành mạnh và khoa học.
Ngày nay việc học quá nhiều áp lực và gây ảnh hưởng đến tâm lý sức khỏe của con trẻ nên các phụ huynh càng thêm lo lắng. Việc chơi gì của con trong thời điểm này cũng là một mối quan tâm của cha mẹ. Chơi không chỉ vận động chân tay, thể lực mà còn vận động tư duy, trí tuệ. Khi con trẻ được thỏa mãn vui chơi thì chúng sẽ giảm căng thẳng sau những giờ học căng thẳng, chơi vui và bổ ích giúp trẻ tái tạo năng lượng, bồi đắp sức khỏe và tinh thần.
Thằng con tôi học lớp 3 trường xã “nghịch như quỷ sứ”, đi học về không xem tivi thì trèo cây, chạy nhảy khắp sân nhà từ tầng 2 xuống tầng 1, xuống bếp. Trẻ con tuổi này khá hiếu động, ham thích nhiều thú chơi. Bình thường nó cũng có nhiều thú vui nhưng nhanh chán và phải đổi trò chơi liên tục. Nhưng không phải lúc nào mọi người trong gia đình tôi cũng được hoàn toàn thoải mái với việc chơi của nó.
Nỗi lo này không phải của riêng tôi và gia đình tôi mà đối với nhiều bậc phụ huynh khác trong câu hỏi làm gì để con vui chơi bổ ích nhất. Chơi gì, chơi như thế nào và kết quả đạt được khi vui chơi là gì luôn là sự quan tâm hàng đầu cho các bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi như cu Bin nhà tôi.
Khi gặp nhau, các bậc phụ huynh đều than thở rằng, con nhà họ chỉ thích những trò giải trí trên màn hình. Bà nội hỏi cu Bin nhà tôi là tại sao nó lại mong bố đi làm về thế thì nó nói mong bố về sẽ có điện thoại để chơi. Nó có thể ôm điện thoại cả buổi cho đến bữa ăn cơm mà không biết chán. Nào bắn trứng, siêu nhân bay, chém hoa quả, đua xe, đôi mắt và cái tay cứ thoăn thoắt không rời.
Nhiều lần đi làm về tôi thấy nó nằm trùm kín chăn trong phòng tối và dán mắt vào điện thoại mà tôi thấy lo. Đã nhiều lần nhắc nhở nó bật đèn điện khi xem điện thoại trong phòng nhưng nó mê quá mà quên lời mẹ dặn. Bà nội cũng không muốn nó dán mắt vào màn hình bé xíu ấy nhưng bà còn đỡ lo hơn khi nó đạp xe chạy vòng vèo khắp ngõ xóm. Đường làng thì nhỏ, ô tô, xe máy nhiều, nó cứ đi mà quên lời bà dặn về an toàn giao thông. Lo hơn nữa khi nó rủ theo lũ bạn ra ao, xuống ruộng chơi bùn đất mà bà không thể tìm gọi nó về nhà được.
Tôi cũng muốn chơi đùa với mấy đứa con những trò bắn bi, cầu lông, cờ vua nhưng thời gian rảnh không nhiều. Ngoài công việc chính, tôi vẫn tranh thủ làm thêm, tăng thu nhập để có tiền nuôi con. Ngoài tiền ăn, tiền học, tiền chi tiêu khác còn tốn thêm một khoản tiền mua đồ chơi cho hai con. Đứa con gái thì thích đồ chơi chơi búp bê, nấu ăn, thằng con trai thì lại thích súng bắn, ô tô điều khiển. Nhưng lúc có đồ chơi mới thì chúng cũng tạm quên đi cái điện thoại, nhưng đồ chơi hiện nay không hề rẻ, mà chúng cũng chỉ chơi được vài ngày là chán ngay.
Một vài tháng, vợ chồng tôi đưa con đi chơi siêu thị, đi dã ngoại hoặc đến những khu vui chơi trong Hà Nội. Những buổi đi chơi ấy thực sự hữu ích, giúp các con được hoạt động thể chất tối đa sau những ngày dài ngồi học và chơi điện thoại. Dù phải tốn thêm một khoản chi phí của gia đình nhưng tôi thấy vẫn may mắn khi mình ở ngoại thành để có thể dễ dàng đi sang Times City hay Vincom, thiên đường Bảo Sơn. Những người ở tỉnh xa, những vùng nông thôn, vùng hẻo lánh thì khó có điều kiện để cho con trẻ những niềm vui chơi như thế.
Trẻ chơi gì và chơi như thế nào là điều không dễ, việc này đòi hỏi phải có môi trường, có tài chính và cả thời gian của gia đình dành cho chúng. Con trẻ sẽ có cơ hội vui chơi, giải trí tốt nhất và được phát triển toàn diện khi chúng được vui chơi lành mạnh và khoa học. Nếu để trẻ ngồi quá lâu trước màn hình tivi hoặc điện thoại sẽ gây ra các bệnh về mắt, cột sống. Tốt nhất là người lớn nên điều hòa các trò chơi cho con em mình, có lúc cần chơi với con để chúng được chia sẻ và gia tăng mối quan hệ ruột thịt trong gia đình.
Đầu tư tiền bạc cho con trẻ vui chơi cũng là một cách đầu tư cho việc học và việc phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Ngày nay, việc vui chơi mang tính hướng ngoại nhiều hơn để con trẻ học mà chơi, chơi mà học. Một số mô hình vui chơi kiểu nông trại, khu sinh thái ra đời giúp trẻ có môi trường vừa học vừa chơi rất bổ ích.
Minh Minh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!